Thể hiện lòng yêu nước đúng cách
Càng gần đến ngày diễn ra Đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, càng có thêm sự quan tâm của hàng triệu người dân cả nước hướng về TPHCM. Đây là sự kiện lịch sử, là dịp hiếm có, thiêng liêng để mỗi người thể hiện lòng yêu nước của mình, thế nên ai cũng mong muốn được có mặt trực tiếp tại trung tâm sự kiện để theo dõi. Tuy nhiên, lòng yêu nước cũng phải được thể hiện đúng cách, đúng chuẩn mực.
Những ngày này, tuyến đường Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) là khu vực chính diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã đón hàng vạn người dân và du khách thập phương đến “check-in”, chụp ảnh lưu niệm và theo dõi hợp luyện diễu binh, diễu hành. Nhiều người di chuyển đến sớm, tìm được vị trí theo dõi thuận lợi, nhưng cũng có không ít người phải chen chúc, xô đẩy để di chuyển từ các vị trí vòng ngoài vào bên trong hai bên vỉa hè đường Lê Duẩn.
Cảnh tượng ấy ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm, trọng đại. Thậm chí, còn có một số bạn trẻ nhất thời quá khích reo hò, hú hét thái quá, hoặc có hành vi quấy rối những nam/nữ quân nhân trong lúc làm nhiệm vụ tham gia diễu binh, diễu hành. Không ít trường hợp các nam nữ quân nhân khó xử, phải tìm cách tránh né, che mặt ngại ngùng.
Chúng ta cần nhớ rằng, những người lính trẻ đến đây trong những ngày tháng Tư lịch sử của đất nước để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tham gia khối diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Họ khoác lên mình bộ quân phục để thực hiện nhiệm vụ của mình, hơn nữa còn là thể hiện lòng yêu nước chuẩn mực, là truyền thống đáng tự hào của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Họ hoàn toàn không phải đến đây để được khen “điển trai, xinh gái”, hoặc trở thành đối tượng của những tiếng hú hét chọc ghẹo, trêu đùa hời hợt. Từng bước chân, ánh nhìn và tác phong oai nghiêm của họ, trước hết là bổn phận cá nhân thiêng liêng với đất nước; vượt lên trên hết còn là biểu tượng của khát vọng chiến thắng, đã trải qua 50 năm thống nhất đất nước.
Để thể hiện lòng yêu nước, hành động có giá trị vượt lên trên mọi xúc cảm ngắn hạn, tức thời của thị giác hay trái tim, phải là hành động chuẩn mực, tôn trọng và tri ân. Trong một không gian đại lễ cấp quốc gia, cần có sự trang nghiêm, cần những tràng vỗ tay cổ vũ mạnh mẽ, đoàn kết, khí thế hào hùng; hơn là những hò hét, đùa cợt thiếu lịch sự, văn minh. Thay vì trêu đùa, hãy cùng nhau xếp hàng ngay ngắn, trang trọng, có trật tự trong màu cờ sắc áo của cờ Đảng, cờ Tổ quốc; đồng thời, dành cho những khối diễu hành, diễu binh những chàng vỗ tay lớn, liền mạch để cổ vũ, khích lệ lòng tự hào, lòng yêu nước dạt dào, sâu sắc. Sau khi đại lễ kết thúc, từng người, nhất là các bạn trẻ hãy cúi xuống chân mình, nhặt hết những túi nhựa, chai nước, giấy rác... xung quanh các tuyến đường, lễ đài - dù đó là rác thải của bất cứ ai.
Những hành động đó rất thiết thực, ý nghĩa nhất để mỗi chúng ta thể hiện lòng yêu nước, sự tự hào về truyền thống và tưởng nhớ, sự biết ơn chân thành đến các thế hệ anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh để làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, để non sông nối liền một dải, đất nước hòa bình, thống nhất, ấm no, hạnh phúc như hôm nay.