Đơn vị bán lẻ tranh thủ tận dụng 'thời cơ vàng' của kỳ nghỉ dài
Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay không chỉ là thời điểm người dân háo hức chuẩn bị cho những chuyến đi dài ngày, mà còn được nhiều nhà bán lẻ coi đây là “mùa vàng” cho thị trường nội địa.
Các doanh nghiệp bán lẻ trên cả nước đang đồng loạt tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại rầm rộ, kỳ vọng tạo sức bật tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng.
.jpg)
Từ trung tuần tháng 4, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã bước vào guồng cao điểm khuyến mãi. Những tấm biển giảm giá 30 – 50%, mua 1 tặng 1, tặng quà kèm sản phẩm xuất hiện dày đặc ở mọi ngóc ngách mua sắm tại các đô thị lớn. Các mặt hàng được ưu đãi chủ yếu là sản phẩm thiết yếu, đồ dùng du lịch, mỹ phẩm, thực phẩm chế biến sẵn – những nhóm hàng gắn trực tiếp với nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng, làm đẹp của người tiêu dùng trong dịp lễ.
Trên các sàn thương mại điện tử và các kênh mua bán trực tuyến, các chương trình khuyến mãi nhân dịp đại lễ cũng đang diễn ra nhộn nhịp. Các gian hàng mỹ phẩm, thời trang, quà tặng áp dụng đồng thời nhiều ưu đãi như giảm giá 40-50%, mua 1 tặng 1, miễn phí ship… nhận được nhiều lượt tương tác.
.jpg)
Ông Lê Văn Thịnh, chủ quầy thời trang tại siêu thị trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) cho biết, sức mua dịp này có thể tăng từ 20 - 30% so với ngày thường. “Chúng tôi tích hợp ưu đãi trên các nền tảng mua sắm xuyên suốt kỳ nghỉ với mục tiêu tăng 30% doanh số và nâng cao trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Chúng tôi đã chủ động tăng lượng hàng tồn kho và kéo dài chương trình ưu đãi từ 2 – 3 tuần để tận dụng tối đa hiệu ứng của dịp lễ”, ông Thịnh chia sẻ.
Dịp lễ lần này cũng được các đơn vị kinh doanh mỹ phẩm coi là “mùa cao điểm” của các sản phẩm làm đẹp. Theo chị Nguyễn Ngọc Hoa, chủ gian hàng mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử, công ty chị nắm bắt tâm lý “đi chơi phải đẹp” của khách hàng nên ngay từ đầu tháng 4 đã nhanh chóng tung ra các bộ sản phẩm du lịch mini size với giá ưu đãi từ 30 – 50%. “Sức mua trong tháng 4 tại gian hàng của tôi tăng khoảng 35% so với ngày thường tương ứng khoảng 1200-1500 lượt mua/ngày. Những combo bao gồm sữa rửa mặt, kem chống nắng, nước hoa mini, son môi rất được ưa chuộng. Sản phẩm của chúng tôi đợt này tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu là các khách hàng trẻ đi du lịch ngắn ngày nên hàng bán khá chạy”, chị Hoa cho biết.
Không chỉ mỹ phẩm, lĩnh vực quà tặng lưu niệm – vốn gắn liền với ngành du lịch cũng tranh thủ tận dụng cơ hội “vàng” của kỳ nghỉ. Ông Vũ Minh, Chủ nhiệm HTX sản xuất đồ lưu niệm phục vụ du lịch cho biết, HTX đã triển khai nhiều chương trình kích cầu như giảm giá trực tiếp, mua 1 tặng 1 và tặng thẻ giảm giá cho các lần mua tiếp theo. “Người Việt vẫn có thói quen mua quà sau chuyến đi. Dịp lễ là cơ hội để mở rộng tệp khách, vừa bán hàng trực tiếp vừa kết nối lâu dài qua các kênh trực tuyến. Năm nay du lịch di sản lên ngôi nên chúng tôi cũng kịp thời nắm bắt xu hướng, tung ra nhiều sản phẩm quà tặng du lịch mang màu sắc mới như combo các sản phẩm quà tặng mang tên Tinh hoa Miền Bắc, Hương vị Miền Trung, Khí thế Miền Nam để thu hút khách hàng”, ông Minh nói.
Lĩnh vực nông sản cũng hòa nhịp trong cuộc đua kích cầu tiêu dùng nội địa dịp 30/4. Tại Hà Nội, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã khai trương phòng trưng bày “Tinh hoa trái cây Việt” – hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều đặc biệt của các sản phẩm trái cây tham dự trưng bày lần này là mỗi sản phẩm đều tích hợp mã QR để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, quy trình bảo quản và địa chỉ mua chính hãng.
“Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 là cú huých quan trọng, không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu, mà là dịp để các thương hiệu củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt chất lượng cao. Nếu tiếp tục được hỗ trợ bởi các chính sách khuyến mãi tập trung, đổi mới trải nghiệm mua sắm và phát triển kênh bán lẻ đa dạng, tiêu dùng nội địa hoàn toàn có thể trở thành lực kéo mạnh mẽ cho nền kinh tế trong năm 2025”, bà Vũ Lan Phương chuyên gia Viện Kinh tế chiến lược LSE phân tích.
Tại Hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho rằng việc tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, kết nối cung – cầu và bình ổn giá chính là "chìa khóa" giúp tiêu dùng nội địa giữ vững nhịp độ tăng trưởng trong năm 2025. Người dân hiện nay ngày càng ưu tiên săn khuyến mãi, tiêu dùng thông minh và có chọn lọc, vì thế, doanh nghiệp cần sáng tạo hơn trong cách tiếp cận, không chỉ dừng ở giảm giá mà còn phải mang lại giá trị thực.
Bà Vũ Lan Phương cũng cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu còn nhiều khó khăn, nội địa đang trở thành “sân chơi” quan trọng để doanh nghiệp duy trì dòng tiền.
“Các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay cơ bản đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi một cách bài bản, đồng bộ để tận dụng tốt thời cơ “vàng”của các kỳ nghỉ lễ dài. Nếu triển khai bài bản như hiện nay, không chỉ sức mua có thể tăng 15 – 20% mà còn tạo được hiệu ứng lan tỏa đến các tháng sau, góp phần giải phóng hàng tồn, tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất mới và không còn phải quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu”, bà Phương nhận xét.