Xã hội

Thiếu sức hút cho lao động thất nghiệp học nghề

Lê Bảo 14/05/2025 09:45

Một trong những quyền lợi của lao động thất nghiệp là được đào tạo, dạy nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do, không ít người lao động đã thờ ơ với quyền lợi này.

Thất nghiệp ở tuổi ngoài 40 nhưng chị Nguyễn Thị Hải An không chọn lựa hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chuyển sang nhận hỗ trợ đào tạo nghề. Nhờ đó, chị đã chuyển đổi nghề thành công và có thu nhập ổn định ở mức 15 triệu đồng/tháng.

Cũng giống như chị An, nhiều lao động thất nghiệp đã sớm quay trở lại thị trường lao động nhờ học nghề, tuy nhiên con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp. Theo ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, số người lao động nộp hồ sơ và hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng lên hằng năm, nhưng số người lao động thất nghiệp lựa chọn học nghề thì lại không nhiều. Cụ thể năm 2024, thành phố Hà Nội có 1.162 người lao động có quyết định học nghề. Quý I/2025, Thành phố có 240 người lao động có quyết định học nghề. Đó là con số rất khiêm tốn. Tương tự, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, mớic ó quyết định hỗ trợ học nghề cho 736 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, tronglúc số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lên tới 12.376 hồ sơ.

Lý giải nguyên nhân, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, đa số lao động thất nghiệp là lao động chính của gia đình, khi mất việc làm, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng, nên người lao động cần có khoản tiền bù đắp thiếu hụt về tài chính, do đó họ không chú trọng quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp, tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo; cơ chế tuyển dụng của các doanh nghiệp chưa chú trọng ưu tiên người có trình độ sơ cấp nên chưa khuyến khích được lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề; “đầu ra” cho một số ngành nghề còn hạn chế nên khó thu hút người lao động...

Để thu hút lao động thất nghiệp học nghề, bên cạnh chính sách hỗ trợ cho người lao động cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Nếu Luật Việc làm lần này sửa đổi, bổ sung điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cũng như sửa đổi bổ sung chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm… dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm còn khoảng 6,5% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm, tương ứng mỗi năm giảm khoảng 150.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp.

Lê Bảo