Giáo dục

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kỷ nguyên số

Lê Quốc Anh 06/05/2025 14:26

Trong bối cảnh chuyển đổi số, hoạt động của Đảng và Nhà nước hiện diện trên môi trường số, việc cung cấp thông tin, truyền thông một cách nhanh chóng, thuận tiện và kịp thời rất quan trọng.Hiện nay, tuyên truyền chính trị ở nước ta chủ yếu tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Các nội dung tuyên truyền chính trị giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước.

Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”... Tháng 1/2021, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ngày 25/7/2018, của Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW “Về Chiến lược an ninh mạng quốc gia”. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã thể chế hóa thành pháp luật, như Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Quốc phòng năm 2018… Tuy nhiên, việc triển khai các nghị quyết, văn bản pháp luật nêu trên, bên cạnh những kết quả đạt được còn gặp nhiều khó khăn.

Kỷ nguyên kỹ thuật số là thời đại của công nghệ, cũng là thời đại của quyền lực tư tưởng ẩn mình trong dòng chảy dữ liệu và thuật toán. Trật tự truyền thông truyền thống, vốn vận hành trên cơ sở độc quyền diễn ngôn, đang từng bước bị thách thức bởi không gian mạng, nơi mỗi cá nhân vừa là người tiêu thụ vừa là người kiến tạo nội dung. Cái gọi là "thế giới phẳng" thực chất là chiến trường tư tưởng phi biên giới, nơi chân lý và ngụy tạo đồng thời tồn tại, va đập, và đấu tranh không ngừng nghỉ.

Trong bối cảnh đó, nền tảng tư tưởng của Đảng - kết tinh từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không thể chỉ tồn tại trong sách vở, nghị quyết hay các diễn đàn lý luận, mà phải hiện diện sống động trên không gian mạng, thâm nhập vào đời sống tinh thần của nhân dân bằng sự hấp dẫn nội tại, bằng năng lực dẫn dắt, và bằng tính thuyết phục không thể bác bỏ.

Chuyển đổi số và biến dị trong không gian tư tưởng - truyền thông

Chuyển đổi số là quá trình số hóa thông tin, hiện đại hóa phương thức quản trị và sâu xa hơn, là sự tái cấu trúc nhận thức, hệ giá trị và phương thức sản xuất trong xã hội hiện đại.

Giờ đây, không gian mạng đã xóa nhòa biên giới giữa trung tâm và ngoại vi, giữa truyền thông chính thống và truyền thông xã hội. Trong môi trường ấy, quyền lực tư tưởng không còn là độc quyền của các cơ quan lý luận hay báo chí chính thống, mà bị phân tán về vô số chủ thể nhỏ lẻ, trong đó có cả những kẻ chủ mưu thao túng dư luận.

Từ đó cho thấy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số không đơn thuần là bảo tồn giá trị, mà là cuộc kiến tạo mới hệ sinh thái tư tưởng trong môi trường số, nơi tiếng nói của Đảng phải đủ mạnh để vượt qua sự khuếch đại nhiễu loạn của các nền tảng, đủ hấp dẫn để thuyết phục những thế hệ sinh ra và lớn lên trong thế giới phẳng.

Đồng thời, chuyển đổi số buộc chúng ta phải tái cấu trúc toàn bộ phương thức truyền thông chính trị: từ cách viết bài, cách truyền đạt thông tin, đến kỹ thuật tiếp cận từng nhóm công chúng khác nhau. Đó là một cuộc cách mạng trong tư duy lãnh đạo công tác tư tưởng, đòi hỏi sự đổi mới hình thức đan lẫn bản lĩnh chiến lược về nội dung.

Những thách thức đặc thù trong thời đại số

Thứ nhất, là sự dịch chuyển không gian đấu tranh tư tưởng từ đời thực sang không gian ảo, từ diễn đàn công khai sang thuật toán vô hình. Không gian mạng ngày nay là một "chiến trường không thuốc súng", nơi kẻ thù không mặc quân phục, không nổ súng, nhưng gieo rắc ngờ vực, hoài nghi, chia rẽ và phản kháng bằng những dòng trạng thái, những hình ảnh xuyên tạc, những video dàn dựng, và cả những "chuyên gia tự phong" nói lời trái tai nhưng mượn danh trí thức.

