Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo: Nhiều cánh tay có ngay nhiều mái ấm
Khi cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng hành động bằng quyết tâm và trách nhiệm, hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã, đang hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho hàng nghìn người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Từ những căn nhà tạm, xiêu vẹo ở Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Bình đến những mái lá dột nát vùng Trung Trung bộ, giấc mơ về một nơi che mưa che nắng bao năm ám ảnh những phận đời nghèo khó giờ đây đã trở thành hiện thực.

Hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu hỗ trợ xóa toàn bộ 2.106 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, với mức kinh phí hỗ trợ cao hơn quy định chung, quyết tâm hoàn thành việc hỗ trợ theo đúng hạn định đặt ra.
Ở thời điểm chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến ngày 20/6/2025 – thời hạn mà Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Bình “ấn định”, toàn tỉnh phải hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa 2.106 ngôi nhà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình Vũ Thanh Vân đã thể hiện sự “sốt ruột”. Dù Đề án đã và đang được triển khai nhanh chóng, quyết liệt, đến đầu tháng 5/2025, toàn tỉnh đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 60% số nhà cần hỗ trợ. Số còn lại hầu hết đã khởi công, nhưng theo cập nhật của cơ quan chức năng, đến ngày 8/5, toàn tỉnh vẫn còn 3 ngôi nhà (trong tổng số 2.106 ngôi nhà thuộc diện hỗ trợ) chưa hoàn thiện thủ tục để tỉnh xét duyệt đưa vào diện hỗ trợ, chưa được khởi công (2 nhà ở xã Trà Giang, huyện Kiến Xương và 1 nhà ở xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà). Theo tính toán, nếu sửa chữa một ngôi nhà chỉ mất khoảng 15 - 20 ngày là hoàn thành, nhưng nếu xây mới phải mất 2 tháng. Đến thời điểm này, những nhà chưa khởi công thì khó có thể hoàn thành trước ngày 20/6.
3 ngôi nhà chỉ là số ít trong hơn 2.000 ngôi nhà trên toàn tỉnh Thái Bình đã và đang được xây mới, sửa chữa. Nhưng chỉ cần 3 ngôi nhà không hoàn thành đúng tiến độ, đồng nghĩa cả tỉnh sẽ không hoàn thành đúng tiến độ và hạn định, khiến lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh “sốt ruột”. Chính vì vậy, ngay trong sáng 8/5, hai chiếc xe ô tô chở Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Mạnh Cường và một số cán bộ chuyên môn của hai cơ quan đã khẩn trương xuất phát từ TP Thái Bình, hướng về các địa chỉ trên để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc…
Tuy nhiên, khi đến xã Trà Giang, qua nghe lãnh đạo xã báo cáo và khi trực tiếp kiểm tra tại gia đình bà Nguyễn Thị Huê ở thôn Thuyền Định và gia đình bà Phạm Thị Xuân ở thôn Lãng Đông (hai hộ thuộc diện được tỉnh hỗ trợ sửa chữa nhà dịp này), cả đoàn cùng “thở phào”. Vì đến nơi mới hay hộ bà Huê vừa thu dọn xong đồ đạc ra khỏi ngôi nhà, trong nhà chỉ còn ban thờ, có nén hương vừa được gia chủ thắp để kính cáo tổ tiên rằng ngày 9/5 con cháu sẽ dỡ căn nhà đã cũ nát để sửa chữa. Đến hộ bà Xuân, không khí còn vui hơn vì ngôi nhà cũ của bà đã được chính quyền, MTTQ địa phương và xóm giềng khởi công sửa chữa từ hôm trước, cả chục người đang tập trung xây, trát. Mọi người, nhất là bà Xuân, đều bất ngờ trước sự xuất hiện của đoàn công tác. Họ tạm dừng tay, trả lời những lời thăm hỏi, động viên của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Với không khí khẩn trương trên công trình, chỉ ít ngày nữa bà Xuân sẽ có nhà ở khang trang.

Rời nhà bà Xuân, đoàn công tác lại vượt mấy chục kilomet để đến thôn Bùi Minh (xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà) - nơi có hộ ông Tiêu Văn Kinh thuộc diện được hỗ trợ xây mới nhà ở, nhưng vì lý do nào đó thủ tục xét duyệt vẫn chưa được hoàn thiện. Nhưng đến nơi mới hay đó chỉ là lỗi kỹ thuật, thực tế đến thời điểm này, chính quyền địa phương và gia đình ông Kinh đã thực hiện cơ bản xong việc sửa chữa ngôi nhà. Vấn đề chỉ là gia đình ông Kinh thuộc diện được hỗ trợ xây mới nhà ở. Tuy nhiên, đang trong quá trình triển khai thì vợ ông Kinh phát bệnh, phải nhập viện điều trị, trong khi một người con của ông cũng đang phải điều trị chạy thận. Gia đình có nguyện vọng tham gia Chương trình với diện được hỗ trợ sửa chữa thay vì xây mới, vì muốn dành tiền để lo chuyện thuốc thang. Thủ tục xét duyệt do vậy cần phải điều chỉnh.
