Xã hội

Nhiều đột phá trong xuất khẩu lao động

Lê Bảo 14/05/2025 08:00

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 4/2025 là 10.854 người, trong đó có 4.064 lao động nữ. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 47.881 người đạt 36,8% kế hoạch năm.

Nhiều thị trường trọng điểm tăng tuyển dụng

Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nhất, với 24.358 người. Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 2 với 15.537 người. Hàn Quốc đứng thứ 3 khi tiếp nhận 4.242 lao động. Tiếp đến là Trung Quốc: 1.005 lao động, Singapore: 689 lao động, Rumani: 250 lao động, Hungary: 437 lao động và các thị trường khác.

Anh bai tren
Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc làm thủ tục kí quỹ. Ảnh: Tống Giáp

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, 4 tháng đầu năm công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có nhiều đột phá. Năm nay các thị trường truyền thống đều có sự gia tăng về chỉ tiêu tuyển dụng đi kèm với đó các chính sách về lương, phúc lợi khá hấp dẫn và ổn định. Đơn cử như đầu tháng 5, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) đã phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) chính thức khai mạc kỳ thi tiếng Hàn năm 2025 dành cho người lao động Việt Nam có nguyện vọng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình Cấp phép cho Lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS).

Kỳ thi năm nay tuyển chọn 3.300 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó 3.000 chỉ tiêu dành cho ngành sản xuất chế tạo và 300 chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp. Với chỉ tiêu tuyển chọn 3.300 người, kỳ thi EPS 2025 được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội việc làm hấp dẫn tại Hàn Quốc cho người lao động Việt Nam, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình tuyển chọn.

Ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, Hàn Quốc được đánh giá là thị trường lao động với mức thu nhập hấp dẫn, hiện nay mức lương tối thiểu (chưa kể làm thêm giờ và các phúc lợi khác hơn 2.000.000 won, tức khoảng gần 40 triệu đồng); tại Hàn Quốc người lao động được bảo đảm các quyền lợi như lao động người bản địa (các khoản trợ cấp, bảo hiểm được tham gia đầy đủ); đời sống, phong tục văn hóa tại Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đông đảo nên người lao động có thể nhanh chóng thích nghi.

Thời gian gần đây, Hàn Quốc đã mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài, tăng chỉ tiêu và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động theo chương trình EPS, bổ sung tiếp nhận lao động ngành đóng tàu, dịch vụ, lâm nghiệp vào chương trình này. Theo ông Phạm Viết Hương - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2025, Hàn Quốc phân bổ hạn ngạch lao động visa E9 theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS) cho Việt Nam là 8.400 người.

Cảnh giác để tránh lừa đảo

Có thể thấy, xuất khẩu lao động đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ mang lại thu nhập cho người lao động mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn đối mặt nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn là tình trạng bị lừa đảo và mất quyền lợi khi làm việc ở các công ty không uy tín. Người lao động thường không được bảo vệ quyền lợi đầy đủ, đặc biệt là khi họ bị lừa vào những công ty không hợp pháp hoặc công ty không thực hiện đúng hợp đồng.

Với Chương trình EPS, ông Đặng Huy Hồng cho biết, khi tham gia chương trình, người lao động cần tìm hiểu đầy đủ, kỹ lưỡng về quy định, chi phí cũng như các quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân. Các nội dung này đã được đăng tải đầy đủ, thường xuyên trên website Trung tâm Lao động ngoài nước.

“Để đạt yêu cầu qua các vòng thi, không có cách nào khác là người lao động nỗ lực học tiếng Hàn thật tốt để đạt được kết quả khả quan. Cần cảnh giác với các hành vi lừa đảo như "bao đậu" hay "tác động" để được sang Hàn Quốc làm việc” - ông Hồng nhấn mạnh và cho biết, nếu đạt yêu cầu qua kỳ thi, sau khi làm hồ sơ sẽ được trung tâm gửi sang Hàn Quốc, hồ sơ người lao động sẽ bị ẩn thông tin cá nhân và giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ngẫu nhiên. Không có tổ chức, cá nhân nào có thể can thiệp được vào tiến trình này.

Lê Bảo