ĐBQH băn khoăn giáo viên phải 'chân trong, chân ngoài'
Ngày 6/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm tới vấn đề chế độ chính sách cho nhà giáo.

ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp tại điểm a khoản 1 Điều 25, đây là một quy định nhân văn, thể hiện sự quan tâm đối với nhà giáo. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm vấn đề hiện nay, thang bảng lương đang thực hiện và sẽ thực hiện là xếp theo vị trí việc làm và ngạch bậc.
Ông Tám phân tích: Nếu nhà giáo được tuyển dụng phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp vào ngạch bậc của vị trí đó hay là tất cả các nhà giáo khi được tuyển dụng đều được xếp vào loại A3 (nhóm A3), tức là nhóm A1 là nhóm có bậc lương, thang lương cao nhất của viên chức hiện nay, ngạch đó khởi điểm 6,2 và cuối cùng 8.0, tương đương với chuyên viên cao cấp bên hành chính. Nếu như vậy đã đảm bảo tính hợp lý của nhà giáo được tuyển dụng ở tất cả các bậc học trong giáo dục hay chưa, từ mầm non cho đến THCS, THPT, cho đến đại học. Nếu thế sẽ đưa hết tất cả vào nhóm cao nhất là A3 của công chức thì trong nội bộ giáo viên đã hợp lý chưa thì cũng phải tính thêm. Nếu chúng ta xây dựng bảng lương hay thang lương riêng cho nhà giáo như một số ý kiến đề xuất ở kỳ họp thứ 8 theo hướng đấy thì cần phải nghiên cứu thêm tính hợp lý giữa các ngành y tế hay là viện nghiên cứu như thế nào cho phù hợp.
“Cho nên, tôi đề nghị chỗ này cần phải làm rõ những vấn đề đó để cho đảm bảo khi được thông qua thì tính khả thi của luật được cao hơn”, ông Tám nói.
.jpg)
Theo ĐB Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình), tính đến hết năm học 2022-2023, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tổng số giáo viên mầm non và phổ thông là trên 1.200.000 người thì tỷ lệ ngoài công lập chiếm 11,43%. Mặc dù có những khó khăn, song đội ngũ giáo viên ngoài công lập vẫn nhiệt tình với nghề và có nhiều đóng góp vào hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, ông Huy băn khoăn khi họ cũng có nhiều trăn trở do bị thiệt thòi về mặt chế độ, chính sách, hợp đồng lao động thiếu ràng buộc khiến họ phải tất bật đi dạy thêm bên ngoài hoặc thường xuyên nhảy việc và luôn trong tình trạng thấp thỏm, chân trong chân ngoài, mong mỏi thời điểm được chuyển vào hệ thống trường công lập. Đa số chỉ có những bạn trẻ mới ra trường chưa có điều kiện vào làm việc ở các cơ sở công lập, không có hộ khẩu ở thành phố mới xin vào làm việc tại các trường dân lập nhằm mục đích chủ yếu là tích lũy kinh nghiệm giảng dạy.
Cho rằng, dự thảo luật hiện quy định chủ yếu áp dụng các chế độ, chính sách với giáo viên công lập và điều này sẽ tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa trường công và trường tư. Do vậy, ông Huy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung, chỉnh lý để quy định phù hợp với đối tượng nhà giáo khu vực công lập và ngoài công lập, trong đó có tính đến đặc thù tại các cơ sở dân lập tư thục.

ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu rằng, về tiền lương, đãi ngộ và hỗ trợ nhà giáo từ Điều 25 đến Điều 29, dự thảo Luật nêu nguyên tắc lương nhà giáo cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp nhưng không quy định rõ mức khởi điểm, dễ gây khó khăn khi xếp lương.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, chính sách hỗ trợ cho nhà giáo vùng khó khăn tại Điều 26 còn chung chung, giao nhiều cho địa phương dễ dẫn đến chênh lệch. Vì vậy, ông Hùng đề nghị bổ sung nội dung nguyên tắc lương khởi điểm nhà giáo tối thiểu cao hơn từ 1 đến 2 bậc so với công chức hành chính cùng trình độ, cụ thể hóa các mức hỗ trợ về nhà ở, đi lại phụ cấp vùng khó khăn, tránh chỉ dừng lại ở nguyên tắc.
Về chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo, ĐB Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cũng cho rằng, trong bối cảnh hệ thống giáo dục quốc dân đang đối mặt với nhiều thách thức về thiếu giáo viên và chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Ông Khánh nhìn nhận, việc cho phép các địa phương chủ động quy định chính sách thu hút giáo viên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống và nhu cầu giáo dục như hỗ trợ nhà ở, tăng phụ cấp, tạo điều kiện cho học tập nâng cao trình độ sẽ giúp tăng tính hấp dẫn và giữ chân đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những nơi khó khăn. Vì nếu chỉ áp dụng một chính sách chung cho toàn quốc sẽ khó đủ linh hoạt để giải quyết các vấn đề đặc thù của từng địa phương.
Trên thực tế, chính sách này đã thực hiện tại các địa phương trong thời gian qua, tuy nhiên còn nhiều bất cập. Kết quả thu hút nhà giáo ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn hầu như không thực hiện được do chưa có quy định về giới hạn mức hỗ trợ, nguyên tắc, tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành nên các địa phương có điều kiện kinh tế tốt, nguồn thu ngân sách lớn, có khả năng ban hành chính sách đãi ngộ hấp dẫn trong khi các tỉnh nghèo thì không thể. Vì vậy, giáo viên có xu hướng tập trung về các địa phương có chính sách ưu đãi cao hơn, dẫn đến thu hút chất xám từ vùng khó về nơi thuận lợi, các địa phương khó khăn việc tuyển dụng là rất khó và sẽ tạo ra một cuộc “đua ngầm” giữa các tỉnh trong việc thu hút giáo viên.
“Khi giáo viên giỏi dồn về địa phương có chính sách hấp dẫn hơn, các vùng khó khăn sẽ thiếu hụt nghiêm trọng về chất lượng giảng dạy, gây ra sự mất cân bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao giữa học sinh vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Từ những thực tiễn trên, để đảm bảo sự công bằng và hiệu quả trong thực thi chính sách này, cần quy định rõ ràng hơn về giới hạn, nguyên tắc và tiêu chí chung trong dự án Luật để trên cơ sở đó thì Chính phủ sẽ hướng dẫn địa phương vận dụng linh hoạt, không tạo ra sự bất bình đẳng, quá mức giữa các vùng miền. Có như vậy, chính sách này mới thực sự hiệu quả, khắc phục những bất cập, hạn chế như trước đây”, ông Khánh kiến nghị.