Bảo vệ người tiêu dùng đúng cách
Cho ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm: Người nổi tiếng (người mẫu, ca sĩ, diễn viên, người ảnh hưởng rộng trên mạng xã hội...) phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi quảng cáo sai sự thật. Đồng thời cần tăng mức xử phạt hành chính khi những người này vi phạm, thậm chí cấm người không có chuyên môn được quảng cáo những sản phẩm chuyên ngành vì họ không thể tự “kiểm nghiệm” chất lượng dẫn đến gây hại cho người tiêu dùng.
Cũng có ý kiến cho rằng, khi sản phẩm bị quảng cáo thổi phồng, không đúng với thực tế thì trách nhiệm chính thuộc về cơ sở sản xuất, chứ những người nổi tiếng “vô can” vì họ chỉ quảng cáo dựa trên “giấy tờ hợp pháp” do doanh nghiệp cung cấp. Hơn nữa, tự thân những người nổi tiếng cũng không có chuyên môn sâu để xác định chất lượng thực sự. Vì thế, việc dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo quy định người nổi tiếng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng khi quảng cáo sai sự thật sẽ khiến họ “bị oan uổng”.
Xin thưa ngay rằng, việc dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo đưa ra quy định buộc người nổi tiếng phải bồi thường cho người tiêu dùng khi quảng cáo sai sự thật là hoàn toàn có cơ sở và hết sức đúng đắn. Bởi lẽ, thực tế thời gian qua cho thấy nhiều người nổi tiếng đã cố tình dùng ảnh hưởng của bản thân với cộng đồng xã hội để thổi phồng công dụng, tính năng sản phẩm dù biết rằng đó là sai sự thật, bất chấp hậu quả mà người tiêu dùng phải gánh: Thiệt hại về kinh tế, nguy hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng bị đe dọa.
Dĩ nhiên, nếu người nổi tiếng chỉ quảng cáo đúng với những gì trên “giấy tờ hợp pháp” mà doanh nghiệp cung cấp (mà không vống lên) thì họ sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Trong trường hợp này, cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với người tiêu dùng, cũng như trước pháp luật. Bởi thế mới nói, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo quy định buộc người nổi tiếng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi quảng cáo sai sự thật là hoàn toàn chuẩn xác.
Nhiều đại biểu Quốc hội còn cho rằng, bên cạnh việc yêu cầu người nổi tiếng phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi quảng cáo sai sự thật, còn cần tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính, nếu cần truy cứu trách nhiệm hình sự mới đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Liên quan đến vấn đề này, dư luận xã hội cũng hoàn toàn đồng tình, nhất trí với quan điểm mà các đại biểu Quốc hội đưa ra. Dĩ nhiên rồi, bởi lâu nay có không ít người nổi tiếng đã lợi dụng uy tín mà cộng đồng dành cho họ để gây hại cho người tiêu dùng.
Còn về ý kiến của một đại biểu Quốc hội đề nghị Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung) cần thêm quy định: Cấm người nổi tiếng không có chuyên môn quảng cáo những sản phẩm chuyên ngành, bởi họ không đủ năng lực để kiểm tra chất lượng, thì có vẻ hơi... cực đoan. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng nhiều lần khẳng định: Quan điểm khi xây dựng luật không phải là cứ cái gì không quản được thì cấm! Vì thế, không thể vì các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong việc xử lý vấn đề quảng cáo sai sự thật mà cấm người nổi tiếng.
Thay vì cấm người nổi tiếng không có chuyên môn quảng cáo sản phẩm chuyên ngành, các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công thương, Nông nghiệp và Môi trường, Y tế...) cần nâng cao trách nhiệm của đơn vị mình để “quản” cho tốt việc sản xuất, lưu thông hàng hóa, sản phẩm trên thị trường. Khi mà mọi sản phẩm, hàng hóa đều có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, được các cơ quan có thẩm quyền “quản chặt” về chất lượng, thì người nổi tiếng cũng sẽ không bị “vạ lây”, người tiêu dùng cũng sẽ không bị lừa dối như thời gian qua.
Còn nữa, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không chỉ cần siết chặt hành lang pháp lý, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn cần sự sẻ chia, đồng hành của các tổ chức, đoàn thể, nhất là Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Vốn dĩ Hội Bảo vệ người tiêu dùng được thành lập là để có tiếng nói bênh vực cho người tiêu dùng khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm. Song, những năm qua hầu như chưa thấy bóng dáng của cơ quan này xuất hiện trong các vụ việc nổi cộm gây hại cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, người nổi tiếng vốn là diễn viên, ca sĩ, người mẫu... đều là những người mà cộng đồng xã hội yêu mến, trao gửi niềm tin, cần phải giữ được phẩm chất đạo đức, không vì chạy theo đồng tiền mà làm hại những người đã hết lòng tin tưởng mình. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần hết sức tỉnh táo, không nên quá tin vào lời nói của một thần tượng nào đó để rồi phải chịu thiệt. Trước khi mua hàng hóa, sản phẩm cần tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng của sản phẩm để không bị tiền mất tật mang.