Xã hội

Quảng Trị - Biểu tượng của khát vọng hòa bình

NGHĨA VĂN 04/05/2025 08:02

Quảng Trị - mảnh đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng đã hồi sinh sau chiến tranh và đang vươn mình mạnh mẽ. Đây là minh chứng rõ nét nhất về sức sống, khát vọng hòa bình của người dân Quảng Trị nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Ký ức về ngày cắm lá cờ giải phóng quê hương

Sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, ông Võ Thanh Thủy (78 tuổi, trú tại phường 1, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và đi làm giao liên khi tuổi vừa mới đôi mươi.

Năm 1970, ông Thủy chính thức gia nhập lực lượng an ninh Quảng Trị và làm cán bộ trinh sát tại Ban An ninh Quảng Hà. Một năm sau, ông được cấp trên điều động giữ chức vụ Phân đội trưởng Phân đội An ninh giải phóng thị xã Đông Hà (nay là TP Đông Hà).

a3.jpg
Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải từng là giới tuyến quân sự tạm thời chia đất nước làm 2 miền. Ảnh: Phạm Trường

“Nhiệm vụ của tôi và các đồng đội lúc ấy là làm trinh sát, xây dựng cơ sở, bảo vệ an ninh, tuyên truyền, vận động nhân dân không ngừng chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc” - ông Thủy chia sẻ.

Ngày 31/3/1972, Phân đội An ninh của ông Thủy được giao nhiệm vụ dẫn đường cho các đơn vị bộ đội chủ lực của ta vào giải phóng Đông Hà. Chiều 28/4/1972, sau trận đánh cuối cùng vào căn cứ của địch ở chùa Tám Mái và dẫn đường cho các đơn vị bộ đội phá hủy một số cứ điểm còn lại của Mỹ - ngụy, ông Thủy cùng đồng đội leo lên lô cốt cao nhất ở giữa trung tâm “quân trấn Đông Hà” cắm cờ giải phóng, đánh dấu sự kiện trọng đại của quê hương.

Là đồng đội và là người sát cánh cùng ông Thủy đi cắm lá cờ giải phóng Đông Hà, ông Nguyễn Chí Linh (71 tuổi, quê ở phường 3, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cho biết, đó là một thời khắc mà ông cũng như các đồng đội không thể nào quên trong cuộc đời chiến đấu của mình. “Tuổi tác, thời gian có thể khiến chúng tôi quên đi nhiều thứ nhưng sẽ không bao giờ quên được không khí hào hùng khi cắm lá cờ giải phóng quê hương mình” - ông Linh xúc động nói.

Còn với ông Thủy, khoảnh khắc lá cờ giải phóng tung bay trên vị trí cao nhất, giữa lòng thị xã Đông Hà, bên dưới nhân dân hò reo mừng chiến thắng trở thành động lực thôi thúc ông vượt qua thử thách, tiếp tục hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Tháng 6/1972, ông Võ Thanh Thủy được điều động, phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội an ninh chốt tại Tòa Hành chánh Quảng Trị và Ty Cảnh sát Quảng Trị để nắm tình hình của địch, tham gia vào chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

“Chúng tôi chia ca chốt, mỗi ca thực hiện nhiệm vụ trong 1 tuần và có 3 người. Trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị vô cùng ác liệt. Địch dội bom đạn xuống liên tục tạo nên những trận “mưa bom, bão đạn”. Giờ trên các bức tường còn sót lại của Thành cổ, của trường Bồ Đề vẫn còn vô số vết tích do bom đạn gây ra.

Hoàn thành nhiệm vụ tại thị xã Quảng Trị, trinh sát an ninh Võ Thanh Thủy tiếp tục được cấp trên tin tưởng, phân công đến những địa điểm khác để làm nhiệm vụ. Đến ngày 19/3/1975, khi Hải Lăng - vùng đất cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Nghe tin quê hương hoàn toàn giải phóng, ông Thủy lúc này đang hoạt động tại Km23 (nay thuộc phường Phong An, thị xã Phong Điền, TP Huế) vô cùng vui mừng. Sau khi được lệnh, ông Thủy đã dẫn đoàn khoảng 3.000 - 5.000 người dân ở Quảng Trị trước đó đi lánh nạn trở về quê hương.

Trên đường trở về, ông Võ Thanh Thủy phát hiện cầu đường sắt Phò Trạch đã bị địch gài thuốc nổ hòng phá hủy, ngăn bước tiến của quân ta vào giải phóng miền Nam. Theo ông Thủy, khối thuốc nổ to bằng cái bàn. Sau khi phát hiện, ông gỡ hết các kíp nổ rồi ôm khối thuốc nổ ném xuống sông. Sau này, cây cầu ấy chính là nơi để bộ đội, xe của ta di chuyển vào giải phóng miền Nam.

“Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, có phóng viên đến hỏi tôi rằng: Giờ này ông có mong muốn gì không? Tôi bảo: Không! Bởi vì hàng triệu người đã hy sinh, tôi may mắn hơn họ vẫn còn sống, được trở về chứng kiến ngày hòa bình, độc lập trên quê hương mình. Với tôi như vậy là quá đủ rồi”- ông Thủy tâm sự.

Biến niềm tự hào về truyền thống cách mạng thành sức mạnh mới

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cùng với cả nước, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

a2.jpg
Ông Võ Thanh Thủy với bức ảnh chụp ông và đồng đội lúc được giao nhiệm vụ dẫn đường cho các đơn vị bộ đội chủ lực của ta vào giải phóng Đông Hà. Ảnh: Nghĩa Văn

Từ vùng đất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Quảng Trị hôm nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đời sống của người dân ngày một nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đang hiện thực hóa khát vọng vươn lên, biến niềm tự hào về truyền thống cách mạng thành sức mạnh mới, tập trung triển khai thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đề ra, phấn đấu đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Quý - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị chia sẻ, từ Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ, đôi bờ Hiền Lương, Địa đạo Vịnh Mốc… Ở đâu cũng đằm sâu hai tiếng “hòa bình”. Hòa bình là biểu tượng xứng đáng nhất của mảnh đất Quảng Trị. Vùng đất nhiều đau thương này xứng đáng để thay mặt cho dân tộc Việt Nam nói về hòa bình một cách trung thực và thiết tha nhất.

“Với những gì đã đạt được và thời gian tới khi Hành lang kinh tế Đông - Tây được mở rộng không gian phát triển về phía Tây, Quốc lộ 15D sớm hoàn thành nối cảng biển Mỹ Thủy tới Cửa khẩu quốc tế La Lay, tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo được đầu tư xây dựng, sân bay Quảng Trị được hoàn thành đưa vào sử dụng… tương lai của Quảng Trị sẽ trở nên tươi sáng hơn rất nhiều” - ông Quý tin tưởng.

NGHĨA VĂN