Kéo dài thời gian miễn thuế để khuyến khích đầu tư
Ngày 12/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Đề xuất miễn thuế đối với phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số lên 5 năm
ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, miễn thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển là một bước tiến tích cực trong việc khuyến khích hoạt động đầu tư. Tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm.
Tuy nhiên theo ông Minh, thời gian như vậy là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển của công nghệ, chưa đủ sức tạo động lực để doanh nghiệp (DN) đầu tư dài hạn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bởi thực tế nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, công nghệ cao, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cần từ 5 -10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa. Vì vậy ông Minh kiến nghị, cần được miễn thuế tối đa không quá 5 năm. Ngoài ra, ông Minh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế kịp thời chủ trương về miễn giảm thuế thu nhập DN tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Cùng quan điểm, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cũng cho rằng, về thu nhập miễn thuế tại khoản 4 Điều 4 có quy định thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm, làm ra công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật, thu nhập khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm.
Theo ông Nghĩa, thời gian miễn thuế như vậy là rất ngắn. Thời gian miễn thuế tối đa 3 năm sẽ không đủ thời gian để cho các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, các DN công nghệ cao vận hành từ hoạt động nghiên cứu phát triển và các dự án nghiên cứu phát triển thường sẽ mất thời gian từ 5 năm đến 10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa.

ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) cũng đề nghị dự thảo luật cần tập trung vào nhóm vấn đề cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Về thu nhập được miễn thuế đối với hoạt động khoa học công nghệ quy định, bà Mai cho rằng với thời gian 3 năm thì việc khuyến khích đầu tư, đặc biệt trong chuyển đổi số và khoa học công nghệ, những lĩnh vực rất mới là chưa đủ. “Do đó, rất mong cơ quan soạn thảo cũng như thẩm tra ủng hộ đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm đối với những lĩnh vực thực hiện trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và được ưu tiên như y tế, dược phẩm và công nghệ sinh học, AI cũng như là công nghệ mới” – bà Mai đề xuất.
Cần miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Về chính sách miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ĐBQH Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) ủng hộ việc khuyến khích DN đầu tư vào các lĩnh vực mang tính nền tảng cho tăng trưởng dài hạn. Đây là tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, việc đề xuất giới hạn miễn thuế chỉ đối với các khoản tài trợ từ bên trong, không có quan hệ liên kết là quá thận trọng, có thể làm giảm hiệu quả của chính sách.
Thực tế, theo bà Hà, phần lớn các đầu tư vào nghiên cứu và phát triển hiện nay đều đến từ các tập đoàn đa quốc gia và các tập đoàn tư nhân lớn hoạt động theo mô hình liên kết. Nếu loại trừ các khoản tài trợ nội bộ, chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ dòng vốn đổi mới sáng tạo và làm suy yếu động lực lan tỏa công nghệ trong nền kinh tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia vẫn áp dụng ưu đãi cho tài trợ nội bộ, song đi kèm cơ chế kiểm soát hiệu quả. Do đó, dự thảo luật cần thiết kế một cơ chế kiểm soát rủi ro thông minh, thực hiện hậu kiểm chặt chẽ, truy thu nếu có vi phạm, ban hành tiêu chí rõ ràng, khả thi, khuyến khích kiểm toán độc lập và tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan giám sát chuyên ngành.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp), quy định miễn thuế đối với những khoản tài trợ cho hoạt động phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số là một lĩnh vực rất quan trọng. Do đó, đề nghị ban soạn thảo lưu ý để có những chính sách phù hợp thực tiễn, ưu đãi trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng), dự thảo luật chưa có các ưu đãi đặc thù dành riêng cho DN công nghiệp xanh và bền vững. Tại khoản 10 Điều 4 quy định miễn thuế cho DN từ chuyển nhượng tín chỉ các bon và trái phiếu xanh nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ hoạt động công nghiệp xanh, các lĩnh vực quan trọng như là năng lượng tái tạo, quản lý chất thải sản xuất bền vững chưa hề được đề cập đến. “Vì vậy, cần bổ sung vào Điều 4 là các DN đầu tư vào năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, sản xuất bền vững và công nghệ thân thiện với môi trường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp” – ông Minh kiến nghị. Đây cũng là đề nghị của ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng).

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thì cho rằng cần sớm đưa các quy định của luật này vào cuộc sống để thúc đẩy những nghị quyết, đặc biệt như Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Nên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2025 chứ không nên chờ đến ngày 1/1/2026.
Rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm đồng tình với việc rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) thời gian rút ngắn 3 tháng là hợp lý và cần thiết. Theo chủ trương của Đảng, theo lộ trình Đại hội XIV của Đảng là tháng 1/2026, và Ngày bầu cử là ngày 15/3/2026.
Cùng chung quan điểm, ĐBQH Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng), ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa – Vũng tàu), ĐBQH Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là cần thiết với đầy đủ căn cứ chính trị, căn cứ theo chủ trương của Đảng và yêu cầu của thực tiễn.
Trước đó, trình bày Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, căn cứ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn cho thấy, cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Hội đồng nhân dân khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời, cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp.
“Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026, thay vì tháng 7/2026” - bà Thanh cho hay.
Thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí
Ngày 12/5, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội đã báo cáo trước Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Đối với lĩnh vực báo chí, ông Mãi cho biết, để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.