Thủ tướng dự lễ khởi công tuyến đường cao tốc qua địa bàn Nam Định, Thái Bình
Sáng 12/5, tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn các tỉnh Nam Định, Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú (Thái Bình).

Thông tin tại lễ khởi công cho biết, tuyến đường cao tốc nối tỉnh Ninh Bình với TP Hải Phòng (cao tốc CT.08) dài 117 km, là trục giao thông chiến lược, kết nối các tỉnh khu vực phía nam sông Hồng, Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), sân bay quốc tế Cát Bi, Vân Đồn, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, mở ra không gian phát triển mới cho Vùng phía nam Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ nói chung, các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình nói riêng.
Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình dài hơn 25 km (điểm đầu tại nút giao Mai Sơn nối với tuyến cao tốc Bắc Nam; điểm cuối kết nối với cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình với Nam Định, vốn đầu tư 6.865 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách tỉnh Ninh Bình) đã được khởi công ngày 19/4; đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng, Chính phủ đã giao cho thành phố triển khai đầu tư.
Riêng đoạn qua địa bàn các tỉnh Nam Định, Thái Bình (khởi công hôm nay) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 25/12/2023; được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); dài 60,9 km (qua Nam Định 27,6 km, qua Thái Bình 33,3 km); có điểm đầu tại đầu cầu vượt sông Đáy (xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định); điểm cuối tại nút giao giữa QL 37 mới và đường ven biển (xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình); được thiết kế 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc 120 km/h; thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2027.
Dự án tổng vốn đầu tư hơn 19.784 tỷ đồng (trong đó phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp 10.447,56 tỷ đồng (52,8%); vốn nhà nước 9.337 tỷ đồng (47,2%), trong đó vốn Trung ương 6.200 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Thái Bình 1.462 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Nam Định 1.675 tỷ đồng). Dự án được Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, UBND tỉnh Nam Định là cơ quan phối hợp; tập đoàn Geleximco cùng liên danh là chủ đầu tư.
Thông tin tại sự kiện cũng cho biết, Dự án khu công nghiệp Hưng Phú (nằm trong Khu kinh tế Thái Bình) rộng hơn 200 ha, cũng do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư, vốn đầu tư hạ tầng gần 2.000 tỷ đồng, có vị trí chiến lược, tiếp giáp với vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là 2 dự án quan trọng, rất ý nghĩa với tỉnh Thái Bình nói riêng, vùng Duyên hải Bắc bộ nói chung; nhìn nhận nút thắt cản trở phát triển công nghiệp của Thái Bình, Nam Định lâu nay chính là giao thông, để tháo gỡ cần phải có tuyến đường cao tốc kết nối giữa các địa phương trong vùng, kết nối với các cửa khẩu, sân bay, cảng biển trong vùng, kết nối với 3 cực tăng trưởng phía bắc là Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng và kết nối quốc tế, từ đó tạo đột phá phát triển cho các địa phương. Theo Thủ tướng, khi Việt Nam đề xuất với Thủ tướng Singapore xây dựng khu công nghiệp VSIP tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, phía bạn cũng đề nghị phải phát triển giao thông kết nối ở khu vực này.

Theo Thủ tướng, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu phí dài, để có đủ điều kiện khởi công dự án này, các cơ quan đã phải cùng nhau xử lý một khối lượng lớn công việc để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc như cơ chế chính sách, công tác quy hoạch, lập cũng như điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn.
Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao các tỉnh Thái Bình, Nam Định, các bộ ngành, chủ đầu tư đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hôm nay dự án được khởi công; cảm ơn nhân dân nơi dự án đi qua đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà cửa, nơi sinh sống để có mặt bằng triển khai.
Thủ tướng lưu ý tỉnh Thái Bình phải sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án, bảo đảm chặt chẽ. Quá trình thi công chú trọng các biện pháp kỹ thuật để xử lý nền đất yếu; đảm đủ nguồn cát, nguyên vật liệu cho dự án trong bối cảnh tỉnh hạn chế về nguyên vật liệu; bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, an toàn, vệ sinh môi trường; bảo đảm đời sống người dân bị ảnh hưởng, nhường mặt bằng cho dự án; không để bị đội vốn, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm…
Với khu công nghiệp Hưng Phú, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Bình, các bên liên quan thực hiện tốt hơn nữa mô hình hợp tác công tư, tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, phát triển theo hướng xanh, số, bền vững.
Theo Thủ tướng, khởi công mới là bước khởi đầu; Thủ tướng đề nghị thời gian tới các nhà đầu tư, nhà thầu giữ đúng cam kết, khẩn trương huy động tối đa máy móc, nhân lực để tổ chức thi công trên tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Các bộ, ngành liên quan cắt giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật; kiên quyết không đùn đẩy, né tránh công việc.
Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xuống tận công trình để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, động viên nhà đầu tư, nhà thầu, cán bộ, công nhân, người lao động; quan tâm đời sống của người dân; tháo gỡ vấn đề nguyên vật liệu; khẩn trương quy hoạch để khai thác, phát huy tối đa lợi ích từ tuyến cao tốc.
Từ thực tế, kinh nghiệm thi công nhiều dự án cao tốc trên cả nước, Thủ tướng đề nghị các bên liên quan rút ngắn thời gian thi công cao tốc CT.08 đoạn qua Nam Định, Thái Bình ít nhất 6 tháng, phấn đấu hoàn thành ngay trong năm 2026.
Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, TP Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với nhau để khai thác hiệu quả tuyến đường huyết mạch quan trọng này