Du lịch

Nhật Tân - Điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô

MỘC MIÊN 22/04/2025 15:05

Nhật Tân từ lâu đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Thủ đô bởi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, nơi có di tích lịch sử đình Nhật Tân, chùa Tảo Sách, thung lũng hoa Nhật Tân với sắc hoa rực rỡ quanh năm, vương quốc các trò chơi dưới nước tại Công viên nước Hồ Tây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn… và đặc biệt là thương hiệu nghề trồng đào nổi tiếng Nhật Tân được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

498-202504221501411.jpg
Lễ hội truyền thống đình Nhật Tân đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 2025. Ảnh: Khánh Huy

Đa dạng điểm du lịch lý tưởng

Trái ngược với sự xô bồ nơi phố thị, nhịp sống tại khu du lịch cấp thành phố Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) mang đến vẻ đẹp nên thơ, trữ tình. Xuyên suốt tour tham quan khu du lịch Nhật Tân, du khách được trải nghiệm về hành trình khám phá từ ngôi đình, chùa cổ, đến cảnh sắc hoa rực rỡ và những trải nghiệm về làng nghề mang dấu ấn vùng đất phía Tây Hà Nội.

Điểm đến đầu tiên là đình Nhật Tân, xưa gọi là điện Nhật Chiêu. Theo sử sách, ghi lại, trước đây điện Nhật Chiêu thuộc huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Dưới triều Khải Định mới đổi tên Nhật Chiêu thành Nhật Tân. Đình Nhật Tân được lập nên để thờ phụng Đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang. Ngài là con của Chính Cung Minh Đức Hoàng Hậu, nổi danh với trí thông minh và tài thao lược.

Lễ hội truyền thống được tổ chức 10/2 (Âm lịch) hàng năm. Vào dịp lễ hội, ngoài nghi lễ quan trọng lễ tế, lễ rước kiệu, Lễ hội truyền thống đình Nhật Tân tổ chức nghi lễ “Phóng noãn” độc đáo. Tức khoảng giờ Tý đêm mùng 9/2 (Âm lịch), đoàn rước sẽ đưa lễ tượng trưng có 7 quả trứng đi thả phóng dưới sông Hồng. Nghi lễ này phản ánh tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, với mong muốn thiên nhiên ban phát sự sống, mùa màng tươi tốt và cuộc sống ấm no.

Năm 2025, Lễ hội truyền thống đình Nhật Tân (dịp 10/2 Âm lịch) đón hơn 1 vạn lượt du khách, khẳng định sức sống văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy trong dòng chảy đương đại.

Không chỉ là vùng đất lịch sử, đình Nhật Tân còn là “địa chỉ đỏ” cách mạng. Tháng 12/1946, đình Nhật Tân là nơi thành lập Đội quyết tử quân quận Lãng Bạc. Sau năm 1946, Liên khu I lấy Đình Nhật Tân là trạm vận chuyển quân lương cho các chiến sĩ ở Việt Bắc. Ngày 8/5/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về đình Nhật Tân đôn đốc việc bầu cử và kiểm tra hòm phiếu tại đình.

Năm 1994, đình Nhật Tân được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Sau 20 năm gìn giữ, phát huy giá trị di sản, Lễ hội truyền thống đình Nhật Tân chính thức được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trên hành trình khám phá kiến trúc cổ, du khách dừng chân tại chùa Tảo Sách. Ngôi chùa cổ có niên đại 600 năm tuổi, được xây dựng trên nền ngôi nhà do Hoàng tử Uy Linh Lang, chùa là nơi đọc sách và ngâm vịnh thơ phú. Tên chùa “Tảo Sách” có nghĩa “đọc sách dưới ánh nắng ban mai”.

Năm 1993, chùa Tảo Sách được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay, chùa Tảo Sách không chỉ mang vẻ đẹp cổ kính, còn điểm tham quan tâm linh độc đáo giữa lòng Hà Nội.

498-202504221501412.jpg
Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) là địa điểm tổ chức các sự kiện lớn của ngành du lịch Thủ đô. Ảnh: Mộc Miên.

Điểm khám phá tiếp theo là thung lũng hoa Nhật Tân với muôn vàn sắc hoa lung linh trong không gian thơ mộng, bài trí tiểu cảnh hút khách, du khách như lạc vào xứ sở của ngàn hoa. Nhiều du khách ưu ái gọi thung lũng hoa Nhật Tân là “Đà Lạt thứ hai” của Hà Nội bởi sức cuốn hút đầy mê hoặc. Ở mọi góc cảnh, du khách cũng có thể chụp cho mình góc sống ảo vô cùng bắt mắt và độc đáo. Đặc biệt mùa sen tháng 6, là điểm đến lý tưởng của những tín đồ yêu thích chụp ảnh.

Điểm đặc biệt trên hành trình khám phá khu du lịch Nhật Tân là các điểm đến chỉ cách xa từ 1-2km, thuận tiện cho việc di chuyển, lưu trú của các đoàn du khách trong nước và quốc tế.

Rời thung lũng hoa Hồ Tây, du khách mê đắm với muôn vàn sắc hoa tại Bãi đá sông Hồng hay tận hưởng không gian sôi động của vương quốc các trò chơi dưới nước tại Công viên nước Hồ Tây; du ngoạn khám phá phố nghề, làng nghề tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ; thưởng thức ẩm thực trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn; trải nghiệm sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành tại Trung tâm Giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ (Số 2 phố Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ). Những năm gần đây, Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) là địa điểm tổ chức các sự kiện lớn của ngành du lịch Thủ đô.

