Cuộc đua nhạc số: Được và mất
Âm nhạc Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển sôi động, khi các nền tảng số như TikTok, YouTube... trở thành “sân khấu” chính cho nghệ sĩ lẫn khán giả. Mỗi tuần trôi qua lại xuất hiện một bản hit mới, một giai điệu phủ sóng mạng xã hội, hay một gương mặt nghệ sĩ trẻ bất ngờ vụt sáng. Thế nhưng, đằng sau bức tranh sôi động ấy là những trăn trở về giá trị nghệ thuật, về những tác phẩm có sức sống lâu bền với thời gian...

Đừng chỉ chạy theo thị hướng nhất thời
Sự xuất hiện của TikTok, YouTube, Facebook… khiến con đường đưa âm nhạc đến công chúng chưa bao giờ ngắn và dễ dàng như hiện nay. Chỉ cần một đoạn nhạc 15–30 giây, một clip vũ đạo bắt mắt hoặc lời ca “bắt trend”, nghệ sĩ đặc biệt là các gương mặt trẻ đã có thể nhanh chóng trở thành hiện tượng.
Từ “Chạy ngay đi” của Sơn Tùng M-TP, “Gieo quẻ” hay “See tình” của Hoàng Thùy Linh đến các bản remix dân gian hiện đại, tất cả đều minh chứng cho sức lan tỏa mạnh mẽ của âm nhạc trên nền tảng số. Và mới đây, MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy nhanh chóng tạo cơn sốt trên mạng xã hội, vươn lên dẫn đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước và ghi dấu ấn quốc tế.
Tuy nhiên, phía sau những hiện tượng đó cũng còn rất nhiều băn khoăn, trăn trở của những người làm nghề. Việc chạy theo lượt xem, chia sẻ khiến không ít nghệ sĩ sáng tác chủ yếu để tạo xu hướng hơn là đầu tư cho chiều sâu nghệ thuật. Nhiều ca khúc đơn điệu, cấu trúc lặp lại, ca từ dễ dãi, tất cả chỉ nhằm đạt thứ hạng cao trên các bảng thịnh hành. Còn phần hình ảnh, nhiều sản phẩm khai thác yếu tố gây sốc, hài hước hoặc gợi cảm để thu hút lượt xem.
Điển hình như “Sự nghiệp chướng” của rapper Pháo. Ca khúc này cán mốc 10 triệu lượt xem chỉ sau 3 ngày, vượt lên đứng đầu bảng thịnh hành YouTube, vượt cả sản phẩm của Hòa Minzy. Tuy nhiên, mức độ viral lại tương phản với chất lượng nghệ thuật khi “Sự nghiệp chướng” gây nhiều tranh cãi về mặt nội dung và phong cách, khiến nhiều người đặt câu hỏi về tiêu chuẩn đánh giá âm nhạc hiện nay có quá dễ dãi?
Trao đổi về vấn đề này PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, âm nhạc là lĩnh vực đặc thù, nơi cảm xúc và rung động nội tâm gắn kết chặt chẽ giữa người sáng tác và người nghe. Một tác phẩm chỉ bền vững khi tạo được sự đồng cảm, còn sản phẩm chạy theo thị hiếu nhất thời thường sớm bị lãng quên. Với những khán giả có gu thẩm mỹ cao, họ khó chấp nhận những giá trị nghệ thuật hời hợt, thiếu chiều sâu như thế.
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Đinh Văn Bình (hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội) cho rằng, để một sản phẩm âm nhạc trở nên nổi tiếng được thì bản thân người sáng tác hay người biểu diễn phải có tài, có tâm, có chiều sâu cảm xúc và có sự đầu tư nghiêm túc về chất lượng nghệ thuật. Thời gian qua, một số tác phẩm có giá trị nghệ thuật không cao, nội dung có thể nói là nghèo nàn, thậm chí ca từ thiếu chuẩn mực nhưng vẫn gây sốt trên mạng xã hội là do có yếu tố giải trí, hài hước, đáp ứng được nhu cầu nhất thời của một bộ phận khán giả trẻ.
