Chuyện ít biết về người ném bom Dinh Độc Lập
Trong lúc các quân đoàn của ta gấp rút tiến đánh tuyến phòng thủ từ xa của đối phương ở Phan Rang, tôi được Báo Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cử đi cùng 4 phóng viên các cơ quan truyền thông thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đến sân bay Phước Long - sân bay dã chiến của địch bị quân ta đánh chiếm đầu tháng 1/1975 trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long, để “chờ một nhiệm vụ mới”.
1. Chờ mấy ngày vẫn chưa biết “nhiệm vụ mới” là gì, bỗng khoảng 8 giờ 30 ngày 8/4/1975, một chiếc phản lực đáp xuống đầu đường băng, nhảy chồm chồm qua những hố bom, hố đạn pháo vừa được công binh lấp tạm rồi thắng gấp đến mức chiếc máy bay suýt lật ngược ra phía trước. Chúng tôi được lệnh chạy đến chiếc máy bay vừa dừng “đón phi công phản chiến”. Nói là “đón” nhưng cũng chỉ kịp bấm máy ảnh ghi lại cảnh viên phi công trong bộ đồ bay của không lực Sài Gòn mở kính buồng lái, leo vội xuống đường băng và mấy cán bộ Ban Binh vận R công kênh anh ta.
Ngay sau đó, cánh phóng viên chúng tôi theo xe Ban Binh vận R về căn cứ để hôm sau dự họp báo nghe Nguyễn Thành Trung kể về hành động phản chiến. Ba hôm sau ngày giải phóng Sài Gòn, tôi đến Ban Binh vận R vừa chuyển cơ quan từ Chiến khu C (mật danh là R) về đóng tạm trong một căn nhà ở khu Bàn Cờ, tìm thăm anh.

Nguyễn Thành Trung vẫn thế, vẫn nụ cười hiền lành mà rạng rỡ y như sáng ngày 8/4/1975, khi anh ra khỏi buồng lái chiếc F5E. Chuyện giữa chúng tôi và chị Cẩm - vợ anh, thật rôm rả và cảm động chẳng khác những người thân tình lâu ngày gặp nhau, lại gặp trong niềm vui vỡ òa của những người vừa chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
Đến lúc đó, những người lính cầm bút như tôi, dù đã trải qua 10 năm trận mạc, vẫn không hề hay biết Nguyễn Thành Trung là một tình báo chiến lược của cách mạng được cài sâu vào hàng ngũ đối phương.
2. Chuyện trò hết buổi, Nguyễn Thành Trung mời tôi cùng gia đình anh xuống Mỹ Tho, Bến Tre thăm nội ngoại hai bé bằng trực thăng HU-1 chiến lợi phẩm do chính anh lái.
Tại xã An Khánh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đêm đó, tôi được má Thảo kể cho nghe chuyện nhà, chuyện quê giữa những cơn mưa đầu mùa và tiếng gà cầm canh xào xạc vườn dừa. “Vợ chồng má đặt tên cho nó là Đinh Khắc Chung - Năm Chung, vì nó là đứa con thứ năm của má. Anh Hai nó là Đinh Khắc Cần, theo ba kháng Pháp lúc còn nhỏ, rồi tập kết ra Bắc, trở lại miền Nam đánh giặc từ năm 1966, bị địch bắt đày ra Côn Đảo, má con má vừa gặp lại nhau hôm qua. Thằng Ba Trí, Tư Nhàn cũng thoát ly đi đánh Mỹ. Má chỉ còn con Út Xinh ở gần, lo làm lụng để tiếp tế cho bên mình đánh giặc…”.
Nãy giờ má Thảo chưa nhắc đến người cha của năm đứa con đều theo “bên mình”. Tôi gợi ý: “Thưa má, thế còn ba?”. Má trầm ngâm kể: “Ổng theo Việt Minh giữ nước, má không hiểu sao ổng không tập kết, có lẽ cấp trên phân công ở lại, nên cho thằng Hai đi. Ông cùng những người kháng chiến cũ lãnh đạo dân Châu Thành đồng khởi, rồi làm quyền Bí thư Huyện ủy. Quê ba má ở sát thị xã Bến Tre, nên địch đánh phá dữ lắm. Chồng má bị bệnh nặng, lánh về chữa chạy thì bị thằng Thao ác ôn vùng này dẫn quân về bố ráp, bắn chết. Hôm ấy là ngày 2/3/1963. Anh em thằng Nhàn, thằng Chung đang học trung học bên Mỹ Tho về thăm ba theo lời nhắn bí mật thì bà con cô bác cho hay tin dữ, kịp lánh đi, không nhìn được mặt cha. Má bị tù một thời gian rồi địch cũng phải thả ra. Tội nghiệp thằng Năm Chung, nó đã 14 tuổi mà mới được gặp ba 3 lần giữa ban ngày”.
Tôi cố nén xúc động, hỏi má vì sao Đinh Khắc Chung lại mang tên Nguyễn Thành Trung, má nói, vì không muốn để giặc biết Trung là con nhà Việt Cộng khi đi học và cũng tính chuyện lâu dài nó có thể lẫn vào hàng ngũ quân Cộng hòa nên má và mấy cậu đổi tên, giảm năm sinh.
Theo lời má kể, tôi hiểu, Nguyễn Thành Trung có bị chế độ Sài Gòn bắt đi lính thì trong dòng máu cũng có tinh thần của Bến Tre đồng khởi, nên việc anh phản chiến là không lấy gì làm ngạc nhiên.
Hồi ấy, cả miền Nam đã im tiếng súng, nhưng ở các thành phố lớn vẫn trong tình trạng quân quản, nên dù tò mò, tôi cũng không thể tìm hiểu ngay có phải Nguyễn Thành Trung được cài vào hàng ngũ địch.
