Mạnh tay xử lý quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng
Trước tình trạng bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu các bệnh viện và cơ sở y tế tăng cường giám sát việc kê đơn, bán thuốc và thực phẩm chức năng, ngăn chặn trục lợi và lừa đảo người bệnh.

Người tiêu dùng bị rơi vào “ma trận”
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã có văn bản đến Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cùng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm. Qua kiểm tra thông tin từ báo chí và một số video trên các nền tảng mạng xã hội, Cục ATTP nhận thấy một số người nổi tiếng đã quảng cáo sản phẩm không đúng quy định, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về công dụng và chất lượng thực phẩm.
Việc quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng đã tồn tại trong nhiều năm qua, bất chấp những quy định của pháp luật. Mặc dù đã có quy định rõ ràng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lợi dụng tâm lý muốn chữa bệnh nhanh, dứt điểm của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật.
Một số sản phẩm được giới thiệu với lời lẽ như “giúp khỏi bệnh hoàn toàn”, “tác dụng sau vài ngày sử dụng”, “bài thuốc gia truyền”, “100% thảo dược tự nhiên”, “đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm công dụng”, đi kèm hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế mặc áo blouse trắng để tăng độ tin cậy. Đặc biệt, các quảng cáo này thường bỏ qua dòng cảnh báo bắt buộc: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Với sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị di động thông minh, các mạng xã hội đã trở thành công cụ quảng cáo, tiếp cận người dùng hiệu quả và nhanh chóng. Đây là “miền đất hứa” cho nhiều loại thực phẩm chức năng “thần dược” len lỏi, tiếp cận nhanh chóng đến người tiêu dùng.
Anh Trần Thanh Tùng (30 tuổi, ở Hòa Bình) - người có “thâm niên” kinh doanh thực phẩm chức năng cho biết: Hiện nay, những người bán thực phẩm chức năng thường sẽ núp dưới những hội nhóm mang dạng thảo luận về sức khỏe. Ví dụ: nhóm “Giảm cân khoa học”, “Giảm cân cấp tốc”, “Thải độc, chăm sóc sức khỏe sau sinh”… Chỉ cần phát hiện người có nhu cầu, hàng loạt những tin nhắn mời chào sản phẩm sẽ được nhắn trực tiếp. Đương nhiên, theo anh Tùng, để bán được hàng thì việc thổi phồng công dụng, khẳng định sẽ khỏi bệnh, tác dụng tức thì là “chuyện bình thường.
Khảo sát nhanh qua các hiệu thuốc tại khu vực các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai (Hà Nội), khi được hỏi về thực phẩm chức năng chữa bệnh đau đại tràng, phóng viên cũng được giới thiệu các loại thực phẩm chức năng khác nhau với khẳng định: “Dùng sau 1, 2 tháng sẽ khỏi bệnh”.
Với chiết khấu cao, nhiều cửa hàng thuốc, nhà thuốc đã sẵn sàng quảng bá và bán thực phẩm chức năng để thu lợi nhuận. Mới đây, qua công tác quản lý và phản ánh từ nhiều kênh, Bộ Y tế phát hiện tình trạng nhân viên y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh giới thiệu, tư vấn sử dụng các sản phẩm do doanh nghiệp phân phối, trong đó có cả sữa giả và thuốc giả được sản xuất, buôn bán với quy mô lớn.
Bác sĩ, nhân viên y tế không được tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng
Bộ Y tế mới đây đã có công văn gửi tới Tổng hội Y học Việt Nam, các bệnh viện, các viện, các trường đại học, cao đẳng y dược trực thuộc Bộ Y tế và các hội, hiệp hội liên quan đến thực phẩm về quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Tại văn bản, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018 ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Khẩn trương siết quản lý
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng (29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, 23.133 thực phẩm bổ sung), trong đó đến 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất.
Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng. Theo đó, Bộ đã xử phạt tổng cộng 87 cơ sở với số tiền lên đến 16,858 tỷ đồng, trong khi các cơ quan chức năng tại địa phương đã xử phạt 20.881 cơ sở với tổng số tiền lên đến 123,84 tỷ đồng. Các biện pháp này phản ánh sự quyết liệt trong công tác quản lý và giám sát, là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không tuân thủ quy định.
Để tăng cường kiểm soát các sản phẩm thực phẩm chức năng trên thị trường, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về ATTP thuộc Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia.
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng tin tưởng vào những gương mặt nổi tiếng, đặc biệt là các nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Khi những nhân vật này tham gia quảng bá sản phẩm, công chúng thường tin vào chất lượng sản phẩm mà họ đang quảng cáo. Việc các nghệ sĩ thiếu trách nhiệm, cố tình thổi phồng công dụng của sản phẩm không chỉ gây ra sự thất vọng, mà còn tạo ra hoang mang trong cộng đồng. Gần đây, vụ việc liên quan đến hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người tiêu dùng.
Trước tình trạng bát nháo của thị trường quảng cáo thực phẩm chức năng, Cục ATTP khẳng định, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về quảng cáo gây nhầm lẫn giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc điều trị. Điều này không chỉ làm mất niềm tin của người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, đặc biệt đối với những người bệnh tự ý sử dụng sản phẩm mà bỏ qua việc điều trị y tế chính thống.
Bên cạnh nguy cơ hiểu nhầm về công dụng, một số sản phẩm còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu là hàng giả, hàng nhái hoặc không rõ nguồn gốc. Việc sử dụng những sản phẩm không được kiểm định kỹ lưỡng có thể gây kích ứng, ngộ độc hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dùng.
Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế và Chi cục ATTP các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Những sản phẩm không có giấy tờ hợp lệ, quảng cáo sai lệch, hoặc sử dụng hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng để quảng bá sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cục ATTP cũng khuyến cáo người dân nên kiểm tra kĩ nhãn mác sản phẩm trước khi sử dụng. Trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với hàng nhập khẩu) cần có đầy đủ các thông tin như: tên sản phẩm, thành phần, định lượng, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng, khuyến cáo về nguy cơ nếu có. Đặc biệt, phải ghi rõ cụm từ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” và “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Ngoài ra, phải có số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có), cùng tên và địa chỉ của đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm. Người dân có thể chủ động tra cứu thông tin các sản phẩm đã được cấp phép tại các cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ Y tế.
Đại tá, BS Hoàng Khánh Toàn - Nguyên Chủ nhiệm Khoa y học cổ truyền (Bệnh viện Quân Y 108): Người tiêu dùng cần tra cứu kỹ thông tin
.jpg)
Trước khi quyết định chọn mua và sử dụng loại thực phẩm chức năng nào, người tiêu dùng nên đặt ra mười câu hỏi: Thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì, có sẵn tự nhiên trong thực phẩm hay do bổ sung vào; hiệu quả của sản phẩm ra sao, có nghiên cứu nào xác nhận lợi ích này không; nhà sản xuất có phải là một công ty có tiếng tăm tốt, đáng tin cậy không; trên nhãn có ghi hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không; thành phần bổ sung vào thực phẩm thế nào, có những thực phẩm nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không; so sánh giá cả của thực phẩm chức năng với thực phẩm thông thường, giá có tương xứng với thành phần chức năng mang lại lợi ích cho người sử dụng không; cách thức chế biến thực phẩm (nóng, lạnh) hay cách bảo quản có ảnh hưởng đến hiệu quả chức năng của thực phẩm không...