Đề nghị tăng số lượng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cán bộ công chức cấp xã
Ngày 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), theo đại biểu Quốc hội (ĐB) Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), dự thảo Luật đã phân cấp, phân quyền hết sức mạnh mẽ và đề cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp xã, cấp phường.
Tuy nhiên, ông An đề nghị cần thiết phải làm rõ thêm các cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của Ủy ban nhân dân. Cũng như cần bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt là những quyết định liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư.
Đặc biệt, theo ông An, cần tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng như tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, nhất là cấp địa phương. Bởi, khối lượng nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã là rất lớn nếu không tăng cường cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân, nhất là tăng cường đại biểu chuyên trách thì sẽ khó phát huy quyền và nghĩa vụ của cơ quan dân cử ở địa phương. Hiện nay chỉ có 3 đại biểu Hội đồng nhân cấp xã chuyên trách như hiện nay là chưa phù hợp với nhiệm vụ, công việc rất lớn của Ủy ban nhân dân cấp xã nên đề xuất cần tăng lên 4-5 đại biểu.
Ông An cũng đề nghị, trong trường hợp cần thiết để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, thì Ủy ban nhân dân tỉnh có thể trực tiếp làm những công việc của cấp dưới hoặc của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời nêu rõ trong trường cần thiết nào để phát huy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền lợi người dân.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) thống nhất với cơ cấu hoạt động, tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Song ông Hoà đề nghị tăng số lượng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy mô dân số và diện tích. Bởi sau sắp xếp, nhiệm vụ chỉ đạo điều hành rất lớn, nên việc tăng thêm số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cần thiết.
Về quy định nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã có quy định, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo, ĐB Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) đề nghị bổ sung về vấn đề giải quyết kiến nghị phản ánh. Lý do theo ông Dũng là bởi trong luật tiếp công dân, các nghị quyết về tiếp xúc cử tri, đều có ghi nhận việc giải quyết kiến nghị phản ánh. Mặt khác trong cuộc sống, có nhiều loại việc công dân phản ánh kiến nghị tới chính quyền mà không phải khiếu nại tố cáo, do đó cần bổ sung nội dung này.

Đối với cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân, ĐB Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) đề nghị cần xem xét lại quy định về việc lập các cơ quan chuyên môn tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để có sự thống nhất chung trong cả nước. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, đặc khu phải đáp ứng được yêu cầu của cấp xã sau khi sát nhập với quy mô lớn. Do đó, cần xem xét lại việc quy định có thể bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu giúp ủy ban nhân dân cấp xã. Bởi vì nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã sau sát nhập là rất lớn; yêu cầu phải giải quyết công việc nhiều và trực tiếp giải quyết các công việc của cơ quan tổ chức và công dân. Vì vậy, nên bố trí các cơ quan chuyên môn thống nhất đối với tất cả các xã, phường sát nhập. Đối với việc bố trí công chức chuyên môn chỉ xem xét giữ lại ở các xã không phải sát nhập.

ĐB Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) cũng đề nghị, tăng cường số lượng cán bộ công chức cấp xã phù hợp với nhiệm vụ quyền hạn, và theo phân loại đơn vị hành chính xã phường, tận tuỵ với nhân dân. Đẩy mạnh kinh tế tư nhân, quy hoạch, đầu tư mỗi tỉnh có ít nhất một khu công nghiệp tập trung để thu hút, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho công chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân dân ở địa phương.