Sức khỏe

Trẻ thừa cân, béo phì tại TP Hồ Chí Minh vượt ngưỡng 20%

Thanh Giang 14/05/2025 13:29

Đó là nhận định mới đây của GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế khi nói về thực hành dinh dưỡng khoa học và vận động hợp lý cho người dân hiện nay.

Thứ trưởng bộ y tế
Thứ trưởng Bô Y tế Trần Văn Thuấn nói về các chương trình dinh dưỡng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Đ.H

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo tổng điều tra dinh dưỡng 2019 - 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống còn 19,6%, mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tiêu thụ rau quả bình quân đầu người cũng tăng đáng kể, từ 190,4g rau/ngày năm 2010 lên 231g/ngày năm 2020.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn phía trước khi tỷ lệ suy dinh dưỡng ở vùng miền núi vẫn ở mức cao, với 38% trẻ em thấp còi tại một số khu vực. Đồng thời, tỷ lệ thừa cân, béo phì tại đô thị như TP Hồ Chí Minh đã vượt ngưỡng 20%, kéo theo nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường.

Hơn nữa, xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt ở giới trẻ đang gia tăng, trong khi vận động thể lực chưa được chú trọng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hành động quyết liệt hơn, không chỉ ở cấp chính sách mà còn trong từng gia đình, từng cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều chương trình dinh dưỡng trọng điểm. Cụ thể như: Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” hàng năm, Chương trình “Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời”, “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030”,...

Các chương trình dinh dưỡng lan tỏa thông điệp về chế độ ăn lành mạnh và vận động thể chất; đảm bảo trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ; khuyến nghị người dân ăn đủ, đa dạng thực phẩm, hạn chế đồ chiên rán, thức ăn nhanh, duy trì lối sống năng động.

Trẻ thừa cân 1
Nhiều phụ huynh đang tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ. Ảnh: TL

“Việt Nam cam kết hội nhập quốc tế, tham gia Phong trào mở rộng dinh dưỡng từ năm 2014 và Tuyên bố chung ASEAN về chấm dứt suy dinh dưỡng... Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 là xóa nạn đói và chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030”, ông Thuấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi, người dân cần có những thay đổi nhỏ để hướng đến một bữa ăn lành mạnh hơn, một giờ vận động mỗi ngày để tạo nên sự thay đổi lớn cho cả xã hội. Thứ trưởng Trần Văn Thuân chia sẻ: “Các cơ quan, tổ chức hãy tiếp tục đồng hành với Bộ Y tế, cùng xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh, không còn gánh nặng suy dinh dưỡng hay bệnh tật”.

Được biết, cuối tuần qua, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 4 với sự tham gia của hàng nghìn người dân, khách tham quan. Sự kiện thường niên này do Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) cùng Herbalife Việt Nam tổ chức nhằm lan tỏa thông điệp về thực hành dinh dưỡng khoa học và vận động hợp lý.

Thanh Giang