“Trong “âm nhạc thời số hóa” như hiện nay thì người nghệ sĩ có được lợi thế là lan tỏa nhanh chóng tác phẩm của mình trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng cái mất thì sẽ lớn hơn nếu đó là một tác phẩm nghèo nàn về nội dung và chất lượng nghệ thuật, và một tác phẩm như thế sẽ rất dễ bị lãng quên” - nhạc sĩ Đinh Văn Bình nói.
Nghệ sĩ phải có bản sắc riêng
Bên cạnh làn sóng nhạc thị trường và những bản hit ngắn hạn, vẫn có rất nhiều nghệ sĩ kiên định theo đuổi con đường sáng tạo nghiêm túc, đầu tư kỹ lưỡng cả về âm nhạc lẫn hình ảnh. Trong đó, Hoàng Thùy Linh là một trong những người tiên phong theo đuổi hướng đi này. Album “LINK” của cô hòa quyện pop hiện đại với chất liệu dân gian như dân ca Bắc Bộ, ca trù, nhạc cụ truyền thống, góp phần khơi dậy cảm hứng khám phá văn hóa Việt trong giới trẻ.
Tùng Dương cũng là ví dụ điển hình cho nghệ sĩ luôn sáng tạo với tinh thần thể nghiệm. Anh không ngần ngại làm mới mình qua từng tác phẩm, đồng thời khai thác chất liệu dân gian, kết hợp với nhạc đương đại, để tạo nên những sản phẩm độc đáo và có chiều sâu. Còn sĩ Đen Vâu, tuy xuất thân từ dòng rap - thể loại vốn được xem là “đường phố” nhưng lại nổi bật bởi lời ca gần gũi, giàu chất thơ, thường chất chứa suy tư triết lý, nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Cả hai đều không chạy theo “trend” nhưng vẫn duy trì được lượng khán giả trung thành. Họ là minh chứng rằng giá trị nghệ thuật nghiêm túc vẫn có chỗ đứng và sức lan tỏa.
PGS.TS Lê Văn Toàn cho rằng, người làm nghệ thuật chân chính luôn khao khát hướng tới những giá trị chính thống, đích thực. Điều đáng mừng hiện nay là xã hội đã bắt đầu có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò của giáo dục trong việc hình thành nhân cách và năng lực nghệ sĩ. Để xây dựng một nền nghệ thuật bền vững, giáo dục phải được thực hiện từ gốc rễ những nền tảng cơ bản nhất.
“Với người nghệ sĩ, hành trình phát triển không chỉ dừng lại ở kiến thức lý thuyết học trong nhà trường hay kinh nghiệm thực tiễn trong nghề. Họ cần liên tục rèn luyện, trau dồi bản thân, để từ mỗi nấc thang chinh phục được một đỉnh cao nghệ thuật, lại tiếp tục vươn tới một đỉnh cao khác. Chỉ bằng con đường đó, nghệ sĩ mới giữ được bản sắc riêng, không bị cuốn theo những trào lưu nhất thời, tạo nên những giá trị nghệ thuật lâu dài, có sức sống bền bỉ trong lòng công chúng” - PGS.TS Lê Văn Toàn nói.
Nhạc sĩ Đinh Văn Bình cho rằng, để nghệ sĩ không bị cuốn theo những trào lưu ngắn hạn mà vẫn giữ được bản sắc cá nhân và tạo nên giá trị nghệ thuật bền vững, bên cạnh đam mê, tình yêu nghệ thuật và sự cống hiến, họ cần đầu tư nghiêm túc cho tác phẩm của mình. Một sản phẩm âm nhạc chất lượng không chỉ đòi hỏi nội dung tốt về ý tưởng, chủ đề mà còn cần được chăm chút về chất lượng nghệ thuật và hình thức thể hiện. Đương nhiên, tác phẩm cũng cần phù hợp với thị hiếu công chúng, sự kiện và thời điểm công bố trên các nền tảng số như TikTok, YouTube… Đây là cơ hội lớn để nghệ sĩ tiếp cận khán giả rộng rãi hơn, nhưng đồng thời cũng là thách thức khi phải duy trì chất lượng và bản sắc nghệ thuật trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.