498-202504221501413.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP trưng bày Trung tâm Giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ. Ảnh: Mộc Miên.

Định vị nghề trồng đào truyền thống

Nhắc đến Nhật Tân, vùng đất nức tiếng gần xa với nghề trồng đào truyền thống, loài hoa được ví là biểu tượng đón Tết của người Hà Nội. Có dịp ghé đến vườn đào Nhật Tân, mọi người sẽ thấy đa dạng các loại đào từ đào bích, đào phai, đào nụ, đào thất thốn… trong đó, đào bích chiếm số lượng lớn và là cây trồng chủ lực. Đào Nhật Tân hiện có nhiều mẫu cây phục vụ đa dạng thị trường từ đào gốc, đào tự nhiên, đào vọt, đào huyền…

498-202504221501414.jpg
Nghệ nhân Lê Hàm làm sống dậy giống đào quý - đào Thất Thốn, tạo thương hiệu riêng cho làng đào Nhật Tân. Ảnh: Cao Sơn.

Tên tuổi người trồng đào nổi tiếng làng đào Nhật Tân được kể đến là nghệ nhân Lê Hàm, từng làm “sống dậy” đào Thất Thốn - loại đào quý (hay còn gọi đào tiến vua) cho hoa nở đúng ngày Tết mà trước đó, loại đào này thường chỉ nở ngoài Rằm Tháng Giêng. Đó là chủ vườn Trần Tuấn Việt, có diện tích trồng đào nhiều nhất làng đào truyền thống. Đó còn là ông Chu Văn Chính - người 30 năm giữ lửa đào bích truyền thống Nhật Tân.

Đào Nhật Tân nổi tiếng với cánh hoa to, cánh dày, màu sắc thắm đỏ như màu xác pháo. Đào bích nở bền màu, nếu gặp thời tiết gió bấc, mưa phùn, đào bích có thể nở tới 24 cánh. Khác với đào bích, đào phai Nhật Tân thường nở cánh kép. Đào Thất Thốn có vẻ đẹp riêng, gốc đào xù xì, nhuốm màu cổ kính với nhiều dáng thế hút mắt, sắc đỏ của hoa vừa tinh tế, vừa rực rỡ. Chỉ cần một bông hoa, cả không gian xuân bừng sức sống.

Hiện, làng đào Nhật Tân có 3 sản phẩm "Hoa đào thất thốn", "Cây đào thế" và "Cành đào tròn" của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Tân được phân hạng sản phẩm OCOP Hà Nội đạt 4 sao. Đào Nhật Tân được ưa chuộng không chỉ bởi sắc hoa và thế còn là sự chăm sóc tỉ mỉ của các thợ vườn đào.

Trước đây, nhiều người trồng đào lo ngại về sự mai một làng nghề trồng đào Nhật Tân khi thu hẹp diện tích trồng đào để phát triển khu đô thị. Thời điểm đó, TP Hà Nội bố trí cho các hộ dân cải tạo vùng đất ven sông Hồng. Người dân làng nghề đã tất bật thuê chở đất, nâng cốt vườn để đảm bảo “tái” sản xuất khu vực trồng đào ven bãi sông Hồng.

498-202504221501415.jpg
Vẻ đẹp của làng đào Nhật Tân mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ảnh: Khánh Huy.

Vừa qua, sau ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão Yagi (tháng 9/2024), 80 trên tổng số 90 hecta đất trồng đào bị ngập, hơn 20.000 gốc đào ngâm nước, tổng thiệt hại 85 tỷ đồng. Vươn mình sau cơn bão lớn, những người trồng đào quyết tâm hồi sinh làng đào truyền thống, số lượng hoa đào Nhật Tân cơ bản đáp ứng thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025,

Trong những ngày tháng 4 này, các nhà vườn trồng đào Nhật Tân đang tất bật giai đoạn cắt tỉa cành, uốn thế và tưới nước cho đào. Do thời tiết nắng nóng gần đây khiến việc hoạt động tưới tiêu bước vào giai đoạn gấp rút để tránh cho các gốc đào bị mất nước, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và phát triển.

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, người trồng đào Nhật Tân đang dần hồi sinh sau cơn lũ lớn. Diện tích trồng đào đã bao phủ một màu tươi xanh vùng bãi sông Hồng, khẳng định tinh thần quyết tâm giữ vững “thương hiệu” nghề trồng đào nổi tiếng.

Làng đào Nhật Tân được công nhận là làng nghề truyền thống của Hà Nội năm 2015. Cuối năm 2023, UBND thành phố (TP) Hà Nội công nhận Khu du lịch Nhật Tân, với thế mạnh chủ lực là cây đào. UBND quận Tây Hồ triển khai Đề án “Phát triển làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”. Năm 2025, Nghề trồng đào Nhật Tân đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong danh mục “Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống”.

Ông Trần Tuấn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân cho biết: “Đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là sự ghi nhận đầy tự hào động viên những chủ vườn nâng cao năng suất trồng đào để giữ gìn và phát triển “thương hiệu” Nghề trồng đào Nhật Tân, xứng danh vựa đào lớn nhất Thủ đô”.

Với sự nổi tiếng sẵn có của làng đào Nhật Tân, vẻ đẹp của Hồ Tây và một số điểm đến, cùng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được trao tặng cho Lễ hội truyền thống đình Nhật Tân và Nghề trồng đào Nhật Tân tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Tân gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, “đánh thức” tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế vùng.

MỘC MIÊN