Kỳ vọng vào ‘kinh đô điện ảnh’
TPHCM đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện khát vọng vươn lên, hội nhập quốc tế bằng sức mạnh của văn hóa. Và nếu được thông qua sẽ mang lại vị thế, cơ hội và trách nhiệm rất lớn cho thành phố, cho điện ảnh và cho cả nền văn hóa Việt Nam…
.png)
Tiềm năng của “kinh đô điện ảnh”
TPHCM là trung tâm sản xuất phim lớn nhất cả nước, với số lượng phim thương mại ra rạp mỗi năm vượt trội. Nhiều bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ đồng, ghi dấu tên tuổi các đạo diễn trẻ như Quang Dũng, Lý Hải, Trấn Thành...
Điều này không chỉ phản ánh tiềm năng của thị trường điện ảnh TPHCM mà còn cho thấy sự năng động và sáng tạo của thế hệ đạo diễn trẻ - những người đang từng bước định hình diện mạo mới cho điện ảnh Việt Nam với sức sáng tạo và khả năng nắm bắt thị hiếu khán giả rất tốt.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, ngay từ thập niên 90, TPHCM đã được mệnh danh là “kinh đô điện ảnh”. Hoạt động sản xuất của thành phố nhộn nhịp, năng động, tiếp cận thị trường nhanh, không phụ thuộc quá nhiều vào tiền tài trợ của Nhà nước mà bằng các nguồn vốn xã hội hóa đã góp phần đáng kể vào sự sôi động của thị trường điện ảnh nước nhà.
Thời gian qua, những bộ phim ra rạp có doanh thu hàng trăm tỷ đồng xuất hiện ngày càng nhiều. Nó cho thấy sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu của các đạo diễn trẻ. Một số người cho rằng, nhiều trong số đó là phim mang yếu tố hài, giải trí đơn thuần, nhưng theo ông Tú, dòng phim nào cũng quan trọng, bởi nó tạo nên nhiều màu sắc, mang đến thực đơn phong phú hơn cho khán giả có nhiều lựa chọn khi thưởng thức.
Trên thế giới đã có những phim thành công dung hòa được yếu tố nghệ thuật và giải trí để thu hút người xem, điển hình là Titanic. Được đầu tư 230 triệu USD và 70 tiệu USD quảng cáo, phim thu về 2,2 tỉ USD và nhận được 11 giải OSCAR trong tổng số 14 đề cử, ngự trị suốt 12 năm các bộ phim Mỹ đứng đầu mọi thời đại.
Bộ phim này của Jeam Cameroon là sự tổng hòa của câu chuyện hấp dẫn, cách kể sáng tạo, nhân vật có sức sống mạnh mẽ và thông điệp nhân văn. Nếu điện ảnh Việt Nam cũng có những bộ phim dung hòa được các yếu tố đó thì chúng ta không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà còn cả khán giả toàn cầu.

“Vì vậy, nếu TPHCM gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh không chỉ là một dấu mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp sáng tạo của thành phố, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu văn hóa, thúc đẩy kinh tế sáng tạo và hội nhập quốc tế” – ông Tú nhấn mạnh.
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TPHCM cho biết, TPHCM được xem là trung tâm “nghệ thuật thứ 7” của cả nước, với hơn 100 cơ sở sản xuất và phát hành phim, trong đó có 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Thành phố cũng sở hữu 38 cụm rạp với hơn 200 phòng chiếu, phục vụ hơn 4 triệu lượt khán giả mỗi năm... Có thể nói, ngành điện ảnh TPHCM đã phát triển mạnh mẽ và đang có sức ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu.
“Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh TPHCM đến năm 2030 là trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế sáng tạo, không chỉ trong sản xuất và dịch vụ mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Và một trong những mục tiêu lớn là gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh” - đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao TPHCM cho biết.
Để điện ảnh không chỉ là ngành công nghiệp giải trí
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc TPHCM đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh là một tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện khát vọng vươn lên, hội nhập quốc tế bằng sức mạnh của văn hóa, đặc biệt là từ ngành công nghiệp sáng tạo đang phát triển nhanh chóng.
