Những cây cầu '1.000 đồng' giúp người dân thoát cảnh lụy đò
"Mô hình 1.000 đồng" do huyện ủy Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu phát động mỗi đảng viên ở huyện mỗi ngày tự nguyện đóng góp 1.000 đồng. Sau nhiều năm, gần chục cây cầu giao thông đã được xây dựng nhờ đó mà bà con ở đây không còn phải chịu cảnh "qua sông lụy đò".
Sau nhiều năm chờ đợi, người dân sống ở đôi bờ sông 2 ấp Xẻo Quao và Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân mừng rỡ khi không còn cảnh “qua sông lụy đò” vì cây cầu bắc qua sông Vàm nối liền 2 ấp được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng. Cây cầu có tổng trị giá đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó có 700 triệu đồng được trích từ nguồn quỹ của mô hình “1.000 đồng”.

Buôn bán gần khu vực cầu sông Vàm chị Nguyễn Thị Thu vui mừng vì đi qua cây cầu bắc qua sông. Theo chị Thu, nếu đi công việc đây sang thị trấn Ngan Dừa người dân thường phải chờ để qua đò, hoặc đi đường vòng, vừa mất thời gian và tiền. Nay đi qua cầu đường bộ chỉ cần vài phút là có thể qua đến thị trấn. “Dân ở đây họ mừng lắm, khỏi qua đò, đi qua bên này sướng nè, khỏi tốn tiền. Nhiều thế hệ người dân đây ao ước từ lâu đã rất mong ngóng có được 1 cây cầu bắc qua sông Vàm này vừa tạo điều kiện đi lại và vừa phát triển kinh tế”, chị Thu nói trong vui mừng.
Không chỉ bà con hai bên cầu vui mừng, mà người dân ở các ấp khác như Thống Nhất, Trèm Trẹm của thị trấn Ngan Dừa cũng vui lây vì được đi lại dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Lắm hộ dân ấp Xẻo Quao, sống ở gần cầu chia sẻ: “Không thể ngờ rằng, giờ đây chỉ nhờ mô hình “1.000 đồng” lại có thể làm được cây cầu bề thế, vững chắc, giúp người dân qua lại dễ dàng như vậy”.
Ông Lắm phấn khởi là phải, bởi bây giờ chỗ ông ở khác quá, nhất là từ khi có cầu sông Vàm nối đôi bờ, chứ hồi trước muốn qua trung tâm huyện phải chờ đò. Cây cầu giúp người dân bờ bên này xóa đi cảm giác vùng sâu, vùng xa.
Cầu bắc qua sông Vàm là cây cầu thứ 9 được xây dựng trên địa bàn huyện Hồng Dân từ công trình “1.000 đồng” do cán bộ, đảng viên của huyện đóng góp. Việc làm này là minh chứng cho tâm huyết, tấm lòng chăm lo cho người dân từ những việc nhỏ nhất của cán bộ, đảng viên nơi đây.

Chị Lê Thúy Hà, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, chia sẻ: lần đầu khi được lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động, bản thân chị cũng thấy bất ngờ, nghĩ rằng số tiền này ít quá, không biết đến bao giờ mới đủ để làm một cây cầu. Vậy rồi, không lâu sau đó, từ công trình “1.000 đồng”, cây cầu đầu tiên được xây dựng và đưa vào sử dụng trong sự háo hức của nhiều cán bộ, đảng viên vì biết rằng số tiền đóng góp của mình được dùng vào việc có ý nghĩa lo cho dân. Hiểu được ý nghĩa đó, chị đã cùng nhiều cán bộ, đảng viên vận động người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè tích cực tham gia ủng hộ công trình “1.000 đồng”.
Ông Nguyễn Văn Chung, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân chia sẻ: do nguồn ngân sách của Nhà nước có hạn, nên để đáp ứng nhu cầu đi lại, ở nhiều nơi kênh mương nhỏ, bà con bắc cầu tạm sông lớn qua bằng đò ngang… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là với các em học sinh.

Trăn trở trước thực tế đó, lãnh đạo huyện Hồng Dân đã đề xuất một hình thức tiết kiệm để xây cầu cho dân bằng việc phát động trong cán bộ, đảng viên góp mỗi người 1.000 đồng/ngày (tức là 365 nghìn/năm). Việc làm này không chỉ nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên mà còn được lan tỏa trong nhân dân.

Từ thành công của mô hình “1.000 đồng”, năm 2025, Huyện ủy Hồng Dân đề xuất nâng lên mức tiết kiệm 2.000 đồng/ngày đối với cán bộ chủ chốt của huyện và các xã, thị trấn; riêng với cán bộ, đảng viên thì giữ nguyên 1.000 đồng/ngày, nhưng nếu ai có điều kiện có thể đóng góp nhiều hơn. “Số tiền thu được không chỉ dừng lại ở việc xây cầu, mà còn làm đường cờ, làm quỹ đi thăm các gia đình chính sách, người có công, đóng góp một phần vào chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát giúp hộ dân khó khăn có điều kiện “an cư lạc nghiệp”, ông Chung cho biết thêm.