Tinh hoa Việt

Nhà báo Börries Gallasch: Chứng nhân của giờ phút lịch sử 30-4

Đăng Ngọc 29/04/2025 14:41

Börries Gallasch sinh năm 1944 tại Đức, là phóng viên nước ngoài duy nhất có mặt trong giờ phút lịch sử 30-4 tại dinh Độc Lập. Börries Gallasch thông thạo 3 ngôn ngữ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Ảnh chụp màn hình 2025-04-26 180118
Ông Bùi Văn Tùng và Börries Gallasch.

1. Trong hồi ký của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đại tá Bùi Văn Tùng, người nổi tiếng với giờ phút tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh, có đoạn: “Ngày 30-4-1975, khi chúng tôi đưa ông Dương Văn Minh rời dinh Độc Lập đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng thì gặp anh phóng viên Tây Đức Börries Gallasch. Lúc ấy, xe chở Dương Văn Minh đi trước, xe tôi đi theo sau. Một anh phóng viên mặc đồ bà ba đen, tóc búi củ tỏi xin lên, sau này tôi mới biết đó là anh Hà Huy Đỉnh”.

Börries Gallasch sinh năm 1944 tại Đức, là phóng viên nước ngoài duy nhất có mặt trong giờ phút lịch sử 30-4 tại dinh Độc Lập. Börries Gallasch thông thạo 3 ngôn ngữ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Năm 1970, ông là phóng viên tờ Hamburger Abendblatt, sau đó làm báo tự do viết tiếng Đức, được đi rất nhiều nơi. Năm 1971, ông trở lại Hamburg làm báo Der Spiegel. Đầu năm 1975, đồng nghiệp của ông là Tiziano Terzani - phóng viên Đông Nam Á của tờ Der Spiegel, rời Việt Nam, Börries được yêu cầu thay thế. Sáng 30-4-1975, Börries Gallasch đến dinh Độc Lập khi xe tăng Quân đội ta vẫn chưa húc đổ cánh cổng sắt. Khi ông Dương Văn Minh rời dinh Độc Lập đến Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng, Börries Gallasch, nói bằng tiếng Pháp với Chính ủy Bùi Văn Tùng, xin đi cùng.

Tới Đài phát thanh, ông Bùi Văn Tùng thảo lời đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc. Nhưng ông Tùng lo ngại khi phát sóng ông Minh có thể đọc khác đi, nên mượn máy ghi âm của Börries Gallasch để ghi và phát. Ban đầu, máy không hoạt động vì hết pin. Phải chờ một lúc, nhờ nhân viên Đài phát thanh đi mua pin về thay. Lần đầu ông Minh đọc không mạch lạc nên Börries Gallasch xóa đi, ghi âm lại. Nhận lệnh từ phía ta, nhân viên Đài phát thanh đã đưa lên sóng “Lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh”.

Sau giờ phút lịch sử đó, ít người biết tới Börries Gallasch. Phải thời gian khá lâu sau khi ông Bùi Văn Tùng viết một bài báo giải thích, vì sao thảo lời đầu hàng cho ông Dương Văn Minh, có nhắc đến phóng viên người Tây Đức, nhiều người mới quan tâm. Nhưng khi viết tên Börries Gallasch bị mất một số ký tự đặc biệt của tiếng Đức nên nhiều người cũng không biết ông là ai. Một số người liên quan đã gửi bức ảnh có nhà báo ngồi ghi âm cạnh ông Dương Văn Minh lên các diễn đàn báo chí thế giới. Lúc đó mới xác định được, đó là Börries Gallasch. Tác phẩm “Thành phố Hồ Chí Minh giờ khắc số 0”, do Borries Gallasch chủ biên, tập hợp các bài của 9 nhà báo quốc tế viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, được xuất bản tại Cộng hòa liên bang Đức tháng 9/1975, làm tên tuổi ông nổi hơn.

2. Và tên tuổi Börries Gallasch lại nổi lên qua một cuộc phỏng vấn đã đi vào lịch sử báo chí quốc tế. Börries Gallasch đã kiên nhẫn ròng rã 2 tháng trời để thuyết phục ông Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận cuộc phỏng vấn.

