Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Tinh gọn để nâng cao năng lực phục vụ người dân

Hoàng Mai 05/05/2025 07:13

Mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, cho ý kiến về tình hình, tiến độ thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp. Trên cơ sở tổng hợp đề án của các địa phương, báo cáo tại cuộc họp cho thấy, sau khi nỗ lực thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, hướng tới mô hình hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, về số lượng đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến sau sắp xếp, cả nước giảm từ 10.035 xuống còn hơn 3.320 đơn vị (tương đương 66,91%). Trong đó, địa phương tỷ lệ giảm cao nhất là 76,05%, địa phương có tỷ lệ giảm thấp nhất là 60%...

Đặc biệt, về số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp xã (bao gồm khối Đảng, đoàn thể và khối chính quyền), dự kiến sau sắp xếp: cấp tỉnh sẽ giảm khoảng hơn 18.440 biên chế cán bộ, công chức so với số biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2022; cấp xã (xã, phường, đặc khu) sẽ giảm khoảng hơn 110.780 biên chế cán bộ, công chức so với tổng số biên chế cấp huyện và cấp xã giao năm 2022 do sắp xếp vị trí việc làm, tinh giản biên chế, nghỉ chế độ theo quy định. Tổng số cán bộ, công chức, cấp tỉnh, cấp xã sau tinh giản là 129.220 người.

Cùng với đó, sẽ kết thúc hoạt động của khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước. Đó là chưa kể việc sắp xếp, tinh gọn cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã), dự kiến sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động của MTTQ, các đoàn thể sẽ gần dân, sát dân hơn; bước đầu khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và bộ máy “hình chóp ngược”.

Những con số tưởng chừng khô khan nhưng lại nói lên nhiều điều. Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Nội vụ cho biết, cần khoản kinh phí khoảng 130.000 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và ước tính 5 năm sau, ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được khoảng 113.000 tỷ đồng. Điều này có thể hiểu, khoản đầu tư một lần là 130.000 tỷ đồng nhưng cứ mỗi 5 năm chúng ta sẽ tiết kiệm được 113.000 tỷ đồng. Chưa kể, khi bộ máy giảm tầng nấc, giảm trung gian tức là sẽ gọn nhẹ hơn rất nhiều và lúc ấy, cán bộ, công chức muốn làm việc ổn định trong bộ máy thì buộc phải nâng cao trình độ năng lực và nâng cao khả năng phục vụ người dân- như vậy có nghĩa chúng ta sẽ có điều kiện nâng cao năng lực phục vụ của bộ máy hành chính công. Bên cạnh đó, sẽ góp phần tạo động lực cho phát triển.

Những gì cả hệ thống chính trị làm trong thời gian qua là nỗ lực không ngừng nghỉ; và là sự hiểu biết, chấp hành, ủng hộ chủ trương, định hướng của Đảng của nhiều cá nhân. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói trong thảo luận tại tổ ĐBQH Hà Nội trong kỳ họp bất thường hồi đầu năm: Chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước được nhân dân, các cơ quan, Quốc hội đồng tình, ủng hộ, tổ chức triển khai rất nhanh, rất tốt, cho thấy đây là chủ trương rất đúng. "Tôi cho rằng đây là điều người dân mong đợi lâu rồi. Với việc tinh gọn tổ chức bộ máy này, tiết kiệm tiền chỉ là một phần thôi, quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, đưa đất nước phát triển lên. Đây là điều mong mỏi nhất", Tổng Bí thư nói.

Trở lại với công cuộc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, những thành công vừa qua là rất đáng khích lệ, được nhân dân đánh giá cao; nhiều quốc gia bạn bè cũng đánh giá cao nỗ lực tinh gọn bộ máy của chúng ta. Thành công ấy cho chúng ta thêm vững tin về hướng đi đúng đắn và khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ triển khai làm sao để các phương án sắp xếp bảo đảm bám sát định hướng chỉ đạo, yêu cầu, tiến độ đề ra, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.

Hoàng Mai