Văn hóa

Hiệu ứng tích cực cho nghệ thuật truyền thống

Việt Hà 24/04/2025 09:25

Chia sẻ trên mạng xã hội, một bạn trẻ viết: “Tôi từng nghĩ chèo là gì đó nhàm chán. Nhưng hôm nay, tôi cười, tôi xúc động và tôi thấy yêu tiếng Việt hơn bao giờ hết”. Bài viết này đã thu hút hơn 5.000 lượt chia sẻ. Có thể nói, TikTok, YouTube, Podcast đang trở thành phương tiện phổ biến giúp truyền tải nghệ thuật truyền thống theo cách gần gũi và hấp dẫn người trẻ. Những tín hiệu mừng cho sân khấu truyền thống...

bai chinh
Hình ảnh từ chương trình “Lời tuồng - tiếng trẻ” của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: N.H.C.C.

Khi cải lương kết hợp với rap

NSƯT Như Huỳnh vừa đón nhận tin vui, sau thời gian nỗ lực đưa cải lương lên nền tảng số, cô đã nhận nút bạc của YouTube khi có hơn 100.000 người đăng ký. Đây có lẽ không chỉ là niềm vui riêng của một người nghệ sĩ có nhiều năm tháng gắn bó với nghệ thuật cải lương, mà của cả những người yêu nghệ thuật truyền thống. Nữ diễn viên Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) xúc động cho biết, đây là tín hiệu đáng mừng cho loại hình nghệ thuật cổ truyền đang có dấu hiệu mai một.

Điều đó cũng cho thấy khán giả không quên cải lương, quan trọng là chúng ta đưa cải lương chạm vào cảm xúc khán giả thế nào một cách hiệu quả nhất. “Nếu nghệ sĩ không thay đổi, cải lương sẽ mai một trong tâm trí người trẻ. Tôi muốn YouTube là cây cầu kết nối thế hệ trẻ với giá trị truyền thống. Tôi muốn cải lương tiếp tục sống mạnh mẽ” - nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Thời gian qua, có nhiều nghệ sĩ trẻ đã đưa cải lương đến gần hơn với Gen Z bằng cách kết hợp với âm nhạc hiện đại, tổ chức các buổi biểu diễn trực tuyến và chia sẻ trên mạng xã hội, giúp cải lương tiếp cận được khán giả trẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, nghệ sĩ Lê Vũ Anh Duy - Đoàn Cải lương Tây Đô (Nhà hát Tây Đô) cho biết, anh cảm nhận rất rõ sức sống của cải lương không chỉ trên sân khấu, mà rộng khắp trên các nền tảng mạng xã hội. Những video ngắn, hình ảnh đẹp mắt và nội dung sáng tạo đã thu hút sự quan tâm và yêu thích từ cộng đồng mạng với những phản hồi rất tích cực.

Ngoài ra, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đã kết hợp cải lương rap, nhạc tân thời. Sự kết hợp này không chỉ thể hiện sự sáng tạo của nghệ sĩ mà còn góp phần làm sống lại và lan tỏa giá trị của nghệ thuật cải lương đến với người trẻ. Như NSND cải lương Bạch Tuyết hợp tác với rapper Wowy trong MV “Tia sáng cuối” cùng mang đến một trải nghiệm âm nhạc độc đáo và mới mẻ. Tiêu Minh Phụng - thí sinh nổi bật trong chương trình Rap Việt mùa 4, đã gây ấn tượng mạnh khi kết hợp cải lương vào rap...

Nghệ sĩ Anh Duy cho rằng, những cách làm này đã mở ra hướng đi mới cho việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống đương đại.

Cùng với đó, nhiều Gen Z cũng chọn học chèo, cải lương, ca trù... ở các trường nghệ thuật, thậm chí sáng tạo cách truyền tải mới để đưa loại hình này đến gần hơn với thế hệ mình. Nhiều bạn sau khi xem một vở diễn tuồng, chèo hay cải lương lập tức chia sẻ cảm nhận trên mạng xã hội, tạo nên một làn sóng lan tỏa tích cực cho nghệ thuật truyền thống.

Như nhóm sinh viên ngành thiết kế thời trang mới đây đăng loạt ảnh story khi đi xem tuồng cổ tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, các bạn đặc biệt nhấn vào trang phục truyền thống và hóa trang mặt nạ ấn tượng, với chia sẻ: “Lấy cảm hứng từ tuồng cho bộ sưu tập tốt nghiệp - văn hóa là kho tàng vô tận!”.

