Xã hội

Vì sao thanh niên thất nghiệp vẫn tăng?

Lan Hương 23/04/2025 07:11

Những tháng đầu năm thị trường lao động đã ghi nhận bước phát triển tích cực khi nhu cầu tuyển dụng các địa phương trong cả nước đều đồng loạt gia tăng. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn gia tăng.

Tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp ở thanh niên vẫn cao

Báo cáo tình hình lao động quý I vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tỷ lệ người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động gia tăng.

duoi.jpg
Thanh niên tìm kiếm việc làm tại Phiên giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: L.H

Cụ thể, trong quý này có 933 nghìn người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, tăng 26,4 nghìn người so với quý trước, và tăng 47,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng. Tỷ lệ này trong quý 1 là 7,99%, tăng 0,37 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%; khu vực nông thôn là 6,87%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 12,8%, khu vực thành thị là 8,3%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 12,5%; nam là 9,7%.

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) đã có nghiên cứu về tình trạng việc làm của thanh niên, theo đó, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động, bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp, lao động trẻ cũng có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những nhóm khác.

Theo các chuyên gia về lao động, việc làm, thực trạng thanh niên, lao động trong độ tuổi lao động thất nghiệp gia tăng đồng nghĩa với việc chúng ta đang “lãng phí” nguồn lao động trẻ. Để khắc phục tình trạng này, các chính sách lao động cần ưu tiên đào tạo lại, tư vấn nghề, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn và tăng khả năng tiếp cận cơ hội việc làm chất lượng cho người trẻ.

Gợi mở giải pháp cho Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho rằng, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030, cần tập trung vào cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng việc làm và đảm bảo điều kiện làm việc bền vững. Cần tận dụng dòng kiều hối và thu hút đầu tư tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, thu hẹp khoảng cách phát triển và tạo cơ hội cho người lao động có việc làm ổn định và bền vững hơn.

Lao động không có bằng cấp hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất

Về bức tranh thị trường lao động quý I, Bản tin Thị trường lao động Việt Nam quý I/2025 do Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động (Bộ Nội vụ) tổng hợp vừa công bố cũng chỉ ra rằng, trong quý I, 50,8% người đi tìm việc có trình độ đại học trở lên, 29,3% người có trình độ cao đẳng, trung cấp và gần 20% không có chuyên môn kỹ thuật. Nhóm tìm việc nhiều nhất lại là nhóm 30-39 tuổi, chiếm gần 43%, nhóm 20-29 tuổi chiếm 37,1%.

Người tìm việc nhiều nhất ở nhóm nghề quản trị doanh nghiệp, nhân viên bán hàng, mua sắm và môi giới, kinh doanh tiếp thị, quảng cáo. Trong khi nhà tuyển dụng thường tìm lao động trong lĩnh vực kỹ thuật, vận tải, bán hàng.

Vẫn theo Bản tin, cả nước ghi nhận gần 145.00 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong đó, gần 124.000 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người nhận hỗ trợ học nghề vẫn chiếm lượng nhỏ, chỉ hơn 3.600.

Lao động không có bằng cấp chứng chỉ vẫn là nhóm nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất gần 60%; tiếp đến là trình độ đại học trở lên gần 19%; cao đẳng trên 7%; trung cấp 6% và nhóm có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp 8,5%. Công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, trên 43%; tiếp đến là hoạt động dịch vụ gần 30%; nông lâm nghiệp và thủy sản hơn 4%; xây dựng 3% và bán buôn bán lẻ 2,5%.

Dự báo về thị trường lao động quý II, ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích dự báo chiến lược và dịch vụ công, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động, cho biết, thị trường lao động quý II tới phụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, có thể biến động một phần từ chính sách thuế quan của Mỹ, nhất là các ngành hàng thâm dụng lao động như điện tử, may mặc... Ngược lại, nhóm được dự báo tăng tuyển dụng là bán hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, logistic, vận tải, xây dựng khi lĩnh vực đầu tư công được đẩy mạnh tạo ra nhiều việc làm tương ứng.

Lan Hương