Kinh tế

Nâng sức cạnh tranh cho gạo Việt

NGUYÊN DU - THANH TIẾN 09/05/2025 08:57

Thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ cao trong vùng sản xuất lúa, mang lại hiệu quả lớn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Anh cv
Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp khoảng 90% lượng lúa xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Nguyên Du

Ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa xử lý rơm rạ

Từ khi triển khai thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (đề án), tỉnh Bạc Liêu đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa gạo, qua đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại vùng sản xuất lúa nằm trong đề án, việc ứng dụng công nghệ cao trong đồng ruộng đã giúp nông dân điều tiết nước tự động thông qua hệ thống cảm biến và hệ điều hành thông minh trong quản lý nước, phân bón, thiết kế và sử dụng phần mềm quản lý ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đồng thời áp dụng đồng bộ giải pháp về giống lúa và bảo vệ thực vật. Nông dân Nguyễn Văn An (trú xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Trước đây, chi phí bỏ ra để trồng lúa phải từ 20-22 triệu đồng/ha. Từ khi áp dụng mô hình tưới ngập khô xen kẽ thì chi phí giảm còn khoảng 17 triệu đồng/ha. Năng suất lúa từ 6-7 tấn/ha tăng lên 9-10 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm hơn 5 triệu đồng/ha”. Do hiệu quả nên mô hình tưới ngập khô xen kẽ được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi nhân rộng ra toàn diện tích với 100% xã viên áp dụng vào sản xuất.

Ảnh 3 Vùng ĐBSCL cung cấp khoảng 90% lượng lúa xuất khẩu
Vùng lúa chất lượng cao Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nguyên Du

Tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, nơi triển khai thực hiện đề án, ông Trương Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết: HTX Nông nghiệp Hưng Lợi có 46 hộ nông dân với 50 ha đất canh tác tình nguyện tham gia đề án, đồng thời cam kết thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác, từ khâu làm đất, đến khi thu hoạch và sau thu hoạch (kể cả xử lý rơm rạ).

Theo chia sẻ của ông Hùng và các thành viên trong HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, hiệu quả có thể thấy rõ đó là “chi phí giảm, lợi nhuận tăng”, nhất là đầu ra ổn định khi người tiêu dùng ưa chuộng gạo ST25 của HTX được trồng trong mô hình thơm ngon hơn, rất ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Giá lúa ST25 của HTX Nông nghiệp Hưng Lợi đang bán 10.300 đồng/kg, trong khi lúa này ở ngoài mô hình chỉ 8.000 đồng/kg. Lợi nhuận trung bình 1ha đạt được từ 45 đến 49 triệu đồng.

Theo phân tích của lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Vĩnh Nghi: Đề án đã phát huy hiệu quả thiết thực với chi phí sản xuất thấp hơn, lợi nhuận cao hơn. Hiệu quả sản xuất của mô hình tăng 32,3% so với ngoài mô hình do chi phí sản xuất thấp hơn (20,1%) và lợi nhuận cao hơn (12,2%).

Vùng ĐBSCL mỗi năm sản xuất khoảng 22 triệu tấn lúa và một lượng rơm rạ tương đương. Rơm rạ chứa hàm lượng dinh dưỡng hữu cơ cũng như các nguyên tố dinh dưỡng rất quan trọng, có tiềm năng để cải tạo đất và cung cấp vật liệu trồng nấm, chăn nuôi... Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, phần lớn rơm rạ chưa được tận dụng một cách hiệu quả. Trong khi đó, mục tiêu của đề án đến năm 2030, 100% lượng rơm rạ sau thu hoạch được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến, tái sử dụng thay vì đốt bỏ.

Trước bối cảnh đó, mới đây, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền khởi động dự án quản lý rơm rạ nhằm tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Cục phó Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: “Toàn bộ những kỹ thuật này sẽ được biên soạn thành bộ tài liệu chuyển giao kết quả cho người dân vùng ĐBSCL. Các nội dung nghiên cứu, chuyển giao mà dự án tập trung nghiên cứu là những mắc xích quan trọng tiến trình thực hiện thành công đề án 1 triệu ha”.

Hướng đến các cánh đồng giảm phát thải, nâng cao hiệu quả kinh tế

Mục tiêu của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2025 là triển khai 28.000ha gieo trồng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên toàn tỉnh, đến năm 2030 là 46.000ha, nhằm hiện thực hóa các chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng tới mục tiêu sản xuất lúa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, tỉnh Bạc Liêu hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây cạn kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, luân canh cây trồng cạn trên đất trồng lúa. Ông Phạm Văn Mười – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho hay, hiện nay tỉnh Bạc Liêu đang triển khai xây dựng mô hình thí điểm và hệ thống đo đạc, báo cáo thẩm định (MRV) thực hiện đề án, làm cơ sở khuyến cáo, lan tỏa trong cộng đồng, tạo được lòng tin của bà con nông dân tham gia vào đề án.

ảnh chính
Nông dân huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch lúa sản xuất theo hướng an toàn.

Tham gia đề án, năm 2025, tỉnh Cà Mau thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh với quy mô 1.180ha. Hướng tới hình thành vùng trồng diện tích 23.000ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: “Muốn đảm bảo việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mục tiêu ổn định và tăng hiệu quả cho người sản xuất, ngoài việc chú trọng thực hiện tốt từ khâu tuyển chọn giống lúa có chất lượng và năng suất cao, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, đến công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất, thu mua, bảo quản, tạm trữ, chế biến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu gạo, các ngành, các cấp, bà con nông dân cần quan tâm, xây dựng mối liên kết giữa các bên trong quá trình tổ chức sản xuất lúa gạo. Coi đây là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định và phát triển thị trường, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa và thu nhập cho người nông dân”.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký VIETRISA Lê Thanh Tùng, thời gian qua, các địa phương vùng triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đạt được một số kết quả khả quan. Đặc biệt, so với canh tác thông thường, lượng giống giảm 50%, thuốc bảo vệ thực vật giảm 30%, giảm đổ ngã, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 5%, giảm phát thải trung bình 5 tấn CO2/ha/vụ… góp phần giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 5 triệu/ha/vụ.

Tiến sĩ Robert Caudwell
Tiến sĩ Robert Caudwell.

Tiến sĩ Robert Caudwell - Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cho biết: “Trong quá trình chuyển đổi sinh thái nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa trong quản lý rơm rạ không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam. Khi tối ưu hóa việc quản lý phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng, chúng ta đang đặt những viên gạch đầu tiên cho tương lai của nền nông nghiệp bền vững”.

NGUYÊN DU - THANH TIẾN