Đề xuất một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước được kinh doanh bất động sản
Ngày 13/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo ĐB Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) đối với những nơi có vốn nhà nước dù là 100% hay trên 50%, hay dưới 50% thì cũng là vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nếu có vốn nhà nước thì nhà nước phải có trách nhiệm quản lý trong đầu tư tại các doanh nghiệp.
Ông Hoà nhìn nhận, nguyên tắc đầu tư của doanh nghiệp nhà nước là vấn đề lớn, quan trọng. Có ý kiến cho rằng nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì xem như đây là vốn pháp nhân của doanh nghiệp là chưa thực sự hợp lý. Nếu vốn pháp nhân của doanh nghiệp khi lãi, đó là vốn điều lệ của doanh nghiệp đầu tư. Còn vốn nhà nước đầu tư vào tư nhân thì không thể xem là vốn của doanh nghiệp mà là vốn của nhà nước. Khi xác định là vốn của nhà nước thì mới nêu cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan sở hữu vốn nhà nước.

Ông Hoà đề nghị, đầu tư vốn của nhà nước phải có trọng tâm trọng điểm, việc nào tư nhân làm được để cho tư nhân làm, còn việc nào tư nhân không làm thì nhà nước phải làm để phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh, nhu cầu thiết yếu, an sinh xã hội, công trình công cộng. Có thể lĩnh vực này có thể tư nhân làm nhưng nhà nước cần thiết phải làm để cho mục đích an sinh xã hội. Ví như trong đầu tư các công trình xây dựng cơ bản.
“Thời gian qua đầu tư một số công trình đường cao tốc, quốc lộ, kêu gọi xã hội hóa như BOT, BT nhưng họ không làm thì nhà nước phải làm. Đây là những chỗ khó trong giải phóng mặt bằng, hay hiệu suất kinh tế không cao thì nhà nước phải đầu tư và phải lo”, ông Hoà nêu ví dụ.
Về chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh, huy động vốn luật giao thẩm quyền cho hội đồng thành viên và chủ tịch của công ty, ông Hoà đề nghị cần rành mạch, rõ ràng, nhiệm vụ nào của hội đồng thành viên, lúc nào của chủ tịch công ty, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty có quyền phê duyệt dự án, có quyền đầu tư trong dự án. Hoạt động đầu tư cần ràng mạch, rõ ràng tới thời điểm nào nhiệm vụ quyền hạn của công ty trên tất cả các lĩnh vực tới đâu? và phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực đầu tư của mình.
Ông Hoà nêu trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có ý kiến cho rằng nếu doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản thì không cho. Nếu cho thì báo cáo với cơ quan chủ quản, sở hữu quản lý nhà nước về vốn là điểm cần quan tâm.
Từ đó, ông Hoà đặt vấn đề: Ví dụ ngân hàng có cho phép đầu tư kinh doanh bất động sản hay không? Có cho phép đầu tư chứng khoán hay không? Các tập đoàn lớn như Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Việt Nam được quyền đầu tư vào bất động sản hay đầu tư lĩnh vực kinh doanh bất động sản là điểm cần quan tâm.
“Thời gian qua có một số công ty lớn đầu tư ngoài ngành nhưng thất thoát, có trường hợp dính vào lao lý. Bây giờ cho phép đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành thì cần có cân nhắc. Tất nhiên trong xã hội hoá quản lý thị trường về đầu tư kinh doanh bất động sản tất cả mọi người làm được thì doanh nghiệp cũng phải làm được. Cho nên nên xem xét tuỳ lúc tuỳ nơi, tuỳ điều kiện doanh nghiệp nào được làm, doanh nghiệp nào không được làm, không phải tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều được đầu tư bất động sản”, ông Hoà phân tích.
“Trước đây có ý kiến cho rằng không được kinh doanh bất động sản nhưng tôi nghĩ là được, nhưng đề nghị có cân nhắc đảm bảo hiệu quả hiệu suất lâu dài. Kinh doanh bất động sản là món “béo bở” có khả năng lợi nhuận rất cao để lấp vào chi phí khác là rất cần thiết nhưng không phải ai cũng được phép kinh doanh”, ông Hòa nói.

Về vấn đề trên, theo ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có ý kiến cho rằng, quy định không cho doanh nghiệp được kinh doanh bất động sản là chưa phù hợp, và quy định phải xin ý kiến trước khi quyết định cho thuê hoặc khai thác bất động sản là không tạo sự chủ động cho doanh nghiệp.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, không quy định hạn chế đầu tư trong dự thảo Luật và bổ sung Điều 22 quy định doanh nghiệp được quyền cho thuê, thuê mua, thế chấp, cầm cố tài sản của doanh nghiệp.