Chính trị

Chủ tịch Quốc hội: Đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của Đại biểu Quốc hội

Việt Thắng 23/04/2025 11:21

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, cần đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của Đại biểu Quốc hội, quy định rõ hành vi vào hội trường sử dụng điện thoại riêng.

2 phương án về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý

Ngày 23/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội. Báo cáo tại phiên họp, ông Lê Quang Tùng, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự thảo Nghị quyết đưa ra 2 phương án quy định về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình tự xem xét, thông qua đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội (Điều 50 và Điều 51 của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành).

tung23-4.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Theo đó, phương án 1: sửa đổi, bổ sung quy định về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình tự xem xét, thông qua đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội để bảo đảm tương thích với quy trình xem xét, thông qua các nội dung thuộc công tác lập pháp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các nội dung về kinh tế - xã hội; các nội dung này được xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp; trường hợp dự thảo nghị quyết chưa được Quốc hội thông qua thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.

Phương án 2: cơ bản giữ quy định về trình tự, chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý như Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành để bảo đảm tính ổn định trong quá trình thực hiện.

“Đa số các cơ quan tán thành với phương án 1, tuy nhiên, do đây là điểm đổi mới quan trọng về quy trình xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội nên các cơ quan thống nhất đề nghị trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, thảo luận”, ông Tùng nêu.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung một khoản (khoản 3 Điều 34) quy định về việc quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ tại các kỳ họp sau Kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội trong trường hợp cần thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp, phù hợp với yêu cầu thực tế.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Dân nguyện và Giám sát cho rằng, về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình tự xem xét, thông qua đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội nên áp dụng như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đó là cơ quan nào trình thì cơ quan đó tiếp thu, giải trình cho đến khi thông qua, tức là chịu trách nhiệm cho đến cùng.

Tiếp tục duy trì việc tổng hợp, lấy ý kiến của Đại biểu Quốc hội

Cũng theo ông Tùng, dự thảo Nghị quyết không quy định cứng trong Nội quy kỳ họp Quốc hội về việc trình bày báo cáo thẩm tra; theo đó, việc trình bày hoặc không trình bày báo cáo thẩm tra (chỉ gửi báo cáo thẩm tra đến đại biểu Quốc hội) đối với từng nội dung sẽ thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật, nghị quyết có liên quan hoặc được Quốc hội xem xét, quyết định cụ thể, căn cứ điều kiện thực tiễn khi thông qua chương trình kỳ họp để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Bà Lê Thị Nga cũng đồng tình việc trình bày Báo cáo thẩm tra không nên quy định “cứng” trong Nội quy mà nên để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho linh hoạt. Bên cạnh đó, nên tiếp tục duy trì việc tổng hợp, lấy ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Việc gửi tài liệu đến Đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết là 24h như quy định hiện hành.

man23-4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Phát biểu tại phiên họp, về thời gian phát biểu của Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, quy định phát biểu 7 phút nhưng tuỳ tình hình có thể là 5 phút. Nếu thấy đại biểu đăng ký đông thì phát biểu 5 phút, còn nếu thấy đăng ký ít thì Chủ toạ, Đoàn chủ tịch có thể nâng lên 7 phút.

“Như thế giới họ quy định cũng chỉ 5 phút, Chủ tịch Quốc hội các nước đi dự Diễn đàn IPU cũng phát biểu chỉ 5 phút. Cho nên trong điều kiện Quốc hội điện tử, Quốc hội số, tới đây áp dụng trí tuệ nhân tạo AI thì nên đi theo hướng đó”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, cần đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của Đại biểu Quốc hội, quy định rõ hành vi vào hội trường một là ngủ gật, rồi sử dụng điện thoại riêng. Quy định điện thoại phải để chế độ rung. Bây giờ Quốc hội khoá XV tiến bộ hơn Quốc hội khoá XIII, XIV. Khoá XIII, XIV không bao giờ sử dụng được điện thoại, IPAD. Bây giờ cho sử dụng thì cần quy định nghiêm ngặt để đảm bảo không gây ồn, mất trật tự. Đồng thời, áp dụng biện pháp xử lý nghiêm trong nghỉ họp. Quy trình nghỉ 1, 2, hay 3 ngày thì phải xin phép như thế nào?, nhất là Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, quy định ứng dụng công nghệ trong thời gian tới. Nhất là khoá XVI tới như tập huấn thường xuyên, trang bị máy móc, nâng cấp máy mới để đưa vào chương trình thì Đại biểu Quốc hội không chỉ ở nghị trường Quốc hội mà về cơ quan, về nhà vẫn sử dụng được Quốc hội số, công nghệ thông tin.

Việt Thắng