Công nghệ

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo khu vực công: Còn nhiều dư địa

Thái Nhung 14/05/2025 10:15

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo nên nhiều thay đổi trong cuộc sống con người và trong quản trị của tổ chức và doanh nghiệp. Tuy nhiên, khảo sát ứng dụng AI tại khu vực công cho thấy, nhiều nguyên nhân khiến AI chưa được ứng dụng rộng rãi ở khu vực này.

Khảo sát “Toàn cảnh trí tuệ nhân tạo trong khu vực công tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) thực hiện đã cho thấy, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở khu vực công còn ít, chưa sát nhu cầu thực tế, chưa chú ý đến rủi ro khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng như thiếu căn cứ pháp lý. Báo cáo chỉ rõ, hiện nay một số cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đã bước đầu ứng dụng AI vào hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công. Cụ thể là hệ thống trợ lý ảo trong lĩnh vực hành chính công, phần mềm nhận diện khuôn mặt trong an ninh trật tự, hệ thống giám sát giao thông thông minh... Tuy nhiên vẫn còn nhiều khoảng trống tại khu vực này. Có tới 87% dự án tích hợp AI không được triển khai trên thực tế; 70% doanh nghiệp, tổ chức được khảo sát phản hồi tích hợp AI có hiệu quả thấp. Do đó, việc ứng dụng AI trong khu vực công ở Việt Nam còn dư địa và tiềm năng lớn, đặc biệt ở các khía cạnh về hỗ trợ năng lực ra quyết định chính sách, nâng cao hiệu suất công việc và cải tiến cung ứng dịch vụ công.

Khảo sát “Toàn cảnh trí tuệ nhân tạo trong khu vực công tại Việt Nam” cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến cho AI chưa được đầu tư đúng mức, chưa có nhiều ứng dụng AI phục vụ các cơ quan, tổ chức nhà nước. Trong đó, vai trò quan trọng của dữ liệu và cơ sở hạ tầng trong việc ứng dụng AI đang là một trong những nguyên nhân khiến cho việc ứng dụng AI còn ít, chưa sát nhu cầu thực tế, hoặc không phù hợp với mục tiêu của khu vực công.

Ông Trần Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện chúng ta đang thiếu hạ tầng dữ liệu, thiếu các chuyên gia vận hành, khai thác. Mặc dù đã cố gắng để liên thông, liên kết, chia sẻ. nhưng hệ thống dữ liệu vẫn còn sự phân tán, chưa được tập trung. Các ứng dụng cũng không có sự đồng bộ, cho nên việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động công cũng gặp một số khó khăn. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển rất nhanh của công nghệ, rất nhiều ứng dụng được triển khai, tuy nhiên tốc độ xây dựng chính sách còn chưa theo kịp.

Khảo sát "Toàn cảnh trí tuệ nhân tạo trong khu vực công tại Việt Nam” cho thấy, trợ lý ảo pháp luật đang giúp cho thẩm phán và các cán bộ công chức của tòa án nhiều kết quả tốt. Trợ lý ảo pháp luật sở hữu hệ thống cơ sở tri thức ngành, với hơn 160.000 văn bản pháp luật, 63 án lệ và hơn 1 triệu bản án có thể giúp giảm 30% khối lượng công việc so với thao tác truyền thống. Do đó, theo ông Tú, khi ứng dụng AI, cần quan tâm đến nhu cầu, năng lực của cơ quan cũng như tiềm năng, rủi ro từ việc ứng dụng AI. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc tận dụng dữ liệu, hạ tầng hiện hành, mở rộng nguồn dữ liệu chất lượng và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhâm lực… Từ đó, các cơ quan, tổ chức khu vực công sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI theo sát nhu cầu, năng lực tài chính, để có thể nhân rộng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài - Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay, nhân lực làm việc được trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo còn rất thiếu. Theo ông Hoài, hiện chúng ta cần giải quyết bài toán về việc thiếu hụt nhân lực ngành này, chuyên gia và cố vấn hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, cơ sở hạ tầng, kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho tổ chức, doanh nghiệp.

Thái Nhung