Quốc hội

Chỉ rõ những khuyết điểm, vướng mắc trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Việt Thắng 24/04/2025 14:31

Ngày 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 thấy, phần ưu điểm thì rất rõ nhưng phần hạn chế, khuyết điểm nêu quá sơ sài. Do đó cần bổ sung và nêu khái quát về những hạn chế để hiểu rõ nguyên nhân.

phuong24-4.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.

Ông Phương nêu dẫn chứng năm 2022, Quốc hội đã có giám sát chuyên đề này và đã chỉ ra rất nhiều vấn đề. “Năm 2023 và 2024 việc khắc phục theo các kiến nghị mà Quốc hội chỉ ra như thế nào?, các mục không nhắc đến khuyết điểm. Trong đánh giá chung còn hạn chế khi chỉ nhắc đến một số ít bộ, ngành chưa xây dựng được chương trình và chưa báo cáo. Đây là những điểm cần bổ sung cho cụ thể”, ông Phương đặt vấn đề.

Ông Phương cũng đồng thời nêu rõ: “Nếu chúng ta không chỉ rõ khuyết điểm thì các giải pháp phía sau chỉ là hô khẩu hiệu".

Ông Phương đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính với vai trò cơ quan giúp việc cho Chính phủ phải rà soát công việc, chỉ rõ các hạn chế, tồn tại trên 7 lĩnh vực trọng tâm của thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Từ đó, phân tích các nguyên nhân khách quan.

Ông Phương nêu ví dụ, trong nghị quyết của Quốc hội, có nhắc đến việc tuy còn một số điểm của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhưng vướng mắc là không nhiều, không lớn, quan trọng là do tổ chức thực hiện. Vậy qua 2 năm thì tồn tại nguyên nhân chủ yếu từ đâu thì phải chỉ rõ?.

Theo ông Phương, việc sắp xếp, xử lý nhà đất còn chậm. Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa đạt tiến độ, lãng phí vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên đất, nhất là các dự án chậm đưa vào sử dụng đất các nông lâm trường dù đã được thanh kiểm tra nhưng hiện nay còn tồn rất lớn. Vừa qua, Ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội nhận được nhiều đơn thư về đất nông lâm trường.

Theo ông Phương, việc sắp xếp cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước và đổi mới hoạt động các công ty nông lâm trường có tồn tại trong quá khứ nhưng tiến độ xử lý chậm, quy hoạch rừng chưa được quyết liệt điều chỉnh hợp lý nên quản lý các doanh nghiệp, công ty nông lâm trường gây lãng phí. Đây là vấn đề cần đưa ra các giải pháp cho rõ để đưa ra báo cáo trước Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, vẫn còn tình trạng văn bản pháp luật chưa đồng bộ, một số quy định pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ, gây khó khăn trong thực thi và áp dụng vào thực tế. Mặc dù có sự tăng trưởng trong đầu tư công nhưng một số dự án chưa được triển khai đúng tiến độ hiệu quả đầu tư.

Ông Vinh nói: “Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng kết quả đạt được vẫn thấp ở một số vùng. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn tồn tại ở một số bộ, ngành địa phương, còn khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai các dự án quan trọng. Do khâu thẩm định không tốt nên giải ngân có vướng mắc, chậm giải ngân”.

dinh24-4.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị làm rõ những tồn tại hạn chế trong bối cảnh hiện nay việc thực hành tiết kiệm được gắn với chống lãng phí đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo.

Theo ông Định, vừa qua Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống lãng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã yêu cầu các cơ quan có báo cáo rà soát pháp luật, các dự án, công trình và có chỉ đạo cụ thể. Do đó báo cáo này cần cập nhật các báo cáo đó về các hạn chế, yếu kém, tồn tại.

“Ví dụ 2 bệnh viện: Bạch Mai cơ sở 2, và Việt Đức cơ sở 2 là một sự lãng phí, vừa rồi Tổng Bí thư đã có chỉ đạo thanh tra, rồi dự án “tiểu Kang Nam” của Tổng Công ty xi măng và nhiều dự án trước đây đang được khắc phục được đến đâu?”, ông Định nói.

Từ đó, ông Định đề nghị trong năm 2025 cần rà soát lại tất cả các dự án chậm triển khai để tháo gỡ, đây vừa là thực hành tiết kiệm vừa là chống lãng phí. Phải tháo gỡ dự án đã có rồi, đang triển khai dở dang nhưng bị vướng phải tháo gỡ để đưa nguồn lực vào, cái đấy là chống lãng phí ví dụ như bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Việt Đức cơ sở 2.

Bên cạnh đó, ông Định lưu ý cần tháo gỡ cơ chế chính sách để các dự án chưa có thì đi vào thực tiễn để khơi thông nguồn lực, bởi khơi thông nguồn lực chính là chống lãng phí. Các dự án đăng ký đất để đó nhưng trong bao nhiêu năm mà không làm thì thu hồi. Đặc biệt rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả, nhất là cái này ở các địa phương có rất nhiều, có việc bố trí cho người này, cơ quan này mượn. Qua đó xem cái nào sử dụng không hiệu quả thì cho đấu giá đấu thầu lấy tiền làm trường học, bệnh viện, các công trình công cộng là cái rất cần.

Cũng theo ông Định hiện nay đang thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Do đó quản lý tài chính, tài sản làm sao chống thất thoát lúc sáp nhập, chuyển đổi. Trụ sở tài sản công dôi dư sau sáp nhập phải chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực để đưa vào sử dụng cho hiệu quả.

Việt Thắng