Chính trị

Thần tốc tinh gọn bộ máy

Việt Thắng 01/05/2025 07:15

“Thần tốc”, “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng chắc chắn, bài bản, khoa học, có thứ tự ưu tiên trong cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.

tr10.jpg
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp là tiền đề để các địa phương phát triển, đất nước vươn mình. Ảnh: Quang Vinh.

Thần tốc, bài bản, khoa học

Cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính đang được triển khai với lộ trình khẩn trương “chạy đua” với các mốc thời gian cụ thể. Theo đó, trước ngày 30/6/2025 phải hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan; bắt đầu kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15/8/2025; hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1/9/2025; hoàn thành tổ chức Đại hội đảng bộ xã, phường, đặc khu nhiệm kỳ 2025 - 2030 trước ngày 31/8/2025; hoàn thành Đại hội đảng bộ cấp tỉnh trước ngày 31/10/2025; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào đầu quý I/2026; Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 3/2026.

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, Trung ương đã công bố Nghị quyết 60. Theo Nghị quyết 60 của Trung ương, 11 tỉnh, thành phố sẽ giữ nguyên gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng. 52 địa phương còn lại sáp nhập còn 23 tỉnh, thành phố. Như vậy, cả nước sẽ còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Để việc triển khai diễn ra nhanh chóng, thấm nhuần tư tưởng tới từng chi bộ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 để quán triệt tới hơn 1,5 triệu đảng viên tham gia hội nghị. Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, tinh thần thực hiện phải quyết liệt, khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”, “không được để gián đoạn công việc”, “bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ”; lộ trình thực hiện phải bài bản, khoa học, bảo đảm đúng Điều lệ Đảng, quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo của Trung ương; mạnh mẽ, triệt để, khoa học, nhân văn, bảo đảm tầm nhìn xa, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa phù hợp cho phát triển đất nước.

Căn cứ các tiêu chí, tiêu chuẩn và định hướng số lượng giảm khoảng 60 - 70% của Trung ương, các địa phương đã nhanh chóng triển khai nghiên cứu phương án sắp xếp cụ thể cho phù hợp với địa bàn với mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, chủ động hướng về nhân dân để phục vụ tốt hơn.

Đơn cử, Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình họp thống nhất triển khai kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản của Trung ương về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Lãnh đạo 3 tỉnh nhấn mạnh: Việc hợp nhất 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ là chủ trương đúng và là bước chuẩn bị quan trọng của Trung ương Đảng trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. Việc triển khai xây dựng đề án hợp nhất 3 tỉnh phải đảm bảo nguyên tắc đặt sự phát triển chung của tỉnh mới sau hợp nhất lên cao nhất.

Tương tự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã họp bàn triển khai hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh. Lộ trình cụ thể, đặt ra là tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025.

Trong khi đó, tỉnh Nam Định đề nghị UBND các huyện, thành phố trong địa bàn tỉnh gấp rút chuẩn bị lấy ý kiến cử tri đến phạm vi đại diện hộ gia đình về phương án sắp xếp cấp xã và sáp nhập tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Không chỉ bàn phương án hợp nhất cấp tỉnh, mà đến nay nhiều tỉnh, thành phố đã có phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại địa phương mình để trình Chính phủ. Trong số này, tỉnh Nghệ An từ 412 xã, phường, giảm còn 130; TPHCM từ 273, giảm còn 102; Đà Nẵng từ 47, giảm còn 19; Ninh Thuận từ 62, giảm còn 17; Bạc Liêu từ 64, giảm còn 25; Hà Nội từ 526, giảm còn 126; Hưng Yên từ 139, giảm còn 39.

Tinh gọn hướng đến phục vụ nhân dân

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, từ ngày 1/5, 63 tỉnh, thành phố sẽ gửi đề án sắp xếp về Bộ để tiếp đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Bộ cũng bám sát, thực hiện tham mưu quyết liệt, thần tốc nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Ngọc Sơn nhìn nhận, đây thực sự là một “cuộc cách mạng” thần tốc với tinh thần của Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975. Theo ông Sơn, “chính quyền 2 cấp, cộng với hợp nhất còn 34 tỉnh, thành phố thì bộ máy sẽ tinh gọn, hướng đến phục vụ người dân tốt hơn. Khi bỏ cấp huyện thì cấp xã sẽ lớn hơn” - ông Sơn nói.

Nêu ví dụ trong phương án sắp xếp, Hà Nội dự kiến số lượng biên chế cấp xã không quá 40 cán bộ, công chức, ông Sơn cho rằng, như vậy không chỉ sắp xếp mà các tỉnh, thành phố còn “ấn định” luôn số lượng cán bộ, công chức tại cấp xã để tránh việc “phình” bộ máy.

Ông Sơn nêu vấn đề: “Sáp nhập trở thành xã lớn hơn mà lại để bộ máy “phình” ra thì cũng vất vả. Do đó lần này song hành cùng với việc giảm đơn vị hành chính cấp xã thì số lượng cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, sáp nhập cũng phải giảm theo”.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng, với chính quyền địa phương 2 cấp thì cấp xã với 85% nhiệm vụ được chuyển từ cấp huyện xuống gần như giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân. Trước đây vì nhiều xã nên nguồn lực và nhân lực bị hạn chế, bây giờ sau sáp nhập thì tập trung cho cấp xã và cấp xã là nơi quản lý, quản trị, hành chính công của địa phương. Còn cấp tỉnh bây giờ tập trung hoạt động phát triển cho cả vùng về kinh tế, hạ tầng cơ sở, xuất khẩu, công nghệ, ngoại giao…

“63 tỉnh, thành phố khó làm được việc đó vì ít nguồn lực, bị chia nhỏ, nhưng tới đây còn 34 tỉnh, thành phố thì thể hiện được các “vùng phát triển” một cách rõ ràng” - ông Dinh nói.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng cho rằng, đợt sắp xếp này được triển khai thần tốc là bởi đạt được sự đồng thuận rất lớn. “Lần này được kỳ vọng rất lớn. Chúng ta đang sắp xếp lại các hành trang, cách thức để chuẩn bị cho cuộc đi vững vàng, mạnh mẽ, khởi động để bước sang chặng đường mới. Sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính là điều kiện “cần” cho sự phát triển mới. Còn “đủ” là yếu tố bộ máy, con người, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ thuật số, tiếp thu tinh hoa của thế giới trong hội nhập quốc tế. Trong đó “cần” là yếu tố rất quan trọng, bởi phải sắp xếp để đón chờ phát triển và vươn mình” - ông Dinh nói.

Việt Thắng