Kinh tế

Sản xuất sạch để phát triển bền vững

Thanh Tiến (thực hiện) 10/05/2025 08:05

Các địa phương miền Tây đang vào mùa thu hoạch rộ sầu riêng, sản lượng dồi dào trong khi sức mua chậm, giá giảm sâu do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn. Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Tấn Lợi – Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, ngành hàng sầu riêng cần sản xuất sạch hơn để phát triển bền vững.

ông Lợi
Ông Võ Tấn Lợi.

PV: Tiền Giang được xem là thủ phủ sầu riêng của ĐBSCL. Về những diễn biến của giá mặt hàng này hiện nay, ông có nhận định thế nào, thưa ông?

Ông Võ Tấn Lợi: Đây là thời điểm giá sầu riêng thấp nhất trong vòng 3 năm kể từ khi loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. So với cùng kỳ năm ngoái, giá sầu riêng chỉ còn phân nửa. Giá thu mua sầu riêng loại A còn khoảng 53.000 đồng/kg. Còn nếu mua toàn vườn thì dao động từ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Với mức giá này nhà vườn vẫn có lãi nhưng lãi rất thấp. Hiện sầu riêng miền Tây đang vào chính vụ, tình hình kéo dài khiến người trồng sầu riêng hoang mang.

Nguyên nhân nào khiến giá sầu riêng lao dốc mạnh, thưa ông?

- Giá sầu riêng giảm mạnh là do Trung Quốc – thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam siết chặt quy trình kiểm soát từ đầu năm. Họ tăng cường các biện pháp kiểm định liên quan đến chất vàng O (Auramine O, chất dùng tạo màu trong công nghiệp) và dư lượng kim loại nặng cadimi. Các lô hàng bị phát hiện có chứa các chất này sẽ không được thông quan và bị trả về.

Chất vàng O do mình nhúng thuốc cho trái đẹp, bây giờ không nhúng nữa thì không bị nhiễm. Do đó, vấn đề nhiễm chất vàng O cơ bản đã được khắc phục. Hiện chỉ còn vấn đề nhiễm cadimi là chưa có cách khắc phục ngay được.

duoi(2).jpg
Trúng mùa sầu riêng nhưng nông dân không vui vì giá giảm sâu. Ảnh: Minh Khiết

Chỉ tính riêng tại khu vực Cai Lậy (Tiền Giang) có hàng trăm doanh nghiệp (DN) thu mua, nhưng tôi đi khảo sát thì thấy hiện tại số lượng DN thu mua không nhiều do tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn. Trong 10 xe container sầu riêng thì có đến 9 container bị trả về. Tổng chi phí cho sầu riêng và vận chuyển từ Tiền Giang ra đến cửa khẩu tốn khoảng 2 tỷ đồng. Nếu bị trả lại, DN sẽ phải bóc cơm trữ đông và bị lỗ một nửa tiền vốn. Hiện nay, phần lớn các DN đang phải thu mua sầu riêng về để bóc cơm trữ đông.

Hiệp hội Sầu riêng Tiền Giang có những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng sầu riêng thời gian tới?

- Để hướng đến phát triển lâu dài cho ngành hàng sầu riêng thì bắt buộc trái sầu riêng khi đưa ra thị trường phải là trái sầu riêng sạch. Hiệp hội kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thử nghiệm mô hình canh tác sầu riêng sạch. Mô hình này đang được triển khai ở huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy. Chúng tôi hy vọng mùa tới sẽ có kết quả. Nếu quả sầu riêng của mô hình không còn nhiễm cadimi, chúng tôi sẽ nhân rộng ra.

Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến khích các hợp tác xã trong Hiệp hội sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, các hợp tác xã nên nhờ các phòng nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn hỗ trợ thêm kỹ thuật cho nhà vườn để hướng đến sản xuất ra các sản phẩm sạch, không tồn dư các chất cấm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Tiến (thực hiện)