Di tích khảo cổ học Quỳnh Văn: Dấu tích cư trú và mai táng tiền sử
Di tích khảo cổ học Quỳnh Văn (xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) - từng được mệnh danh là “kho tư liệu sống” của văn hóa hậu kỳ Đá mới ở vùng ven biển Bắc Trung bộ, vừa hé lộ thêm những phát hiện khảo cổ học quan trọng qua đợt khai quật mới đây tại khu vực Cồn Sò Điệp.
.jpg)
Dấu tích cư trú và mộ táng
Đợt khai quật do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Bảo tàng Nghệ An và Đại học Quốc gia Australia thực hiện, trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu quốc tế “Thiên niên kỷ bị thiếu và nguồn gốc của nông nghiệp ở Đông Nam Á” do Hội đồng Nghiên cứu Australia tài trợ.
Tiến hành khảo sát và mở 3 hố khai quật, các nhà khảo cổ sử dụng phương pháp tầng vị học hiện đại để bóc tách các lớp trầm tích văn hóa. Tại hố khai quật thứ nhất, sâu tới tầng sinh thổ ở độ sâu 3,2m, nhiều di tích sinh hoạt của cư dân tiền sử đã được ghi nhận, bao gồm dấu tích bếp lửa, hố cột, tàn tích thức ăn, kèm theo công cụ đá, mảnh gốm và hàng trăm viên đá cháy - những vật chứng cho đời sống lao động và ẩm thực của cư dân cổ.
Đáng chú ý, tại hố thứ hai, dù mới khai quật đến độ sâu khoảng 2m, đoàn khảo cổ đã phát hiện cụm mộ táng với 6 huyệt mộ và 8 bộ di cốt người, trong đó phổ biến là tư thế bó gối – một hình thức mai táng đặc trưng từng được ghi nhận trong văn hóa Đa Bút và các nền văn hóa thời Đá mới ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, hiện tượng cải táng và mai táng chồng lên nhau cho thấy sự phức tạp trong tín ngưỡng, nghi lễ chôn cất của cư dân cổ.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử khai quật tại Quỳnh Văn ghi nhận được số lượng lớn di cốt người cùng một thời điểm - sau đợt khai quật đầu tiên hơn 60 năm trước.

Nơi đầu tiên được chọn để sinh sống?
Bên cạnh các phát hiện về kiến trúc và chôn cất, đoàn khảo cổ cũng thu thập hơn 1.000 mẫu vật gồm than, đất và thực vật vi mô (phytolith) nhằm phục vụ phân tích, giám định niên đại và môi trường sinh sống tại các phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia Australia. Một số mảnh xương người có kích thước lớn và chắc khỏe, cùng với mật độ bếp lửa dày đặc tại các lớp trầm tích, cho phép suy đoán rằng người Quỳnh Văn xưa có thể trạng tốt, thường xuyên vận động và thích nghi hiệu quả với môi trường khắc nghiệt vùng duyên hải.
Qua phân tích địa tầng và hiện vật, các nhà khảo cổ học bước đầu nhận định rằng khu vực Quỳnh Văn từng là một trong những địa điểm cư trú đầu tiên của cư dân hậu kỳ đá mới tại vùng ven biển Nghệ An - Hà Tĩnh. Từ đây, họ mở rộng dần ra các khu vực phía Đông Vịnh Quỳnh Lưu, hình thành nên hệ thống các di tích cồn sò điệp có cấu trúc, trầm tích và di vật tương đồng.
Điều này phù hợp với đặc điểm phân bố của văn hóa Quỳnh Văn - một nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu thuộc hậu kỳ Đá mới, có niên đại khoảng 6.000 - 4.000 năm trước, chủ yếu phân bố tại đồng bằng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, trong khoảng cách từ 1 đến 10km so với đường bờ biển hiện nay. Di tích thường là các cồn sò điệp lớn, có lớp văn hóa dày từ 5 đến 6m, diện tích khai quật rộng.
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Đây là nghĩa địa văn hóa Quỳnh Văn đầu tiên được bảo tồn tốt, được xác định và ghi nhận. Thi thể trong mỗi ngôi mộ đặt trong hố tròn với đầu gối co sát vào đầu. Khi phân hủy, bộ xương sụp xuống, đôi khi phần thân trên trông như bị tách rời, nhưng khai quật cẩn thận đã làm rõ vị trí ban đầu. "Kiểu chôn ngồi này phổ biến, đặc trưng cho văn hóa Đa Bút tại Thanh Hóa, nơi có đồ gốm và rìu đá mài. Các ngôi mộ ở Quỳnh Văn không có đồ gốm hay công cụ đá mài, chỉ có công cụ đá ghè đẽo kiểu Hòa Bình, Bắc Sơn và kỹ nghệ Ngườm, cho thấy mộ Quỳnh Văn có thể cổ hơn Đa Bút hoặc thuộc "quỹ đạo" văn hóa khác" - bà Dung nhận định.
Các nhà nghiên cứu kiến nghị cần có chiến lược lâu dài nhằm bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị của di chỉ Quỳnh Văn – một di sản đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 2017 nhưng vẫn chưa được đầu tư phát huy đúng mức. Do vậy, việc mở rộng khai quật tại các hố 2 và 3 sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới, không chỉ nhằm bổ sung dữ liệu cho nghiên cứu khoa học mà còn phục vụ công tác quy hoạch bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa địa phương.