Kinh tế

Xây dựng nguồn lực nhân lực cho Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam

Thanh Giang 22/04/2025 15:44

Sáng 22/4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh - Không gian phát triển và đào tạo nguồn nhân lực”.

TTTC 2
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: S.X

Chia sẻ định hướng chiến lược dài hạn phát triển nguồn nhân lực cho trung tâm tài chính quốc tế IFC, ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thành phố đưa ra giải pháp.

Trong đó có chiến lược thu hút, giữ chân nhân tài như thu hút nhân tài thông qua hợp tác với các trường học, đại học và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế nhập cư cởi mở để giúp IFC Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh tiếp cận với đội ngũ nhân lực tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp quốc tế; xây dựng hệ sinh thái và chính sách đãi ngộ hấp dẫn cho chuyên gia tài chính trong và ngoài nước để định cư và làm việc;…

Đối với giải pháp chiến lược đào tạo, nâng cấp kỹ năng, phát triển nhân lực, ông Trương Minh Huy Vũ cho rằng, cần nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có thông qua đào tạo thực hành, cập nhật chương trình đại học.

Đồng thời, thiết lập các khóa đào tạo chuyên biệt để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ. Khuyến khích hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế để nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực tài chính. Đặc biệt, nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng đào tạo, bao gồm trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính – công nghệ.

Ảnh 3 - TP HCM trở thành điểm đến hấp dẫn
TP Hồ Chí Minh nỗ lực xây dựng IFC. Ảnh: S.X

Tương tự, bà Trần Minh Hường, Giám đốc Nhân sự, Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam cũng đưa ra các Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho IFC tại TP Hồ Chí Minh. Bà Hường cho rằng, nguồn nhân lực là 1 trong những nút thắt lớn nhất để thành lập IFC tại Việt Nam.

“Khoảng cách hiện tại về kỹ năng khá đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, phái sinh, công nghệ tài chính (fintech) và tài chính pháp lý quốc tế... Vì vậy, đòi hỏi kiến thức tài chính và kinh nghiệm ‘thực chiến’ chuyên sâu và nâng cao, tính chuyên nghiệp và khả năng thích ứng toàn cầu”, bà Hường nói.

Bà Hường cũng đưa ra những kỹ năng & năng lực cần có của nhân sự làm việc tại IFC như: phải có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về tài chính quốc tế, ngân hàng đầu tư, thị trường vốn, giao dịch phái sinh, quản trị rủi ro...

TTTC 1
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: S.X

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, việc thành lập IFC được xác định là việc mới và khó nhưng không phải vì thế mà không làm được. Các chính sách liên quan được Trung ương và địa phương trao đổi, thảo luận rất kỹ, phòng tránh rủi ro cao nhất và thấy được giải pháp thực hiện.

Về nguồn nhân lực cho IFC, ông Dũng thông tin, thành phố sẽ xây dựng nguồn nhân lực và mong muốn các tổ chức tài chính, các viện, trường đại học đang hoạt động trên địa bàn thành phố giới thiệu nhân sự và đồng hành cùng vì sự phát triển chung của thành phố. Thành phố tiếp tục ký kết Biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực với các trường đại học để có chiến lược phát triển bền vững.

Thanh Giang