Mùa Thu năm 1979, Börries Gallasch đang là phóng viên của Der Spiegel tại London. Ông Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đang sống cùng vợ tại căn nhà mang tên “Nhà Trắng” ở khu ngoại ô London. Börries Gallasch đã thuyết phục được ông Thiệu trả lời phỏng vấn với điều kiện như ông Thiệu chỉ cho gọi bằng tên Cơ đốc giáo của mình là “Martin”, cuộc phỏng vấn chỉ được đăng trên Der Spiegel, mỗi trang của cuộc phỏng vấn phải được ông cho phép trước khi xuất bản... Tiếc thay, sau đó Börries phải nằm bệnh viện, vì bệnh ung thư. Các phóng viên của Der Spiegel là Johannes Engel, Heinz Lohfeldt, đã thay ông thực hiện cuộc phỏng vấn lớn đầu tiên với ông Thiệu, kể từ khi rời khỏi Việt Nam tháng 4 -1975. Cuộc phỏng vấn kéo dài 4 tiếng rồi được chép lại, Lohfeldt mang cho ông Thiệu xem, mỗi trang đều có chữ ký của ông Thiệu và Lohfeldt.

Börries Gallasch rất vui mừng vì kết quả này và cho đó là “ca khó khăn nhất trong cuộc đời làm báo của mình”. Tháng 3/1976, sau khi phát hiện bệnh, bác sĩ dự đoán ông chỉ sống 5 tháng nữa. Nhưng Börries Gallasch không đầu hàng số phận, vừa chữa trị vừa làm việc, ông sống thêm 5 năm nữa. Bài phỏng vấn “Người Mỹ đã phản bội chúng tôi” đăng trên Der Spiegel, ghi lại nhiều tâm tư của cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu với một tờ báo lớn, xuất bản cả triệu bản mỗi ngày, gây tiếng vang cho tất cả những ai quan tâm đến cuộc chiến ở Việt Nam và làm cho “nhà ngoại giao kiêu ngạo” Henry Kissinger và lãnh đạo Mỹ phải nhìn nhận thận trọng hơn trong các chính sách khi quyết định tham dự vào nội bộ của bất cứ một quốc gia nào.

Sự kiện báo chí đó là sự tham dự lớn cuối cùng của Börries Gallasch vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Trước lúc mất, Börries nhận được bức điện từ Tiziano Terzani - đồng nghiệp của ông hồi ở Việt Nam: “Ngưỡng mộ bạn trong việc đã tổ chức thành công cuộc phỏng vấn với ông Thiệu bao nhiêu thì tôi còn ngưỡng mộ sự chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo của bạn bấy nhiêu. Bạn là chiến binh vĩ đại nhất giữa những chiến binh mà tôi gặp trong đời”. “Là một nhà báo, anh đã viết bài với tất cả sự chính trực, bỏ qua lợi ích cá nhân. Sự trung thực và rõ ràng của anh đã tác động rất lớn đến người đọc”- Giáo sư Ralf Dahrendorf - Giám đốc Học viện Kinh tế London viết.

Ngày 6/3/1981, Börries Gallasch qua đời ở tuổi 37. Tuy cuộc sống ngắn ngủi nhưng ông đã tham dự sự kiện quan trọng trên thế giới ở các nước nghèo, các thuộc địa trong thế kỷ 20. Ông đã thực hiện được giấc mơ thời tuổi trẻ của mình là “trở thành phóng viên quốc tế”.

Vợ Börries Gallasch là Alice Kelley Gallasch. Bà cũng là nhà báo người Mỹ. Hai người gặp nhau cuối những năm 1960, khi Alice Kelley đang là sinh viên báo chí thực tập tại báo Der Spiegel. Năm 1972, họ kết hôn tại New York, trước khi Börries Gallasch đến Việt Nam. Ông bà có 2 người con. Sau khi ông qua đời, Alice Gallasch Kelley đưa 2 người con về Mỹ làm việc cho báo ZDF Germany Televi-sion.

Nhờ sự tham gia của Börries Gallasch vào sự kiện xảy ra ở dinh Độc Lập khiến bà Alice Kelley Gal-lasch tìm đến Việt Nam và trở thành người bạn thân thiết với gia đình ông Bùi Văn Tùng. Ngày 17/1/2000, bà đi cùng đoàn Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sang Việt Nam trong vai trò nhà báo.

Hà Huy Đỉnh

Thật không công bằng nếu không có đôi lời về Hà Huy Đỉnh, người được ông Bùi Văn Tùng nhắc tới trong hồi ký. Hà Huy Đỉnh sinh tại Sài Gòn khoảng năm 1945. Khi cách mạng tháng Tám nổ ra, cha Hà Huy Đỉnh tham gia kháng chiến và chết vì bệnh ở bưng biền. Hà Huy Đỉnh học Trường Trung học Trương Vĩnh Ký, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Ông nói tiếng Anh, tiếng Pháp thông thạo, tự tin và chững chạc với các ký giả phương Tây, trong đó có Börries Gal-lasch. Hà Huy Đỉnh có mặt cùng Börries Gallasch ở dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn.

Đăng Ngọc