Sau gần 3 tháng 'siết' quản lý, dạy thêm trái quy định vẫn diễn ra
Mặc dù các địa phương đã quyết liệt quản lý dạy thêm, học thêm theo quy định mới nhưng tình trạng giáo viên dạy thêm trái quy định vẫn liên tiếp xảy ra trong gần 3 tháng qua.
Còn nhiều biến tướng
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sau gần 3 tháng có hiệu lực đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh... Tuy nhiên, tình trạng giáo viên dạy thêm trái quy định vẫn liên tiếp xảy ra.
Cách đây ít ngày, một giáo viên Trường THCS Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị phụ huynh phản ánh về việc tổ chức dạy thêm môn Ngữ văn ở trung tâm với học sinh mà cô đang dạy học chính khóa.

Liên quan đến thông tin phản ánh trên, theo Hiệu trưởng Trường THCS Vân Hồ Lê Thị Lâm, cô giáo L.T.T. - giáo viên được phản ánh có ký hợp đồng với Công ty cổ phần Giáo dục CHAM Group để giảng dạy tại trung tâm một lớp ôn luyện môn Ngữ văn lớp 9 gồm 13 học sinh; thời gian dạy từ 15h đến 16h30 thứ Bảy hằng tuần (có danh sách học sinh cụ thể).
Về phía cô giáo L.T.T., cô cho biết, trong lớp dạy chính khóa do cô đảm nhận (lớp 9A5) có 2 học sinh là con của giáo viên nhà trường. Gia đình của hai học sinh này có nguyện vọng gửi con tham gia học lớp cô L.T.T. tại trung tâm (có đơn của cha mẹ học sinh gửi trung tâm). Cô giáo L.T.T. cũng đã thông báo với trung tâm và đề nghị không thu học phí đối với 2 học sinh này.
Phía trung tâm xác nhận, đến thời điểm này, đơn vị chưa thu học phí lớp học mà cô giáo L.T.T phụ trách, cô giáo L.T.T chưa nhận bất kỳ khoản thù lao nào từ trung tâm.
Sau khi có thông tin phản ánh, cô giáo L.T.T đã chủ động và tự nguyện chấm dứt hợp đồng với trung tâm từ ngày 23/4/2025.
Theo kế hoạch, hôm nay (8/5), tổ công tác liên ngành của quận sẽ tổ chức kiểm tra trực tiếp tại trung tâm và làm việc với nhà trường để có thêm thông tin, đồng thời có biện pháp tăng cường quản lý đối với các nhà trường trong việc triển khai Thông tư số 29.
Trường THCS Vân Hồ cam kết báo cáo kịp thời và phối hợp với cơ quan quản lý trong công tác xử lý các tình huống phát sinh liên quan; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các quy định về dạy thêm, học thêm đến toàn thể cán bộ, giáo viên; tăng cường kiểm tra, giám sát nội dung này để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm (nếu có).
Đây không phải là vụ việc duy nhất bị phản ánh về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước đó, Trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông) cũng phát hiện một số giáo viên dạy thêm tại một trung tâm gần trường, trong đó có giáo viên dạy thêm chính học sinh của lớp chính khoá.
Tại quận Đống Đa, mới đây đoàn kiểm tra liên ngành đã đình chỉ hoạt động đối với Trung tâm bồi dưỡng văn hoá ở phố Chùa Láng do có nhiều sai phạm liên quan đến dạy thêm học thêm.
Không riêng Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cũng phát hiện một số cô giáo thuê địa điểm tại Nhà văn hóa Thanh Đa (quận Bình Thạch) để dạy thêm các môn văn hóa cho học sinh tiểu học, “núp bóng” lớp luyện chữ đẹp.
Tại sao vẫn "lách luật"?
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Bộ GDĐT nhiều lần nhấn mạnh, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực và đang diễn ra. Với Thông tư 29, Bộ không cấm dạy thêm, học thêm, nhưng yêu cầu đó phải là hoạt động tích cực, đúng quy định.
Sau gần 3 tháng triển khai, những vụ việc dạy thêm không đúng quy định như trên vẫn liên tiếp xảy ra cho thấy khó kiểm soát những biến tướng của hoạt động này.
Vấn đề dạy thêm, học thêm lâu nay luôn là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Ông Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum nhìn nhận, dạy thêm, học thêm là vấn đề xã hội rất quan tâm. Thông tư 29 vừa được Bộ GDĐT ban hành nhưng dư luận vẫn còn băn khoăn.
Theo ông Tám, việc quy định cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Quy định này có thể được hiểu gián tiếp là thừa nhận việc dạy thêm, học thêm. Nếu như thấy chương trình, lượng kiến thức trong chương trình mà cách dạy ở trường có thể giúp học sinh nắm ngay trên lớp hay về nhà chỉ cần học thêm bài cũ sẽ hiểu được bài thì không có nhu cầu học thêm.
“Vấn đề ở đây có phải do chương trình và lượng kiến thức ở trong chương trình có nặng quá không? Vì nặng quá cho nên học sinh không hiểu được và phải đi học thêm”, ông Tám đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị Bộ GDĐT nên rà soát lại chương trình và lượng kiến thức trong chương trình hiện nay.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng để giải quyết tình trạng biến tướng hoạt động dạy thêm học thêm, cần có những giải pháp căn cơ. PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, điều quan trọng số một hiện nay là làm sao nâng cao chất lượng dạy thật, học thật ở ngay tại các nhà trường, từ đó để học sinh có đủ kiến thức, tham gia lớp học tiếp theo và trải qua các kỳ thi mà không cần học thêm.