Kinh tế

Tăng tốc xuất khẩu rau quả

Khanh Lê 28/04/2025 11:00

Để ngành rau củ quả phát triển bền vững cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đến doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Đối diện nhiều khó khăn

Số liệu thống kê từ Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 3/2025 đạt 477,4 triệu USD, tăng 52,1% so với tháng 2/2025 và tăng 2% so với tháng 3/2024.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, mặc dù ngành rau quả đạt mức tăng trưởng cao trong tháng 3 nhưng cũng không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm hai tháng trước đó, tính chung 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,164 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2024.

tr7.png
Quý I/2025 xuất khẩu sầu riêng sụt giảm mạnh. Ảnh: T.Vy.

Cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng từng là mặt hàng chủ lực, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những năm gần đây, tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2024, khiến kim ngạch mặt hàng này tụt mạnh, thấp hơn cả chuối và thanh long.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký 3 nghị định thư với Trung Quốc, trong đó có hai mặt hàng rau quả là ớt và chanh leo. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 24 thỏa thuận ghi nhớ và nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Riêng năm 2024, hai nước ký 4 nghị định thư bao gồm nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, cá sấu, khỉ, dừa tươi.

Đến nay, có 16 loại rau quả Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có 10 mặt hàng hai bên đã ký nghị định thư xuất khẩu gồm dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, dừa tươi, chuối tươi, khoai lang, ớt và chanh leo. 6 mặt hàng chưa được chuẩn hóa bằng nghị định thư gồm: thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hai mặt hàng này khó tạo đột phá do Trung Quốc đã tự trồng được với sản lượng lớn. Trước đây, khi Trung Quốc chưa trồng được thanh long, Việt Nam từng xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 1 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, khi Trung Quốc phát triển sản xuất nội địa, kim ngạch xuất khẩu thanh long giảm còn 400-500 triệu USD/năm.

Do đó, ông Nguyên dự báo kim ngạch xuất khẩu ớt và chanh leo sang Trung Quốc chỉ có thể tăng gấp đôi so với năm 2024, tức mỗi mặt hàng tăng thêm 100-200 triệu USD/năm. Dù đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, hai mặt hàng này vẫn khó bù đắp được sự sụt giảm mạnh của sầu riêng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Rau quả là một trong 3 nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt mức kỷ lục 7,12 tỷ USD, tăng hơn 27% so với năm 2023, tăng trung bình 20,1%/năm từ năm 2011 đến nay. Mặc dù đã đặt chân đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rau quả Việt Nam đang đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe về kiểm dịch thực vật và yêu cầu về tiêu chuẩn lao động, môi trường...

Trong khi đó, năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và tổ chức sản xuất theo chuỗi của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết bền vững giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà quản lý - hiệp hội ngành hàng.

Theo các chuyên gia để rau quả xuất khẩu vững chân ở thị trường quốc tế, trước hết cần thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, với sự tham gia trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo ông Lê Vũ Ngọc Kiên, Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cần đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu, kết hợp với áp dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng; tăng cường chế biến sâu các sản phẩm rau quả để tăng giá trị xuất khẩu, tránh các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, cần triển khai các giải pháp về định hướng thị trường, tập trung vào các thị trường quy mô lớn (như Trung Quốc, Mỹ) và các thị trường tiềm năng để có giải pháp về nâng cao chất lượng, bao bì sản phẩm, chiến lược quảng bá phù hợp.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Quốc Thanh cũng cho rằng, cần thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, với sự tham gia trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và cơ quan quản lý. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến đóng gói, chế biến, và triển khai các chương trình giám sát dư lượng hóa chất nông nghiệp tại các vùng trọng điểm như Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Đồng thời, hỗ trợ nông dân chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường bền vững cho rau quả Việt Nam.

Khanh Lê