Tinh hoa Việt

Xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế

Ngọc Hà 10/05/2025 10:21

Bộ ba đột phá Việt Nam đang thực hiện là: sắp xếp bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; Đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân - động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Đây là ý kiến của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại hội thảo quốc tế “Xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả: Kinh nghiệm của Việt Nam, Lào và Australia” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, tổ chức mới đây.

img_8290.jpeg
Hội thảo Khoa học Quốc tế về Xây dựng nền hành chính công hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ ba đột phá của Việt Nam

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, tại Việt Nam, công cuộc cải cách hành chính (CCHC) gắn bó chặt chẽ với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

img_8288(1).jpeg
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng.

Qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong CCHC với ba chuyển đổi lớn: Chuyển đổi từ nền hành chính gắn với cơ chế kế hoạch hóa, tập trung sang nền hành chính phù hợp với cơ chế thị trường; chuyển đổi từ nền hành chính điều hành sang nền hành chính kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp; chuyển đổi sang nền hành chính số hiện đại, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Hiện tại Việt Nam đang tập trung tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh khoa học công nghệ và chuyển đổi số, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại với nhiều cơ hội và nhiều thách thức chưa từng có, ba quá trình chuyển đổi nói trên là chiến lược giúp nền hành chính công của Việt Nam tránh nguy cơ rơi vào tình trạng “tụt hậu kép” – đó là: tụt hậu về thể chế, về công nghệ và về quản trị; từng bước xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả làm bệ phóng cho việc triển khai thành công những quyết sách mang tính lịch sử, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Chia sẻ về bộ ba đột phá mà Việt Nam đang quyết liệt tiến hành, đó là: đột phá về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và đột phá về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Kinh nghiệm quốc tế trong cải cách hành chính công

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, việc tăng cường hợp tác quốc tế là chìa khoá quan trọng để nâng cao chất lượng cải cách hành chính công. Việt Nam đang chủ động tham gia sâu vào các mạng lưới quốc tế về hành chính công, quản trị tốt, chính phủ mở, chuyển đổi số trong khu vực và toàn cầu, để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến, đồng thời thúc đẩy các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo chuyên gia hành chính công hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển của mình.

Những Hội thảo quốc tế như vậy không chỉ tạo diễn đàn trao đổi học thuật và thực tiễn quý báu giữa Việt Nam, Lào và Australia, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị công, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho mỗi quốc gia trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ và đóng góp vào sự tiến bộ chung của khu vực và thế giới.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, trong những năm qua, Lào đã luôn sát cánh cùng Việt Nam trong tiến trình đổi mới bộ máy hành chính, tập trung vào tinh gọn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt ở khu vực nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.

img_8289(1).jpeg
Bà Renee Deschamps.

Trong khi đó, Australia nổi bật với mô hình quản trị linh hoạt giữa chính phủ liên bang và các bang, lấy chính quyền địa phương làm trung tâm trong cung cấp dịch vụ công. Chính phủ Australia cũng đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ, trao quyền tự chủ về ngân sách, nhân sự cho các cấp và xây dựng một nền văn hóa công vụ hiện đại, minh bạch, liêm chính, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo phục vụ.

Bà Renee Deschamps, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, Australia coi trọng vai trò quan trọng của Việt Nam và Lào trong tiểu vùng sông Mekong: "Các nhà lãnh đạo ở cả Việt Nam và Lào đều coi hợp tác ba bên với Australia là một cách hỗ trợ các ưu tiên chiến lược của khu vực. Những cuộc trao đổi như thế này cho phép chúng ta học hỏi lẫn nhau, chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng, và đưa chúng ta lại gần nhau hơn trong hợp tác chung và tầm nhìn chung của chúng ta đối với tiểu vùng sông Mekong".

Các tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ ba quốc gia đã tập trung phân tích sâu sắc những mô hình thành công, thách thức và cơ hội trong tiến trình xây dựng nền hành chính công hiện đại, phù hợp với đặc thù phát triển của từng nước.
Các nội dung thảo luận tại tọa đàm bàn tròn đã đi sâu vào nhiều chủ đề thực tiễn như: những đột phá gần đây trong CCHC ở Việt Nam; cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách hành chính; mong đợi của doanh nghiệp đối với một nền hành chính hiện đại; Vai trò của CCHC trong việc xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam; các nội dung CCHC được đẩy mạnh tại Lào và những thách thức gặp phải; bài học kinh nghiệm từ Australia trong cải cách khu vực công; Cơ chế hợp tác ba bên trong đào tạo quản trị hành chính hiện đại…

Ngọc Hà