Tư tưởng phản động hiện diện không ồn ào, mà lặng lẽ thâm nhập vào tâm trí thông qua các hình thức biểu đạt phi chính trị: giải trí, phản biện, thậm chí cả nghệ thuật. Khi các nền tảng số trở thành nơi lưu trú chủ yếu của tâm thức xã hội, thì mọi nội dung dù phi chính trị cũng mang theo thông điệp tư tưởng. Trong hoàn cảnh ấy, nếu thiếu cơ chế nhận diện và phản ứng kịp thời, chúng ta dễ đánh mất trận địa vào tay những lực lượng đối lập về tư tưởng, giá trị.

Thứ hai, là thách thức từ công nghệ thao túng nhận thức. Trí tuệ nhân tạo, deepfake, mạng xã hội định hướng bằng thuật toán đã tạo nên một thế giới thông tin siêu thực, khiến ranh giới giữa thật và giả bị xóa nhòa, và dư luận có thể bị dẫn dắt một cách tinh vi mà không hề hay biết. Khi thông tin giả được lặp lại đủ nhiều, chúng mặc nhiên được tiếp nhận như sự thật, đó là quy luật vận hành đáng sợ của thời đại hậu sự thật (post-truth).

Trong kỷ nguyên hậu sự thật, cảm xúc lên ngôi, lý trí bị đẩy lùi, và các giá trị chính trị truyền thống dễ bị đặt vào thế phòng thủ. Từ đó, công tác tuyên truyền phải điều chỉnh lại phương pháp tiếp cận, vừa đúng về nội dung, lại phải trúng về cảm xúc, thấm về hình thức, mới có thể đối trọng với sự lan truyền vô cảm nhưng đầy sức công phá của thông tin giả mạo.

Thứ ba, là sự dao động từ bên trong nội bộ. Không ít cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị, kém năng lực truyền thông, dễ bị cuốn theo tâm lý đám đông, hoặc sa vào sự thờ ơ với các biểu hiện lệch chuẩn tư tưởng. Chính sự thiếu đề kháng từ nội tại này tạo điều kiện cho các luận điệu sai trái len lỏi và xói mòn lòng tin của quần chúng đối với Đảng.

Nơi yếu nhất trong trận tuyến tư tưởng không phải ở bên ngoài, mà là sự rạn nứt từ bên trong. Một cán bộ yếu tư tưởng sẽ tạo ra "kẽ nứt" trong lòng tổ chức; và một tổ chức không chủ động nắm chắc trận địa truyền thông sẽ bị đẩy lùi bởi một vài dòng trạng thái xuyên tạc trên mạng xã hội.

Thứ tư, là khoảng trống thể chế trong quản lý tư tưởng trên không gian số. Các quy định pháp lý hiện hành còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và tính chất biến hóa của thông tin xấu độc. Việc thiếu các công cụ phân tích, giám sát dư luận theo thời gian thực khiến cho công tác đấu tranh phản bác trở nên bị động, chậm trễ và thiếu chiều sâu. "Pháp trị tư tưởng", thiết lập hệ thống thể chế bảo vệ nền tảng lý luận của Đảng trên nền tảng số, trở thành yêu cầu sống còn, đòi hỏi tư duy pháp luật phải đi trước một bước so với các hiện tượng xã hội, hiện tượng số.

Yêu cầu mới đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Một là, phải kiến tạo tư duy chiến lược về an ninh tư tưởng trong thời đại số. An ninh tư tưởng không còn giới hạn trong đấu tranh với những biểu hiện "phản động" lộ liễu, mà mở rộng sang nhận diện các hình thức "chuyển hóa mềm", "nội công, ngoại kích", núp bóng dưới các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền", "xã hội dân sự". Tư tưởng sai lệch hôm nay nào có đến từ tiếng súng, mà chính từ ngôn ngữ hoa mỹ, biểu đạt tinh vi và kỹ thuật lập luận giả khoa học.