Mãi đến giữa năm 1975, tôi mới được biết Nguyễn Thành Trung được Ban Binh vận Khu 8 giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi Mỹ rút quân. Sau khi được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam một ngày, ngày 1/6/1969, Ban Binh vận Khu 8 chỉ thị Nguyễn Thành Trung thi vào Không lực Việt Nam Cộng hòa và anh chính thức trở thành điệp viên.
3. Hơn một năm huấn luyện tại Nha Trang, Nguyễn Thành Trung được đưa đi đào tạo phi công phản lực tại Hoa Kỳ. Anh học rất giỏi, luôn xếp tốp đầu trong các khóa học. Thời gian học bên Mỹ, mọi liên lạc của Nguyễn Thành Trung với tổ chức điệp báo của ta vẫn diễn ra thông suốt bằng những thư tay ngắn gọn, đủ thông tin.

Trong tháng 3/1975, cấp trên báo cho Nguyễn Thành Trung chuẩn bị ném bom Dinh Độc Lập rồi bay về sân bay Phước Long. Nguyễn Thành Trung báo ra cho tổ chức biết sẽ ném bom Dinh Độc Lập sáng ngày 8/4/1975 sau khi đã nghĩ được cách thoát khỏi phi đội và không để bom rơi trúng nhà dân, không để bom rơi trúng chợ Bến Thành cách dinh chỉ mấy trăm mét theo đường chim bay.
Nguyễn Thành Trung kể: “Hôm đó, một phi đoàn được lệnh ném bom ở Phan Thiết. Tôi quyết định hành động. Trong đội hình bay, chỉ có số 1 là phi tuần trưởng Ngô Hoàng được quyền đàm thoại, còn các vị trí khác ra hiệu bằng ngón tay để thông báo cho nhau những điều cần thiết. Khi số 1 và số 3 đã nổ máy, tôi ra hiệu máy bay số 2 bị hỏng điện, xin cất cánh chậm. Số 1 ra hiệu cho tôi nằm lại rồi cất cánh, 5 giây sau số 3 cất cánh. Đúng 10 giây sau, tôi cất cánh. Đó là 10 giây quyết định. Tôi bay ra thành phố Biên Hòa, vòng lại Chợ Lớn rồi ngoặt về Dinh Độc Lập, ném 4 quả bom, 2 quả trúng nóc dinh rồi vòng ra kho xăng Nhà Bè trút đạn 20 ly trong khi pháo phòng không của địch bắn đỏ trời”.
Sau cuộc họp báo ở Ban Binh vận R, Nguyễn Thành Trung được điều gấp ra sân bay Thành Sơn ở Phan Rang hướng dẫn sử dụng máy bay A37 cho một số phi công chuyên bay MIG để thành lập Phi đội Quyết Thắng. Chiều 28/4/1975, anh được lệnh dẫn phi đội A37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Rồi chỉ một tháng sau ngày 30/4/1975 toàn thắng, Nguyễn Thành Trung lại dẫn một phi đội A37 từ sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) liên tục xuất kích chi viện cho hải quân đánh quân Khmer Đỏ lấn chiếm vùng đảo Tây Nam của Tổ quốc.
4. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta tịch thu nhiều máy bay F5, F5E và A37 của đối phương, nhưng quân chủng không quân chỉ có Nguyễn Thành Trung thông thạo các loại máy bay này, vì thế, anh vừa huấn luyện cho phi công chuyển đổi máy bay, vừa bay thử mỗi khi một chiếc nào đó được sửa xong. Các loại máy bay ấy không có chiếc nào còn lý lịch, cũng chẳng có phụ tùng thay thế, vì thế, bay thử là chấp nhận mạo hiểm tính mạng. Khi ấy, Nguyễn Thành Trung đã bay thử 47 lần mà không ai bảo đảm những chiếc máy bay ấy có an toàn hay không. Vì thế mà nhà tình báo - Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn từng nói về Nguyễn Thành Trung: “Tôi nghĩ, lẽ ra một người như anh phải được hai lần tôn vinh là Anh hùng Lực lượng vũ trang, vì sau giải phóng đã can đảm bay thử gần 50 chiếc máy bay mà người Mỹ để lại”.
Mà đâu chỉ có vậy, từ tháng 8/1975, sau khi hồi phục xong các loại máy bay chiến lợi phẩm, anh còn huấn luyện một phi đội bay thành thục F5, F5E để thành lập Trung đoàn Không quân 935, sau này trở thành Trung đoàn Anh hùng.
Năm 1990, Đại tá Nguyễn Thành Trung rời không quân chuyển sang Vietnam Airlines, làm Phó Tổng Giám đốc, nhưng công việc chủ yếu là bay, là cơ trưởng đầu tiên lái máy bay B767, B777 nhiều lần đưa các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đi thăm và làm việc tại nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, vì thời kỳ đầu phát triển hàng không, chúng ta rất thiếu phi công. Như vậy, từ máy bay quân sự đến dân dụng, anh đã bay khoảng 25.000 giờ trong sự nghiệp phi công.
Có lần Nguyễn Thành Trung tâm sự với tôi, không hiểu sao mình lại có năng khiếu làm phi công, loại máy bay nào cũng lái được mặc dù gia đình là nông dân rặt, mà lúc thi để trở thành phi công là thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, chứ không phải quá đam mê. Sống trên không nhiều quá, ngồi dưới đất thấy tay chân tù túng, phải bay cho vui, nên có lúc nhận bay đến lúc sức khỏe không cho phép mới thôi…