Hướng nghiệp sớm từ bậc THCS
Nhằm giúp học sinh lựa chọn và xác định sớm được nghề nghiệp mong muốn trong tương lai, thời gian qua tại Hà Nội nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp, ngày hội việc làm đã hướng tới đối tượng học sinh từ bậc THCS. Các em và gia đình được cung cấp nhiều thông tin về cơ hội việc làm, nhu cầu thị trường… để chọn ngành học đúng với năng lực và mong muốn.
.jpg)
Dịp cuối tuần qua, hơn 100 nghìn chỉ tiêu học tập và khoảng 3 nghìn vị trí việc làm đã được mang đến Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động. Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết sự kiện là cơ hội để học sinh trải nghiệm thực tế, khám phá nghề nghiệp và giúp doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự chất lượng.
So với lần tổ chức đầu tiên năm 2019 với khoảng 5.000 người tham gia, năm nay số lượng học sinh và người lao động tham gia đã tăng gấp đôi. Trong đó, có khoảng 8.000 học sinh cuối cấp tham gia tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, cùng 2.000 học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Học sinh THCS, THPT có cơ hội được giải đáp về các con đường học tập sau tốt nghiệp tại các gian tư vấn.
Học sinh Ngô Thế Quân lớp 12A7, Trường THPT Ngô Thì Nhậm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình không đặt áp lực về việc đỗ đại học nên em thoải mái tìm kiếm cơ hội học tập tại ngày hội, như học trung cấp hoặc cao đẳng và sau đó liên thông lên đại học. Còn học sinh Nguyễn Thanh Minh lớp 9, Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, sẽ học nghề theo mô hình 9+ sau khi tốt nghiệp THCS và dành thời gian tìm hiểu về xu hướng việc làm.
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) tổ chức tháng 3 vừa qua, nhiều học sinh cho rằng đây là hoạt động cần thiết giúp vận dụng kiến thức về nghề nghiệp và nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc lựa chọn nghề cho tương lai. Ông Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, hướng nghiệp từ sớm sẽ có ý nghĩa không chỉ với bản thân học sinh, mà còn với gia đình và xã hội. Các em sẽ hiểu rõ phẩm chất, năng lực, sở thích bản thân, điều kiện hiện tại, nắm bắt nhu cầu xã hội về các ngành nghề để từ đó có những lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, hoạt động hướng nghiệp còn tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu về một số nhóm ngành nghề cơ bản, làm cơ sở để định hướng, chọn lựa nghề nghiệp.
Ông Trần Thế Cương nhấn mạnh, Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2025 không chỉ đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp mà còn thúc đẩy phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sở GDĐT Hà Nội mong muốn doanh nghiệp tham gia đào tạo, tuyển dụng, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp và chủ động lựa chọn nghề phù hợp.
Việc chọn ngành, chọn trường không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà còn quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế và xu hướng nghề nghiệp, nhiều học sinh vẫn băn khoăn trong việc định hướng tương lai. Do đó, hoạt động hướng nghiệp cần được chú trọng để giúp học sinh tiếp cận thông tin đầy đủ và chính xác, từ đó đưa ra quyết định phù hợp với bản thân.
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, năm học 2023 - 2024, khoảng 74,5% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, 25,5% học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ này ổn định so với năm học 2022 - 2023. Như vậy, trên thực tế tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề vẫn chưa đáng kể. Trong khi Đề án 552 (ngày 14/5/2018) về Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.