Công ty cao su DAKRUCO Đắk Lắk: Trụ cột phát triển kinh tế địa phương, biểu tượng của hội nhập, đổi mới và phát triển bền vững
Đắk Lắk - trái tim của vùng Tây Nguyên đại ngàn - từ lâu đã gắn bó chặt chẽ với những cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu và đặc biệt là cây cao su. Trong bức tranh phát triển nông nghiệp - công nghiệp địa phương, cây cao su không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách của tỉnh. Trong đó, Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk (DAKRUCO) được xem là đơn vị đầu tàu, góp phần đưa cao su Đắk Lắk vươn ra thị trường thế giới.

Vai trò then chốt của cây cao su trong phát triển kinh tế Đắk Lắk
Với lợi thế đất đỏ bazan, khí hậu ôn hòa, Đắk Lắk là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển cây cao su. Trong nhiều thập kỷ qua, tỉnh đã ưu tiên mở rộng diện tích trồng cao su, quy hoạch vùng nguyên liệu, từng bước đưa loại cây công nghiệp này trở thành trụ cột trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 32.000ha cao su, trong đó DAKRUCO đang quản lý gần 8.000ha cao su, phân bố ở nhiều huyện như Cư M’gar, Krông Buk, Cư Kuin và thị xã Buôn Hồ. Với sản lượng khai thác ổn định hàng năm, Công ty không chỉ cung cấp nguyên liệu cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Cây cao su mang lại giá trị kinh tế cao, thời gian khai thác lâu dài (25-30 năm), phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Ngoài nguồn thu từ mủ, các sản phẩm phụ từ ngành cao su như gỗ thanh lý, sản phẩm chế biến sâu (SVR 3L, SVR 10, CV50, CV60...) cũng đóng góp đáng kể vào giá trị gia tăng, giúp đa dạng hóa nguồn thu và ổn định đầu ra cho ngành.

Giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương
Một trong những đóng góp quan trọng và thiết thực nhất của ngành cao su Đắk Lắk – đặc biệt là DAKRUCO - chính là giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có bà con Ê Đê...
Mỗi năm, Công ty tạo việc làm ổn định cho khoảng hơn 2.400 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 6 – 9 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào năng suất, vị trí công việc và điều kiện khai thác. Bên cạnh thu nhập ổn định, người lao động còn được tham gia các chính sách phúc lợi đầy đủ như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ học bổng cho con em công nhân...
Nhiều hộ gia đình từ chỗ không có việc làm ổn định, phụ thuộc vào nương rẫy kém hiệu quả, sau khi được tuyển dụng vào làm việc tại DAKRUCO đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Con cái được học hành đầy đủ, cuộc sống tinh thần được cải thiện rõ rệt.
Đặc biệt, Công ty luôn chú trọng đào tạo kỹ thuật khai thác mủ cao su, chăm sóc vườn cây, kỹ năng lao động chuyên nghiệp. Việc này giúp nâng cao tay nghề cho công nhân, tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành trong quá trình hiện đại hóa.
Ngoài lao động trực tiếp, ngành cao su còn tạo ra hàng trăm việc làm gián tiếp thông qua các hoạt động hậu cần, vận chuyển, bảo trì cơ giới, thương mại và chế biến phụ phẩm. Đây là chuỗi giá trị khép kín, lan tỏa hiệu quả đến toàn xã hội.

Đóng góp tích cực vào ngân sách và phát triển hạ tầng địa phương
Hàng năm, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DAKRUCO đóng góp trên 50 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí... Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, đây là nguồn lực tài chính quan trọng để tỉnh đầu tư cho các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông, xóa đói giảm nghèo.
Không chỉ đóng thuế, Công ty còn chủ động tham gia các chương trình an sinh xã hội như: xây dựng hàng chục căn nhà mái ấm công đoàn, hỗ trợ các thôn buôn kết nghĩa, tài trợ công trình hạ tầng nông thôn... góp phần thiết thực vào nâng cao đời sống cộng đồng.
Nhiều khu vực trước đây là vùng đất hoang hóa, ít người sinh sống, nhờ có cây cao su và sự đầu tư của DAKRUCO đã trở thành những vùng kinh tế sôi động, dân cư đông đúc, hạ tầng được xây dựng bài bản.
Vươn ra thị trường thế giới - Khẳng định thương hiệu “vàng trắng” Đắk Lắk
Không chỉ tập trung thị trường nội địa, DAKRUCO đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm cao su Đắk Lắk vươn xa đến các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc.
Các sản phẩm cao su thiên nhiên của DAKRUCO như SVR 3L, SVR 10, SVR CV50, CV60 đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, độ ổn định và khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất lốp xe, găng tay, đồ gia dụng, công nghiệp điện - điện tử…
Hiện tại, cao su xuất khẩu mang lại doanh thu ngoại tệ lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Đắk Lắk. Đáng chú ý, Công ty không ngừng đầu tư hiện đại hóa công nghệ sản xuất, kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khâu trồng trọt đến chế biến và đóng gói, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 14001; chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) hướng đến phát triển bền vững và thân thiện môi trường.
Sản phẩm cao su của DAKRUCO hiện đã xây dựng được uy tín trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của ngành cao su Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng trên bản đồ thế giới.
Định hướng phát triển bền vững trong tương lai
Ông Nguyễn Minh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk cho biết: Nhận thức được vai trò chiến lược của cây cao su trong phát triển kinh tế - xã hội, DAKRUCO đã xây dựng định hướng phát triển rõ ràng, bền vững như: Tái canh diện tích vườn cây bằng các giống cao su năng suất cao, thích ứng tốt với khí hậu và đất đai Tây Nguyên. Mở rộng sản phẩm chế biến sâu, không chỉ dừng ở mủ sơ chế mà tiến tới sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật có giá trị gia tăng cao. Ứng dụng công nghệ số vào quản lý vườn cây, truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, tiết kiệm nước, sử dụng phân bón hữu cơ, tái chế phụ phẩm, bảo vệ đất và đa dạng sinh học.
Ngoài ra, DAKRUCO cũng chú trọng liên kết với các hộ dân trồng cao su tiểu điền, xây dựng mô hình hợp tác cùng có lợi, giúp nâng cao thu nhập và trình độ sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Cây cao su tại Đắk Lắk mà tiêu biểu là hoạt động của DAKRUCO đã và đang đóng vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ việc giải quyết hàng nghìn việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước, đến vươn mình ra thị trường thế giới, cao su không chỉ là "vàng trắng" của nông nghiệp mà còn là biểu tượng của hội nhập, đổi mới và phát triển bền vững.
Với tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư đúng hướng, cây cao su sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho người dân Tây Nguyên, đồng thời là niềm tự hào của Việt Nam trên thị trường thế giới.