Trong thững ngày tháng 4 lịch sử này, lãnh đạo một số nhà hát cũng cho biết, vé của các vở diễn bán rất chạy. “Trái với sự vắng vẻ của những năm trước, 6 tháng gần đây, mỗi tháng chúng tôi diễn 4 buổi, có buổi kín rạp, anh em nghệ sĩ diễn rất say sưa” - đại diện Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ.

Còn TS.NSND Lê Tuấn Cường - Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, từ tháng 3 tới tháng 5, Nhà hát liên tục trình diễn các vở “Quan Âm Thị Kính”, “Dây tràng hạt diệu kỳ”, “Bắc Lệ đền thiêng”. Vé các vở diễn đều rất chạy. Ông Cường cũng cho rằng, có được điều đó một phần nhờ sự lan tỏa của các bạn trẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Khi người trẻ chia sẻ cảm nhận chân thực, gần gũi, họ dễ dàng chạm đến cảm xúc của bạn bè cùng trang lứa.

Niềm tự hào và cảm hứng của người trẻ

Để thu hút khán giả, các nhà hát, nghệ sĩ cũng liên tục đổi mới cách thể hiện, lồng ghép yếu tố hiện đại để dễ tiếp cận hơn với giới trẻ. Những nỗ lực này không chỉ nhằm thu hút khán giả trẻ, mà còn tạo ra thế hệ kế thừa mới cho nghệ thuật dân tộc những người trẻ vừa yêu, vừa hiểu, và sẵn sàng tiếp tục sáng tạo.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, một số nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và những người gắn bó lâu năm với nghệ thuật truyền thống lo ngại rằng, việc kết hợp với hiện đại có thể làm mai một bản sắc truyền thống, đặc biệt nếu thiếu sự tìm hiểu và tôn trọng đối với chất liệu gốc.

Vậy làm mới như thế nào để không làm mất đi hồn cốt của nghệ thuật truyền thống? Là một nghệ sĩ trẻ luôn đau đáu với nghệ thuật cải lương, đau đáu cùng những vở diễn kinh điển đã đi vào lòng người mộ điệu bao năm tháng, nghệ sĩ Lê Vũ Anh Duy cho rằng, bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật truyền thống thì mỗi người nghệ sĩ cũng cần phát triển theo xu hướng mới để bắt kịp thời đại. “Chúng ta sáng tạo để tôn vinh và lan tỏa cái đẹp của truyền thống chứ không làm mất giá trị cốt lõi” - nghệ sĩ Anh Duy nhấn mạnh.

Sự trở lại ngoạn mục của nghệ thuật truyền thống ngoài nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật còn là tình yêu, sự năng động, sáng tạo của người trẻ trên nền tinh hoa nghệ thuật của cha ông. Có thể dẫn ví dụ một số kênh TikTok @nhacviettruyenthong hay dự án “Dệt chút vấn vương” đưa hát xẩm, chầu văn, quan họ vào MV, làm mới cả phần hình ảnh và âm thanh - mà vẫn giữ hồn cốt văn hóa, thu hút rất nhiều người xem.

Trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh và mạnh như hiện nay, việc nghệ thuật truyền thống cần những phương pháp tiếp cận mới để tồn tại và lan tỏa là cần thiết. Tuy nhiên, các nhà hát truyền thống, các nghệ sĩ hay các bạn trẻ tham gia vào quá trình này cũng cần phải thể hiện sự trân trọng và thấu hiểu văn hóa dân tộc.

Để sáng tạo không làm mất đi bản sắc truyền thống thì việc sáng tạo cần dựa trên nền tảng hiểu sâu giá trị văn hóa cốt lõi, cân bằng tinh tế giữa đổi mới và bảo tồn bản sắc văn hóa, đặc biệt phải giữ được tinh thần, ngôn ngữ nghệ thuật, lối hát - diễn đặc trưng.

Từ câu chuyện MV “Bắc Bling” gây sốt trên mạng xã hội, NSƯT Quý Tráng - nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã chia sẻ rằng, quan họ có nhiều hình thức nâng cao, phát triển cho phù hợp với đời sống hiện đại nhưng cũng cần cẩn thận vì quan họ đã đi sâu vào tâm thức của người dân Bắc Ninh. Nếu kết hợp quan họ với rock, rap hay điệu nhảy thời đại thì nên ở mức độ vừa phải, để phù hợp với nét quan họ của vùng đất này.

Việt Hà