Vì vậy, đấu tranh tư tưởng phải là chiến lược tổng thể có sự phối hợp giữa nhiều lực lượng, từ truyền thông, công nghệ, giáo dục, cho đến pháp luật. Tư tưởng phải được bảo vệ trong bài phát biểu, bài báo hay tài liệu lý luận, và cả trong các thuật toán gợi ý, trong nội dung học đường, trong thiết kế chính sách xã hội.

Hai là, phải hiện đại hóa công cụ đấu tranh tư tưởng. Công cụ của thời đại số phải là hệ sinh thái tích hợp giữa trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và hệ thống giám sát xã hội học số. Cần đầu tư xây dựng các trung tâm phân tích dư luận xã hội trên không gian mạng, thiết lập "hệ thống radar tư tưởng" để phát hiện, theo dõi và phản ứng nhanh với các mầm mống tư tưởng lệch chuẩn.

Ngoài ra, cần khai thác sức mạnh của khoa học dữ liệu để phát hiện xu hướng tiềm ẩn, từ đó kịp thời can thiệp về mặt nội dung, định hướng dư luận theo hướng tích cực, lành mạnh. Việc phát hiện sớm, xử lý sớm, phản bác sớm là nguyên tắc vàng trong bảo vệ tư tưởng trên nền tảng số.

Ba là, các cơ quan truyền thông cần thay đổi cách thức truyền thông, chú trọng sản xuất nội dung số sáng tạo, đa định dạng, ứng dụng kỹ thuật kể chuyện hiện đại (storytelling), nghệ thuật truyền thông thị giác (visual communication), để đưa lý luận chính trị đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên trí thức.

Tư tưởng chỉ thực sự sống động khi nó được truyền đạt bằng hình thức sinh động. Do đó, người làm tư tưởng hôm nay vừa cần giỏi lý luận, vừa phải am hiểu thị trường nội dung, nghệ thuật diễn đạt và tâm lý công chúng số. Mỗi bài viết, mỗi video, mỗi hình ảnh tuyên truyền đều phải là sản phẩm văn hóa tư tưởng mang tính chiến lược.

Bốn là, phải phát triển đội ngũ “chiến sĩ tư tưởng số”. Đó không chỉ là dư luận viên, mà là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ công nghệ nhạy bén, văn hóa truyền thông sâu sắc. Họ cần được đào tạo liên ngành - chính trị học, truyền thông số, khoa học dữ liệu, để vừa nắm chắc lý luận, vừa làm chủ công nghệ, vừa chạm đến trái tim và lý trí công chúng.

Bên cạnh lực lượng chuyên trách, cần phát huy vai trò của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức trẻ, doanh nhân yêu nước và kiều bào như những "đại sứ tư tưởng" lan tỏa giá trị cách mạng bằng ngôn ngữ văn hóa, nghệ thuật, giáo dục.

Năm là, phải hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng. Luật pháp cần tạo ra "vành đai pháp lý" vững chắc để ngăn chặn, xử lý và răn đe mọi hành vi phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, gây nhiễu loạn thông tin và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chỉ khi hành lang pháp lý đủ mạnh và nghiêm khắc, thì không gian mạng mới trở thành nơi đáng tin cậy cho sự phát triển tư tưởng lành mạnh.

Tựu chung, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách nêu trên là cách tối ưu để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - ngọn đuốc soi đường cho dân tộc trên hành trình hiện đại hóa và hội nhập. Giữ vững nền tảng tư tưởng trong thời đại số không còn là lựa chọn, mà là mệnh lệnh chính trị cấp thiết, là sứ mệnh lịch sử của mỗi người làm công tác lý luận, tuyên truyền, và của toàn Đảng, toàn dân trong thế kỷ XXI.

Lê Quốc Anh