Sức khỏe

Những cái hôn ‘chết người’

Đức Trân 27/04/2025 10:21

Những hành động như thơm môi, thơm má trẻ nhỏ là các cử chỉ yêu thương được nhiều bậc phụ huynh và người lớn thể hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như sởi, RSV… đang lưu hành hiện nay, hành động này có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe của trẻ.

bai chinh - Sao chép
Chăm sóc bệnh nhi sơ sinh nhiễm virus RSV. Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Bệnh nhi N.N.S. (trú tại Việt Trì, Phú Thọ) được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ trong tình trạng khó thở, tím tái, suy hô hấp nặng kèm theo tình trạng khò khè nhiều, xuất tiết nhiều đờm dãi.

Thông tin từ gia đình cho biết, trước đó trẻ đã diễn biến bệnh ở nhà 2 ngày với triệu chứng ho nhẹ, chảy mũi trong, đã được gia đình cho dùng thuốc nhưng tình trạng không cải thiện mà ngày càng trở nặng, trẻ bú kém hơn kèm theo khó thở nhiều.

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám lâm sàng, nhận định đây là tình trạng khẩn cấp, trẻ có tình trạng suy hô hấp nặng, bệnh nhi ngay lập tức được các bác sĩ trực cấp cứu tiến hành đặt ống nội khí quản, hút đờm làm thông thoáng đường thở, thở máy để điều trị suy hô hấp.

Sau khi được xử trí cấp cứu, tình trạng trẻ ổn định về hô hấp, tuần hoàn, trẻ được chỉ định làm xét nghiệm, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim và được chẩn đoán suy hô hấp nặng, viêm phổi nặng do virus hợp bào hô hấp (RSV). Trẻ được điều trị theo phác đồ chống suy hô hấp, điều trị viêm phổi bao gồm thở máy, kháng sinh, điều chỉnh rối loạn toan kiềm, duy trì dinh dưỡng bằng sữa qua ống thông dạ dày, vỗ rung long đờm khi bít tắc đường thở.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng hô hấp cải thiện, trẻ được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở oxy qua gọng mũi. Đến thời điểm hiện tại, sau 4 ngày điều trị, sức khoẻ của trẻ có nhiều chuyển biến tốt, trẻ đã bú được, tình trạng viêm phổi và suy hô hấp cải thiện nhưng vẫn được các bác sĩ theo dõi sát sao và điều trị tích cực do tiên lượng còn nặng.

BSCKII Nguyễn Đức Hậu - Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) cho biết, RSV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, dễ dẫn đến tình trạng suy hô hấp nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Theo số liệu thống kê, trong 3 tháng qua, Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ đã ghi nhận gần 400 trường hợp bệnh nhi dương tính với RSV, trong đó có nhiều trường hợp diễn biến nặng.

Cũng theo BS Hậu, viêm phổi do RSV nguy hiểm ở chỗ bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với giọt bắn sau khi hắt hơi, ho và đặc biệt từ thói quen tiếp xúc gần như hôn, thơm trẻ - hành động thể hiện tình cảm tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

ThS.BS Nguyễn Văn Tùng - Khoa Nhi (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, có một số loại virus rất dễ lây lan qua đường miệng, thậm chí chỉ qua một nụ hôn. Nếu những virus đó xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh sẽ dẫn tới những vấn đề lớn cho sức khỏe của bé, bởi trẻ sơ sinh có hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành và chưa được tiêm phòng đầy đủ.

“Đầu tiên cần phải kể đến là các bệnh lý lây qua đường hô hấp như vi khuẩn lao, não mô cầu... hoặc virus như cúm, sởi, virus hợp bào hô hấp (RSV), quai bị… Thông thường, những bệnh lý hô hấp này lây qua giọt nhỏ phát sinh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Xét về lý thuyết, khi hôn cũng có thể lây lan bệnh" - BS Tùng cho hay.

Ngoài ra, khi hôn trẻ cũng có thể gây các bệnh lây truyền qua tiếp xúc như virus Herpes (SHV-1). Cụ thể, khi hôn, tiếp xúc các vết loét, mụn nước dạng herpes trên da, thường ở vùng da bán niêm mạc hoặc vi rút có thể xâm nhập, tồn tại âm thầm trong người. Đến khi có điều kiện thuận lợi sẽ tái hoạt động gây chốc mép, zona, thậm chí viêm não do Herpes.

Một loại virus cũng thuộc nhóm Herpes nhưng nguy hiểm hơn đó là virus cytomegalo (CMV). Loại này lây lan qua dịch cơ thể như nước bọt, nước tiểu hoặc máu. Khi một người bị nhiễm CMV, nó sẽ ở lại trong cơ thể suốt đời. Nhiễm CMV thường không gây bệnh nghiêm trọng, tuy nhiên nếu bào thai bị nhiễm CMV có thể có những rối loạn phát triển nghiêm trọng. Ngoài ra, ở những người có sức đề kháng kém, chúng có thể gây tổn thương phổi, gan hoặc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.

"Mặc dù thực tế không thể chắc chắn đường lây truyền bệnh cho trẻ là qua nụ hôn. Tuy nhiên, trẻ em sinh ra với hệ miễn dịch yếu, trẻ không có đề kháng với các loại virus, vi khuẩn. Phải khi trẻ lớn lên sẽ dần tích lũy miễn dịch, qua tiêm chủng. Vì vậy, để tránh những nguy cơ lây bệnh cho trẻ, nên hạn chế hôn trẻ. Bởi chúng ta không biết miệng chúng ta chứa những vi khuẩn, virus nào” – BS Tùng nhấn mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc cha mẹ và người lớn có các hành động thể hiện tình yêu đối với trẻ là một điều rất tốt, giúp con hoàn thiện hơn về tâm lý. Tuy nhiên việc biểu hiện các hành động, cử chỉ yêu thương con cha mẹ và mọi người cũng cần chú ý.

Ở trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn yếu, sức để kháng của trẻ chưa cao để có thể chống chọi lại với các virus, vi khuẩn và tác nhân gây bệnh bên ngoài đặc biệt là các bệnh lý lây qua đường hô hấp. Do đó, cha mẹ không nên hôn lên môi, má của trẻ, nếu yêu quý con, cha mẹ và người lớn có thể hôn lên tay bé để thể hiện tình cảm yêu quý đối với con.

Với những người đang mắc các bệnh lý về đường hô hấp như cúm hay tay chân miệng, RSV, sởi … cha mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần. Với những người khỏe mạnh, việc trẻ tiếp xúc chơi đùa cũng bé là hoàn toàn bình thường, đừng vì sợ trẻ mắc bệnh mà không dám cho con tiếp xúc với mọi người bên ngoài. Chỉ là hạn chế không nên hôn lên môi hay má của trẻ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu hô hấp ở trẻ nhỏ và đưa trẻ đi khám sớm khi thấy trẻ có sốt, ho, chảy mũi, quấy khóc nhiều và nhập viện ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu nguy kịch như bú kém, mệt mỏi, thở gắng sức, tím tái… Để hạn chế lây nhiễm virus RSV, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, tạo thói quen rửa tay trước khi chăm sóc trẻ và sau khi hắt hơi, ho. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ, hạn chế đưa trẻ đến nơi quá đông người, tránh để trẻ tiếp xúc với người có nghi ngờ nhiễm bệnh, và đặc biệt cần tránh môi trường có khói thuốc lá. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao thể trạng…

Đức Trân