Giám sát - Phản biện

Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, liều lĩnh

Đức Sơn - Nguyễn Thắng 22/04/2025 09:17

Từ vụ sản xuất hơn 1 tấn ma túy tại tỉnh Khánh Hòa đến vụ án ma túy khiến một chiến sĩ Công an hy sinh ở Quảng Ninh, cho thấy tội phạm ma túy ngày càng phức tạp và manh động.

Anh bai tren
Cơ sở sản xuất ma túy quy mô lớn tại Khánh Hòa do đối tượng Chang Chun Ming (quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc) cầm đầu. Ảnh: BCA.

Triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn

Đầu tháng 4/2025, Bộ Công an đã khởi tố các đối tượng trong đường dây sản xuất trái phép chất ma túy quy mô lớn, đứng đầu là Chang Chun Ming, quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc). Khám xét tại xưởng và 2 địa điểm liên quan ở tỉnh Khánh Hòa, lực lượng chức năng thu giữ tới 1,4 tấn ketamin tinh khiết, gần 80 tấn hóa chất tiền chất, đủ để sản xuất thêm lượng lớn ma túy khác. Đây là một trong những vụ án ma túy có quy mô và tính chất nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Điều đáng lo ngại hơn cả không chỉ nằm ở khối lượng ma túy thu giữ, mà chính là phương thức hoạt động cực kỳ tinh vi, bài bản và có tổ chức xuyên quốc gia. Các đối tượng đã thuê nhà xưởng tại khu vực đồi núi hẻo lánh, ít người qua lại, đường vào khó khăn để tránh bị phát hiện. Hệ thống an ninh được thiết lập chặt chẽ. Chúng tạo lớp vỏ bọc là cơ sở sản xuất chất tạo bọt xử lý nước thải nhằm qua mắt chính quyền địa phương.

Đặc biệt, quy trình sản xuất ma túy được chia nhỏ thành từng giai đoạn, sử dụng lao động thời vụ, thay người liên tục để tránh lộ thông tin. Khi kết thúc một giai đoạn, nhóm này cho công nhân nghỉ, sau đó tuyển người mới, nhằm làm “đứt gãy” chứng cứ nếu bị phát hiện. Các đối tượng thậm chí đã mua cả tàu cá, chuẩn bị phương tiện vận chuyển, lên kế hoạch đưa ma túy ra nước ngoài bằng đường biển, cho thấy ý đồ xuất khẩu ma túy quy mô lớn và đường dây mang tính xuyên biên giới.

Đây không chỉ là vụ án đơn lẻ, mà còn là biểu hiện cho một xu hướng nguy hiểm: Việt Nam đang dần bị biến thành điểm trung chuyển và sản xuất ma túy của các tổ chức xuyên quốc gia, đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy.

Trong khi đó, vụ án ma túy xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày 17/4/2025 lại cho thấy một khía cạnh khác: sự liều lĩnh và sẵn sàng đổ máu để bảo vệ “lợi nhuận”. Khi bị vây bắt, nhóm tội phạm đã sử dụng súng AK quân dụng để chống trả quyết liệt lực lượng chức năng. Vụ việc khiến Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải hy sinh.

Đây là lần hiếm hoi trong những năm gần đây tại Việt Nam, tội phạm ma túy sử dụng vũ khí quân dụng sát thương cao để đối đầu trực tiếp với cơ quan thực thi pháp luật. Hành vi này không chỉ là tội phạm ma túy đơn thuần, nó đã tiệm cận hành vi khủng bố, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn xã hội.

Xây dựng xã, phường không ma túy

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị quán triệt Kết luận số 132 - KL/TW ngày 18/3/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng. Tạo ra những chuyển biến rõ nét về nhận thức, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn dân trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Các lực lượng chuyên trách đã lập nhiều chiến công, triệt phá nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng lớn ma túy, không để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an cũng thẳng thắn nhìn nhận so với mục tiêu mà Chỉ thị 36 đề ra, kết quả đạt được vẫn còn khoảng cách. Quá trình thực hiện bộc lộ tồn tại, khó khăn vướng mắc, cần sớm khắc phục, tháo gỡ. Đồng thời, tình hình ma túy đang có những diễn biến rất mới đòi hỏi đổi mới tư duy, cách làm, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, toàn dân trong công tác này.

Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu vấn đề: Tình hình ma túy, tội phạm, tệ nạn ma túy những năm gần đây đang đặt ra áp lực mới rất lớn, yêu cầu nhiệm vụ mới cao hơn, khẩn trương, cấp bách hơn đối với công tác phòng, chống và kiểm soát chất ma túy. Nguồn cung ma túy trên thế giới tăng cao liên tục trong 5 năm qua. Tình hình ma túy tại các địa bàn kề cận hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến nước ta.

Trong nước, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều phương thức thủ đoạn phạm tội rất mới, triệt để là sử dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, không gian mạng như sử dụng máy bay không người lái, thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa, quà biếu, ma túy gắn với thiết bị định vị thả trôi dạt trên biển, núp bóng doanh nghiệp để sản xuất ma túy, núp bóng tẩm ướp, pha trộn vào thực phẩm đồ uống và nhiều hành vi khác để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo Bộ trưởng, qua công tác đấu tranh cho thấy một số giải pháp căn cơ trong phòng, chống và kiểm soát ma túy cần tập trung thực hiện có kết quả cụ thể. Đó là kéo giảm nguồn cầu về ma túy gồm: hạn chế phát sinh người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy mới, quản lý chặt chẽ những người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy bằng việc đưa tối đa số người nghiện, cai nghiện bắt buộc. Xử lý nghiêm khắc các tội danh liên qua như tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Bộ trưởng Lương Tam Quang chỉ rõ, xây dựng xã, phường, thị trấn không ma túy, tiến tới tỉnh không ma túy, và xã hội không ma túy. Hội nghị Trung ương 11 đã thống nhất rất cao tên các mô hình điểm, các xã XHCN, các tỉnh XHCN. Đối với các mô hình điểm này tiêu chí không ma túy là trước hết.

Đức Sơn - Nguyễn Thắng