Quốc hội

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Việt Thắng 05/05/2025 17:23

Chiều 5/5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua: Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 100% Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt tán thành. Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng được thông qua ngay sau đó với 100% ĐBQH có mặt tán thành.

hung5-5.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại hội trường (Ảnh: Quang Vinh)

Việc sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là bước đi lịch sử

Trước đó, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về: Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo ông Hùng, việc sửa đổi một số điều Hiến pháp ở thời điểm hiện nay là yêu cầu tất yếu của thực tiễn sau hơn 1 thập kỷ thực hiện, nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013 dù đã góp phần ổn định tổ chức bộ máy và phát huy dân chủ nhưng cũng đang bộc lộ những giới hạn và khoảng trống, nhất là trước yêu cầu của tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính.

Ông Hùng cũng đánh giá, việc sửa đổi bổ sung lần này “đúng” và “trúng” các nút thắt thể chế. Đó là tái định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương, loại bỏ sự cồng kềnh giao thoa 3 cấp, giảm từng nấc trung gian để thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền hành động nhanh linh hoạt, tập trung và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, củng cố vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Mặt trận Tổ quốc không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mà phải là chủ thể có quyền năng giám sát thực chất, phản biện chính sách, tham gia thiết kế chính sách công, đây là điều mà Hiến pháp hiện hành quy định rất rõ, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Vấn đề chưa có tiền lệ nhưng đang đặt ra cấp bách cần được Hiến pháp quy định.

Về thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp, ông Hùng nhận thấy đây là việc cần thiết và đúng quy định. Thành phần của Uỷ ban được đề xuất là những người tiêu biểu đảm bảo sự bao quát đa chiều gắn kết giữa lý luận và thực tiễn.

Để Hiến pháp thực sự là bản khế ước giữa nhân dân và nhà nước, vì sự phát triển phồn thịnh của đất nước, đáp ứng kỳ vọng lớn lao của nhân dân và cử tri cả nước, thể hiện trách nhiệm lịch sử của Quốc hội khoá XV, ông Hùng đề nghị, cần chủ động xây dựng lộ trình tham vấn xã hội rộng rãi, khoa học để dân biết, dân bàn, dân góp ý, đồng thời dân phải đồng thuận cao.

z6570386240944_30b01a085cb3340e2ac385aa805bb78f.jpg
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình phát biểu tại hội trường (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nêu rằng, việc sửa đổi bổ sung một số điều củaHiến pháp năm 2013 là một quyết định hệ trọng cần được tổ chức thực hiện với trách nhiệm cao nhất từ Quốc hội tới toàn hệ thống chính trị, thể hiện rõ tinh thần Hiến pháp của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân.

Nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu ý kiến của Nhân dân là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều cuộc toạ đàm để lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia thảo luận và bàn bạc, lắng nghe các chuyên gia phân tích mổ xẻ các vấn đề một cách thầu đáo. Sửa Hiến pháp là việc hệ trọng, lần này thời gian sửa là không nhiều.

“Việc tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia là vô cùng quan trọng và cần thiết” – ông Trí kiến nghị.

Giải trình tại phiên họp, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật - Tư pháp của Quốc hội, nhấn mạnh, qua tổng hợp nhanh ý kiến của các vị ĐBQH phát biểu tại tổ và tại hội trường có thể thấy các vị ĐBQH tán thành rất là cao với các nội dung cơ bản trong tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Sửa Hiến pháp phải đảm bảo quy trình theo đúng quy định

Trước đó, trong buổi sáng, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, về định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung, ông Định cho hay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung. Cụ thể, các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó là các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

lam5-5.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ (Ảnh: Quang Vinh)

Trước đó, phát biểu tại tổ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội có nhiều nội dung rất quan trọng. Do đó phải tổ chức sớm hai tuần để có điều kiện thảo luận nhưng cũng không được kéo dài quá, phải hoàn thành trong tháng 6. Một trong những nội dung rất quan trọng đó là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tổng Bí thư nêu rõ, việc sửa Hiến pháp phải đảm bảo quy trình theo đúng quy định, phải lấy ý kiến của nhân dân.

Đánh giá các cơ quan soạn thảo, Quốc hội, Chính phủ đã chuẩn bị hết sức chu đáo, Tổng Bí thư hy vọng tại đợt họp thứ 2 của Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua được Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Tổng Bí thư khẳng định, lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ tập trung sửa một số điều phục vụ cho các yêu cầu cấp thiết trước mắt.

“Nếu có thể xem xét sửa đổi căn bản Hiến pháp thì phải sau Đại hội XIV của Đảng vì khi đó đã quyết định cương lĩnh, tổng kết 40 năm đổi mới và định hình phương hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới”, Tổng Bí thư cho hay.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, hiện nay chúng ta cùng lúc phải làm rất nhiều công việc, vừa tập trung chuẩn bị đại hội các cấp, sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, vừa phải đảm bảo tất cả các công việc thường xuyên, đảm bảo yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng bởi qua đánh giá kết quả kinh tế xã hội 4 tháng rất khả quan, thu ngân sách, phát triển sản xuất kinh doanh tương đối tốt. Trong 4 tháng đã đạt được khoảng 48% kế hoạch của cả năm, trong đó Hà Nội thu 271 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch, đó là sự phấn đấu nỗ lực rất lớn trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Tổng Bí thư nêu rõ, đất nước muốn phát triển thì phải đạt những yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế. Đất nước phát triển là người dân phải được thụ hưởng những thành quả đó. Việc tạo tiền đề cho sự phát triển của giai đoạn sau là rất quan trọng. Nếu năm nay không hoàn thành được việc đó thì sẽ không hoàn thành được một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Tổng Bí thư nêu rõ, việc hoàn thành chỉ tiêu của nhiệm kỳ của Đại hội XIII là tiền đề rất tốt để chúng ta đặt ra kế hoạch cho Đại hội XIV.

Tin tưởng chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành các mục tiêu, Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn các đại biểu lắng nghe ý kiến của Nhân dân, tập trung sửa đổi một số điều của Hiến pháp và xây dựng pháp luật.

Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các đại biểu lắng nghe ý kiến của nhân dân khi góp ý sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Dự kiến ngày 18/5 tới, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. “Những vấn đề gì được thể chế hóa bằng các văn bản của Quốc hội đều được xem xét để xử lý ngay khi chúng ta có các nghị quyết về vấn đề này rồi”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Việt Thắng