Di sản lớn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường
PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời sáng nay, 6/5 tại Bệnh viện Đại học Y Dược sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 84 tuổi. Ông đã để lại một di sản lớn trong nghiên cứu khảo cổ học, âm nhạc và hội họa...
PGS.TS - nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, là con thứ tư của cố NGND Nguyễn Lân. Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, các anh chị em đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (sinh học), Giáo sư Nguyễn Lân Hùng (nông nghiệp), nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất (âm nhạc, hoạt động tại Nga)...
Dù có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ nhưng lại chọn học theo khoa học theo định hướng của cha, sự lựa chọn mặc dù không đúng với sở trường, đam mê nhưng đã đưa ông trở thành chuyên gia hàng đầu của ngành khảo cổ học với những thành tựu quan trọng cho ngành cổ nhân học của Việt Nam.
Thành tựu nổi bật nhất trong sự nghiệp khoa học của PGS. TS Nguyễn Lân Cường là danh hiệu do Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng “Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ Việt Nam: 1.093 di cốt”.
Cùng với đó là những công trình nghiên cứu quan trọng về chuyên ngành cổ nhân học của Việt Nam như: “Đặc điểm nhân chủng cư dân văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam”, “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư”, “Cổ nhân học và môi trường cổ ở Việt Nam”...

Tại các hiện trường khảo cổ, người ta luôn thấy hình ảnh một nhà khoa học lúc nào cũng cặm cụi, tỉ mỉ với từng mảnh di cốt. Hồi cuối tháng 10/2024, tại hiện trường Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội), PGS. TS Nguyễn Lân Cường cứ đau đáu về giá trị to lớn của di chỉ khảo cổ này, về những câu chuyện trải dài theo cả nghìn năm, qua 4 nền văn hóa lớn là Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn...
Ông bảo, tôi làm khảo cổ 60 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy một khu di chỉ mà có nhiều mộ táng đến như vậy, đặc biệt là một số tập tục lần đầu tiên thấy ở Việt Nam. Một số bộ di cốt, các nhà khảo cổ đều thấy bị mất răng cửa số 2 và số 4, một số bộ hài cốt nhổ toàn bộ răng cửa. Còn cách họ đeo vòng cũng vậy, rất lạ và độc đáo.
Rồi ông lại băn khoăn về phương án khai quật cũng như bảo tồn, phát huy giá trị quý giá nghìn năm tuổi của di chỉ Vườn Chuối.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường cũng được biết đến chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp quốc gia liên quan đến việc nghiên cứu, bảo tồn và phục chế các Nhục thân xá lợi của các vị thiền sư Việt Nam; góp phần làm sáng tỏ giá trị văn hóa – tâm linh đặc biệt của các hiện tượng này trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Năm 1983, trong chuyến khảo sát tại chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã phát hiện vết nứt nhỏ trên trán pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và nhận nhận thấy bên trong là xương sọ người thật.
Ông từng chia sẻ với báo chí rằng, tôi đã đứng lặng người rất lâu trước chiếc am nhỏ bên phải chùa. Thiền sư Vũ Khắc Minh ngồi đó, phía sau mành, đôi mắt lim dim như đang suy tư về cõi Phật.
Sau đó, các nhà khoa học cung nghênh Nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh về Bệnh viện Bạch Mai. Qua các phim chụp đã xác nhận nhục thân là hài cốt thật, không qua kỹ thuật ướp xác thông thường.
Ngoài ra, PGS. TS Nguyễn Lân Cường đã cùng các cộng sự phục chế Nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết tại chùa Phật Tích từ 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi, hoàn thành vào năm 1993. Đây là một trong những công trình phục dựng nhục thân phức tạp và thành công nhất tại Việt Nam.
Không chỉ là một nhà khoa học ông còn là người có tâm hồn nghệ sĩ với nhiểu đóng góp cho văn hóa nghệ thuật thủ đô Hà Nội và cả nước. PGS. TS Nguyễn Lân Cường có gần 100 tác phẩm âm nhạc, trong đó có cả hợp xướng, ca khúc, nổi bật như: Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Bài ca về những người lính đảo...
Những lúc đứng trên sân khấu phiêu cùng những bản hợp xướng, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường từng chia sẻ, đó là khoảnh khắc ông được là chính mình.
Ngoài nghiên cứu khảo cổ và sáng tác nhạc, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cũng đồng thời là họa sĩ sơn dầu. Bức tranh đầu tiên ông vẽ là năm 1962. Tranh của ông thường mang màu sắc cổ điển, nhiều bức có chủ đề chân dung, phong cảnh và con người Việt Nam.
Một trong những tác phẩm đáng chú ý của ông là cuốn sách “Bộ xương người nói với bạn điều gì?” gồm 320 hình minh họa bộ xương người do chính ông vẽ, giúp độc giả tiếp cận kiến thức khoa học một cách sinh động, trực quan và rất gần gũi.