Nếu được UNESCO công nhận, TPHCM không chỉ là thành phố đầu tiên của Việt Nam mà còn là đại diện đầu tiên của Đông Nam Á đạt danh hiệu này trong lĩnh vực điện ảnh – điều đó sẽ mang lại vị thế, cơ hội và trách nhiệm rất lớn cho thành phố, cho điện ảnh và cho cả nền văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt được danh hiệu ấy một cách thực chất và bền vững, chúng ta cần nhìn rõ những thách thức đang đặt ra cho điện ảnh TPHCM hiện nay. Trong vài năm qua, điện ảnh Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã có bước phát triển mạnh về mặt thị trường và sản lượng, với nhiều bộ phim đạt doanh thu cao, quy tụ đội ngũ làm nghề trẻ, năng động, sáng tạo. Nhưng mặt khác, như UNESCO từng nhấn mạnh, một Thành phố Sáng tạo không chỉ là nơi sản xuất nhiều sản phẩm, mà còn phải là nơi điện ảnh thể hiện được chiều sâu bản sắc, là công cụ kể chuyện, lưu giữ ký ức và thúc đẩy đối thoại toàn cầu.
Theo ông Sơn, điện ảnh TPHCM vẫn đang thiên về tính giải trí thương mại, cần thêm những tác phẩm khai thác chiều sâu di sản, thể hiện bản sắc đô thị, góp phần nâng tầm văn hóa đối thoại hay phản ánh đa dạng xã hội. Muốn hướng tới tầm vóc một Thành phố Sáng tạo thực sự, chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy những bộ phim mang tính nhân văn, có chiều sâu văn hóa - những câu chuyện từ lòng đô thị, từ ký ức Sài Gòn - TPHCM, từ tinh thần dân tộc và hội nhập, để điện ảnh không chỉ là ngành công nghiệp giải trí mà còn là “nghệ thuật kể chuyện” cho đất nước, cho thế giới.

“Do đó, việc xây dựng hồ sơ UNESCO là một cơ hội rất tốt để nhìn lại tổng thể định hướng phát triển điện ảnh thành phố, trong đó cần có chính sách khuyến khích các sáng tạo gắn với bản sắc, hỗ trợ các đạo diễn, nhà biên kịch, nghệ sĩ trẻ thể nghiệm những đề tài mới mẻ, có chiều sâu, gắn với lịch sử, con người, cảnh quan, và khát vọng phát triển của thành phố. Đồng thời, TPHCM cần tăng cường liên kết quốc tế, tổ chức các diễn đàn, liên hoan phim quốc tế, đẩy mạnh đào tạo, hợp tác và đầu tư để hình thành một hệ sinh thái điện ảnh sáng tạo, đa dạng, bền vững” –ông Sơn nhấn mạnh.
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng cho rằng, mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng vẫn song hành khó khăn, bất cập. Hiện nay, lực lượng lao động trong ngành văn hóa còn thiếu đồng bộ về kỹ năng quản lý và kinh doanh chuyên nghiệp. Đồng thời, nhân lực cũng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để vận hành các mô hình tổ chức mới. Công nghệ số hóa chưa được ứng dụng rộng rãi trong âm nhạc và điện ảnh.
Ngoài ra, dù có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh theo Luật Điện ảnh nhưng chính sách này chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa chú trọng đúng mức đến đối tượng thụ hưởng. Ở công tác phối hợp, sự hợp tác giữa cơ quan và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa chưa được hiệu quả, để xây dựng thành chuỗi sản xuất văn hóa đồng bộ và chuyên nghiệp. Khó khăn lớn nhất là cơ chế chính sách và ưu đãi thuế hiện tại chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn xảy ra tràn lan, đòi hỏi phải có các biện pháp quản lý nhà nước hiệu quả hơn.
Đầu tư vào những tác phẩm có chiều sâu văn hóa
Theo tiêu chuẩn của UNESCO, trong Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo, không chỉ đánh giá ở mức độ phát triển ngành công nghiệp mà còn chú trọng đến cách thành phố đó sử dụng sáng tạo - ở đây là điện ảnh - như một phương tiện để phát huy bản sắc, di sản và đối thoại toàn cầu. Điều này đòi hỏi TPHCM phải đầu tư vào những tác phẩm có chiều sâu văn hóa, mở rộng không gian sáng tạo và khuyến khích các đạo diễn kể lại câu chuyện của thành phố không chỉ bằng hình ảnh đẹp, mà bằng thông điệp sâu sắc.
Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, thành phố cần xây dựng Quỹ Hỗ trợ phim nghệ thuật và phim kể chuyện văn hóa. Việc này có thể học tập mô hình các nước phát triển, lập quỹ hỗ trợ những dự án phim mang tính thể nghiệm, độc lập hoặc phản ánh chiều sâu lịch sử - văn hóa của thành phố.
Ngoài ra, cần phát triển cơ sở hạ tầng sáng tạo. Ở đây là việc xây dựng các không gian làm phim, trung tâm hậu kỳ, thư viện kịch bản, trường quay mở cho cộng đồng làm phim độc lập, đặc biệt là giới trẻ.
Theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, TPHCM cần xây dựng những tổ hợp sinh thái điện ảnh. Tổ hợp sinh thái điện ảnh không nhất thiết phải tập trung ở một địa điểm như Củ Chi mà có thể kết hợp Củ Chi, Cần Giờ và các nơi khác trong cùng Thành phố, liên kết với nhau để các nhà làm phim tạo nên bối cảnh cho phim. Sau khi phục vụ điện ảnh, phim trường sẽ trở thành điểm du lịch, cũng có thể trở thành bối cảnh cho những đoàn phim khác có cùng thời kì, có bối cảnh tương tự như vậy thuê, đó là giá trị cộng thêm.
“Tôi mong rằng sẽ có những bảo tàng điện ảnh, khu siêu thị bán những sản phẩm từ điện ảnh như nhiều quốc gia đã làm. Chợ phim, những liên hoan phim quốc tế cần được tổ chức ở TPHCM. Các liên hoan phim không chỉ tạo nên sự hợp tác, học tập lẫn nhau mà còn có thể giới thiệu những đại biểu ưu tú, những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu của Việt Nam đến bạn bè thế giới” - ông Tú nói.
Ngoài ra, cũng cần có các học viện đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh, truyền hình. Học viện đào tạo đó rất cần thiết cho cấu thành của một thành phố sáng tạo điện ảnh của UNESCO sẽ vinh danh. Tức là nó phải đầy đủ nguồn nhân lực, công nghệ, phim trường và các chính sách ưu đãi của Nhà nước, địa phương.
TS Nguyễn Thị Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Bộ VHTTDL đánh giá rất cao nỗ lực của TPHCM khi vượt qua áp lực về tiến độ thời gian, để thực hiện quyết tâm mạnh mẽ về việc nộp đơn gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.

“Việc lựa chọn điện ảnh, ngành nghệ thuật mang tính tổng hợp, có sự kết nối chặt chẽ với văn học, âm nhạc, thiết kế, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông, kiến trúc…vừa tạo ra những giá trị tinh thần, có sức lan tỏa mạnh mẽ, gắn kết các cộng đồng trong xã hội, vừa tạo ra giá trị kinh tế đo đếm được vào GRDP của TPHCM, được kỳ vọng sẽ tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo”- TS Hòa nhìn nhận.
Cũng theo bà Hòa, việc gia nhập Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO được kỳ vọng sẽ giúp công nghiệp âm nhạc và điện ảnh của TPHCM mở ra nhiều cơ hội: Đẩy mạnh sự sáng tạo, gia tăng giá trị đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo cho nền kinh tế địa phương, tạo việc làm, doanh thu, tăng cường tính cạnh tranh của thành phố.
Bên cạnh đó còn tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia đời sống văn hóa của cộng đồng, tăng cường kết nối xã hội thông qua sáng tạo, tạo dựng niềm tự hào về vốn sáng tạo và tài sản văn hóa thành phố, khơi gợi sức sáng tạo, cống hiến của cộng đồng địa phương. Bảo vệ, duy trì và phát huy sự đa dạng, độc đáo về văn hóa, tạo dựng các không gian sáng tạo mới.