Kinh tế

Thị trường nội địa: Điểm tựa cho chiến lược tăng trưởng

An Bình 26/04/2025 11:30

Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển thị trường trong nước không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế mà còn nâng cao năng lực nội sinh, củng cố tinh thần tự lực, tự cường. Đó là nhận định được đưa ra tại buổi tọa đàm “Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước” diễn ra ngày 25/4, tại Hà Nội.

“Bệ đỡ” duy trì sản xuất, kích thích tăng trưởng

Tại tọa đàm, ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhấn mạnh, với quy mô hơn 100 triệu dân, thị trường nội địa đang và sẽ tiếp tục là điểm tựa chiến lược cho tăng trưởng và ổn định kinh tế quốc gia.

tren(1).jpg
Thị trường trong nước là cơ hội cho các doanh nghiệp, ngành hàng phát triển. Ảnh: Quang Vinh

Trong những thời điểm thử thách như đại dịch Covid -19 hay khi dòng chảy thương mại quốc tế gặp khó, chính thị trường trong nước đã trở thành “bệ đỡ” vững chắc, giúp duy trì sản xuất và kích thích tăng trưởng.

Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với 3 phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60-65% tùy từng năm. Để đạt tăng trưởng GDP như vậy thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức.

“Trong bối cảnh hiện nay, với các rào cản thương mại quốc tế gia tăng, việc phát triển thị trường trong nước không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế mà còn nâng cao năng lực nội sinh, củng cố tinh thần tự lực, tự cường” - ông Tuấn nói.

Chia sẻ về dự thảo kế hoạch phát triển thị trường nội địa, ông Tuấn cho biết quý I/2025 ghi nhận những tín hiệu khả quan: tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong cả năm, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng sau các dịp lễ có dấu hiệu chững lại; sức mua còn dè dặt trước những bất ổn kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu và khu vực - cả về giá cả lẫn chất lượng đang đặt doanh nghiệp (DN) nội vào thế khó. Thêm vào đó, rủi ro thiếu hụt hàng hóa thiết yếu và biến động giá cả đòi hỏi các biện pháp điều hành linh hoạt, kịp thời.

Ông Tuấn cũng lưu ý, tỉ lệ DN áp dụng thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt, đặc biệt ở khu vực nông thôn vẫn còn thấp. Các DN nhỏ và vừa, tuy chiếm tỉ trọng lớn, vẫn loay hoay với các bài toán về vốn, công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường...

Nói về vai trò của tín dụng trong phát triển thị trường tiêu dùng, ông Trần Anh Thắng - Thành viên HĐQT Eximbank cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% năm 2025, tiêu dùng nội địa đang đóng vai trò ngày càng quan trọng. Từ năm 2018 đến nay, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đã tăng từ 4,4 triệu tỷ đồng lên 6,39 triệu tỷ đồng vào năm 2024.

Doanh nghiệp phải “đi bằng hai chân”

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây. Mặc dù cơ cấu chi tiêu đang dần đa dạng, bán lẻ vẫn chiếm khoảng 80% tổng chi tiêu và liên tục chiếm hơn 50% GDP, cho thấy sức nặng của tiêu dùng trong nội lực tăng trưởng.

Đáng chú ý, theo ông Thắng, chính sách thuế quan mới từ Mỹ dù không tác động trực tiếp, nhưng lại ảnh hưởng gián tiếp tới giá cả và tâm lý thị trường. Đây có thể trở thành cơ hội để đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và định vị lại thương hiệu hàng Việt.

“Thời điểm vàng để khuyến khích tiêu dùng hàng Việt là lúc này, thông qua khuyến mãi, ưu đãi vay tiêu dùng và chính sách thuế hỗ trợ sản xuất trong nước” - ông Thắng nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về phát triển thị trường nội địa, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhấn mạnh, đây là thị trường đầy hấp dẫn với hơn 100 triệu dân cùng phân khúc thu nhập trung bình, khá ngày càng chiếm số đông.

“Đây là thị trường rất tiềm năng cũng như là một “pha” an toàn cho DN bên cạnh việc tìm kiếm những thị trường mới” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đánh giá của đại diện VCCI, trong bối cảnh hàng rào thuế quan đang được các nước dựng lên bên cạnh những yếu tố bất trắc, thị trường trong nước là cơ hội cho các DN, ngành hàng Việt Nam. DN muốn vững chắc cần phải “đi bằng hai chân” - thị trường nước ngoài và trong nước.

Ông Đậu Anh Tuấn nhận định, trong bối cảnh hiện tại, thị trường trong nước đang đứng trước áp lực rất lớn là nguy cơ chuyển hướng thương mại. Rất nhiều hàng hoá từ các nước láng giếng, như từ Trung Quốc khi không xuất vào được Mỹ sẽ xâm nhập vào thị trường các nước khác. Đặc biệt là thị trường Việt Nam. “Việt Nam gia nhập nhiều FTA, nhiều hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ nên sức ép cạnh tranh với DN Việt Nam ngay tại sân nhà rất khốc liệt. Các DN cần luôn trong tâm thế phải phát triển, giữ được thị trường trong nước” – ông Tuấn khuyến cáo.

An Bình