Kinh tế

Không đổi mới, doanh nghiệp tự đánh mất mình

H.Hương 12/05/2025 07:28

Chỉ khoảng 26% doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế, cho thấy đây là một vấn đề khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với các thị trường yêu cầu cao về ESG và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

Công nghệ là yếu tố sống còn

Ông Mạc Quốc Anh - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, nhìn nhận, trung tâm sáng tạo doanh nghiệp là “cỗ máy kiến tạo giá trị” và “tế bào” của nền kinh tế. Doanh nghiệp (DN) phải tự đổi mới sáng tạo khi khu vực tư nhân, sở hữu 70% nguồn lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). Do vậy không đổi mới, DN tự đánh mất mình.

Chưa kể Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chính sách mở cửa hội nhập, tốc độ số hóa và lợi thế về dân số trẻ. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng đạt 40-45 tỷ USD/năm giai đoạn 2025-2030. Các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, fintech, edtech và công nghệ y tế là “mũi nhọn” tiềm năng đưa Việt Nam vươn cao trên bản đồ công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.

Ông Lê Hồng Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP MISA cho biết, ngày nay, phương thức sản xuất số là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của DN và đây chính là điểm chuyển biến căn bản về tư duy và hành động. Trong kỷ nguyên của phương thức sản xuất số, việc ứng dụng các công nghệ mới nhất như AI vào kinh doanh sản xuất ngày càng trở thành yếu tố then chốt.

“AI là xu thế tất yếu, đòi hỏi DN nhanh chóng thích nghi để duy trì lợi thế cạnh tranh. DN cần phổ cập AI trong quản trị để nâng cao hiệu suất, xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu và đẩy mạnh chuyển đổi số với nền tảng điện toán đám mây tích hợp AI. Cùng với đó, các DN cần rà soát liên tục và có kế hoạch ứng dụng AI vào từng quy trình sẽ giúp tối ưu hiệu quả vận hành và quản lý” - Tổng Giám đốc MISA nói.

Kỳ vọng đóng góp 3% cho tăng trưởng GDP quốc gia

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo được kỳ vọng là đóng góp 3% cho tăng trưởng GDP quốc gia. DN chuyển từ mua và sử dụng công nghệ sang tự nghiên cứu, cải tiến, phát triển công nghệ lõi, đặc biệt là các công nghệ mới nổi như AI, công nghệ môi trường.

Ông Nghiệm đưa ra lời khuyên, nên phát triển DN theo hướng linh hoạt, dữ liệu hoá, kết nối chuỗi giá trị thông minh, thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Và để DN đổi mới, cơ quan quản lý cần tạo lập khung pháp lý linh hoạt, thuận lợi cho các hoạt động thử nghiệm sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, bảo hộ tài sản trí tuệ.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, bản thân DN đã ý thức được phải đổi mới sáng tạo, song các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo có sự phân tán, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong khi sự kết nối giữa các đơn vị này còn không ít hạn chế, thách thức. DN gặp lúng túng khi muốn triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo bởi không biết làm theo đâu.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong triển khai đổi mới sáng tạo vừa nhiều, vừa thiếu. Nhiều vì lẻ tẻ, phân tán ở nhiều lĩnh vực, do các bộ, ngành, địa phương khác nhau quản lý, khiến DN gặp khó khăn trong nhận diện các chính sách để tận dụng. Còn thiếu là thiếu hệ thống cơ chế, chính sách có sự liên kết mang tính tập trung, bài bản để DN tiếp cận thuận lợi. "DN đang bơi trong hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, chẳng biết cách nào để thụ hưởng.

Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) Nguyễn Thy Nga từng có phân tích, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần tạo ra sự kết nối 2 chính sách quan trọng là thu hút nguồn lực tri thức, hỗ trợ nâng cao vai trò của doanh nhân trong thời đại mới. Muốn đổi mới sáng tạo thành công, cần tập trung vào 3 vấn đề, gồm: Tăng năng suất lao động, tăng nguồn thu, tăng nhận diện thương hiệu.

Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là tất yếu. Nếu Việt Nam không chớp cơ hội này sẽ không còn cơ hội khác.

H.Hương