Trong ngôi nhà vừa được nâng cấp, mái được lợp lại bằng tôn, nền nhà được lát gạch hoa, tường được ốp nhựa, sân vườn rộng rãi, sạch sẽ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Thanh Vân thăm hỏi, động viên gia đình ông Kinh vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Nhắc lại ý nghĩa nhân văn của Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Bình đang cùng cả nước tích cực triển khai, trong đó mức kinh phí hỗ trợ của tỉnh cao hơn mức tối thiểu Chính phủ quy định, ông vừa thân mật vừa hài hước: “Nhà bác thuộc diện hỗ trợ sửa chữa, nếu được cấp 49 triệu đồng thì bác phải “đòi thêm” 1 triệu đồng cho đủ, còn nếu được cấp 51 triệu đồng thì bác phải trả lại 1 triệu đồng cho tỉnh.” Mọi người cùng cười vui vẻ.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, những trường hợp thay đổi diện hỗ trợ như trường hợp của gia đình ông Kinh không hiếm. Theo báo cáo của chính quyền địa phương, ngay tại xã Duyên Hải lại có trường hợp một hộ ban đầu được xét hỗ trợ sửa chữa nhà nhưng khi tháo dỡ thì công trình không đảm bảo chất lượng, buộc phải xây mới thay vì sửa chữa; quy trình đăng ký và xét duyệt hỗ trợ, do vậy cũng phải điều chỉnh. Chính vì vậy, tại các nơi đến kiểm tra, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình luôn lưu ý chính quyền cơ sở, chính quyền huyện phải sâu sát thực tiễn, một mặt phải hoàn thiện đầy đủ, sớm các quy trình thủ tục để tỉnh có cơ sở xét duyệt hỗ trợ, một mặt phải đảm bảo các điều kiện mặt bằng thi công, không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại về đất đai, mặt khác phải thường xuyên thăm hỏi, động viên, đôn đốc các hộ được hỗ trợ tập trung thi công nhằm đảm bảo tiến độ chung của toàn tỉnh.
Sau chuyến công tác, cả đoàn trở về TP Thái Bình trong tâm trạng phấn khởi, vì đến thời điểm này toàn tỉnh không còn ngôi nhà nào trong số 2.106 ngôi nhà cần sửa chữa, xây mới chưa được khởi công, mục tiêu toàn tỉnh hoàn thành thi công trước ngày 20/6 hoàn toàn khả thi. Không khí còn vui hơn khi ngay trên đường, đoàn cập nhật được những thông tin tích cực về kết quả vận động hỗ trợ xóa nhà dột nát.
Theo đó, đến thời điểm ngày 8/5, thông qua MTTQ tỉnh, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã gửi ủng hộ tổng số 58 tỷ đồng, góp sức cùng ngân sách tỉnh xóa nhà dột nát cho người nghèo. Không chỉ có vậy, hàng nghìn ngôi nhà tạm, nhà dột nát ở tỉnh Thái Bình còn đang được sửa chữa, xây mới từ những đóng góp thầm lặng, không một báo cáo nào có thể thống kê hết.
Còn nhớ, lúc ở công trình sửa chữa nhà của bà Phạm Thị Xuân (xã Trà Giang, huyện Kiến Xương), thấy ông Phạm Văn Phiên đang xây, trát tường nhà, mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi hỏi thăm: “Bác làm thế này ngày công được tính thế nào?”. Ông Phiên cười lớn, trả lời: “Tôi là hàng xóm của bà Xuân, bà ấy sống một mình, nay có việc lớn, tôi thạo việc vôi vữa nên sang làm giúp, công cán gì đâu”. Những lời mộc mạc của ông Phiên làm chúng tôi nhớ hơn một năm trước, khi phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít sau khi nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp của phong trào. Và giờ đây, ngay tại công trình hỗ trợ sửa chữa nhà cho một phụ nữ đơn thân nghèo ở một làng quê của tỉnh Thái Bình, tinh thần “có gì góp nấy” được ông Phiên thể hiện một cách tự nhiên, tự nguyện với xóm giềng của mình, thiết thực góp phần làm nên sự thành công của phong trào xã hội mang đậm ý nghĩa nhân văn này.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 6/11/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo sửa chữa, xây mới 2106 ngôi nhà (xây mới 1.164 nhà; sửa chữa 942 nhà); mức hỗ trợ nhà xây mới 100 triệu đồng, nhà sửa chữa 50 triệu đồng (cao hơn quy định chung của Chính phủ). Kinh phí thực hiện từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát; ngân sách các cấp trong tỉnh; nguồn vận động ủng hộ thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nguồn gia đình tự có. Tổng kinh phí hỗ trợ là 163,5 tỷ đồng. Ngay sau đó, tỉnh Thái Bình đã phát động 300 ngày cao điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Cùng thời điểm này, tỉnh Thái Bình cũng đang triển khai đề án hỗ trợ xây mới, sửa chữa 936 căn nhà cho người có công, thân nhân liệt sĩ.