Mặt trận

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo: Chung tay vì cuộc sống ấm no của nhân dân

Tuệ Phương (thực hiện) 12/05/2025 09:00

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những mục tiêu lớn mà tỉnh Yên Bái quyết tâm thực hiện. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào cùng chăm lo cho đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng ông Phùng Quang Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái.

anh nho
Ông Phùng Quang Huy.

PV: Thưa ông, được biết trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã phát huy tích cực vai trò của mình trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Xin ông chia sẻ khái quát về kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được trong thời gian gần đây?

Ông Phùng Quang Huy: Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của MTTQ các cấp trong tỉnh Yên Bái. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là với cấp ủy, chính quyền các huyện, thị, thành phố để triển khai đồng bộ chương trình.

Tính đến tháng 4/2025, tỉnh Yên Bái đã triển khai mạnh mẽ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch trong năm. Theo Quyết định số 150/QĐ-UBND ngày 23/1/2025, tổng số nhà cần hỗ trợ trên toàn tỉnh là 2.208 căn, trong đó xây mới 1.815 nhà và sửa chữa 393 nhà, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 120,69 tỷ đồng. Để hỗ trợ các địa phương triển khai, tỉnh đã tạm cấp hơn 42,85 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, nguồn tiết kiệm chi 5% năm 2024 và Quỹ “Vì người nghèo”. Tỉnh Yên Bái cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6/2025. Các căn nhà xây mới và sửa chữa đều phải đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” gồm: tường, nền và mái kiên cố, nhằm đảm bảo an toàn và ổn định lâu dài cho người dân.

Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng hành, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như vai trò của MTTQ trong thực hiện nhiệm vụ này.

Xin ông chia sẻ về cách làm của Mặt trận Yên Bái để huy động được sự đồng thuận, chung tay của cộng đồng?

Việc huy động nguồn lực trong bối cảnh hiện nay là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, bằng cách làm bài bản, chủ động và linh hoạt, MTTQ các cấp trong tỉnh đã từng bước tạo dựng được niềm tin và sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội. Trước hết, chúng tôi xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình. Từ tỉnh đến cơ sở, Mặt trận đã đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa thông tin, khơi gợi tinh thần trách nhiệm, sẻ chia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Mặt khác, MTTQ các cấp cũng công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng các nguồn lực vận động. Cán bộ Mặt trận thường xuyên cập nhật danh sách các hộ được hỗ trợ, tiến độ xây dựng từng căn nhà, chi tiết từng khoản thu, chi để tạo niềm tin. Việc phân công giám sát chặt chẽ từ khâu khảo sát, xét chọn đến thi công, nghiệm thu, bàn giao nhà cũng được thực hiện nghiêm túc, dân chủ. Ngoài ra, chúng tôi cũng linh hoạt trong phương thức hỗ trợ. Không chỉ hỗ trợ tiền mặt mà còn hỗ trợ vật liệu xây dựng, nhân công; thậm chí vận động cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên tham gia ngày công lao động để giúp các hộ dân xây dựng nhà ở. Nhờ đó, hiệu quả sử dụng nguồn lực được nâng cao rõ rệt.

anh chinh
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái trao hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình ông Hà Văn Ắt, thôn bản Cóc, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh: T. Tuyến.

Trong quá trình triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đâu là những khó khăn, thách thức mà Mặt trận các cấp gặp phải? Yên Bái đã có giải pháp gì để khắc phục những vướng mắc này, thưa ông?

Có thể nói, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa đòi hỏi tính kỹ thuật và quản lý rất cao. Trong quá trình triển khai, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là điều kiện địa hình của Yên Bái, đặc biệt ở các huyện vùng cao như Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn... giao thông đi lại khó khăn, việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào các thôn, bản vùng sâu, vùng xa mất rất nhiều công sức và chi phí. Thứ hai, một số hộ nghèo tuy có tên trong danh sách nhưng điều kiện nhân lực hoặc mặt bằng để xây dựng chưa đảm bảo, hoặc có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí xã hội hóa có thời điểm chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, trong khi nhu cầu vẫn còn rất lớn. Để khắc phục những khó khăn trên, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo sát sao công tác điều phối, ưu tiên hỗ trợ các hộ ở vùng đặc biệt khó khăn trước; đồng thời phát động các phong trào vận động ủng hộ mang tính lan tỏa cao như “Tháng cao điểm vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo”… Qua đó, MTTQ còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể huy động ngày công lao động hỗ trợ người dân. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường vai trò của các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, tổ chức họp dân, lấy ý kiến công khai, minh bạch để người dân hiểu, đồng thuận và cùng vào cuộc.

Với những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, ông có thể chia sẻ phương hướng, mục tiêu trong thời gian tới của tỉnh Yên Bái trong việc tiếp tục xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân?

Trong thời gian tới, chúng tôi xác định tiếp tục đẩy mạnh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo hướng bền vững, thiết thực và hiệu quả, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Trọng tâm là tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, cập nhật danh sách hộ cần hỗ trợ một cách công khai, minh bạch. Cùng với đó là phát động các đợt cao điểm vận động nguồn lực xã hội hóa, tranh thủ các nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm và bà con kiều bào. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng đang triển khai mô hình “Ngôi nhà hạnh phúc”, nhà ở gắn với các điều kiện sinh hoạt cơ bản như điện, nước, nhà vệ sinh và kết nối hạ tầng thông tin nhằm bảo đảm sự tiếp cận dịch vụ thiết yếu cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Đặc biệt, Yên Bái sẽ gắn chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đồng thời, tăng cường sự giám sát của nhân dân, sự vào cuộc của cộng đồng để mỗi căn nhà không chỉ là nơi ở mà còn là nền tảng vững chắc cho người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cả nước có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát

Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo), tính đến ngày 7/5/2025, cả nước có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát . Cụ thể, có 6 địa phương báo cáo không còn nhà tạm, nhà dột nát ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Có 4 địa phương đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả 3 nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng, các hộ thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, và các hộ thuộc Chương trình do Nhà nước phát động. Các địa phương này là: Bắc Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa và Tây Ninh. Ngoài ra, 5 địa phương đã công bố hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo và cận nghèo theo Chương trình phát động, gồm: Thái Nguyên, Kiên Giang, Bình Phước, Vĩnh Long và Trà Vinh. Tại các địa phương này vẫn còn hai nhóm đối tượng chưa được hỗ trợ đầy đủ do chưa được bố trí kinh phí: Người có công với cách mạng và các hộ thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tính đến đầu tháng 5/2025, tổng số nhà tạm, nhà dột nát đã được hỗ trợ xóa bỏ trên cả nước là gần 209.000 căn. Trong đó, khoảng 111.000 căn đã được khởi công và khánh thành, còn 98.000 căn đang trong quá trình xây dựng.

Lê Na

Tuệ Phương (thực hiện)