Chính phủ trình Quốc hội Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Chiều 14/5, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Báo cáo trước Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, việc ban hành dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, tiếp tục thể chế hóa quy định tại Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên về tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; khắc phục những hạn chế, bất cập tại Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.
Theo ông Giang, mục đích ban hành Luật nhằm kịp thời thể chế hoá đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về việc tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.
Ông Giang cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần 2 thứ XIII; phù hợp với quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam; bám sát 3 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, gồm: Xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; Triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; Bảo đảm nguồn lực; chế độ, chính sách.
Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 11), quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc; vị trí, chức năng của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; hình thức và lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc; chính sách của Nhà nước; quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; hợp tác quốc tế về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại; các hành vi bị nghiêm cẩm trong tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Chương II: Xây dựng và triển khai lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (từ Điều 12 đến Điều 23), gồm 4 mục quy định các nội dung: (i) Mục 1 về xây dựng lực lượng; (ii) Mục 2 về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành; (ii) Mục 3 về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, gia hạn nhiệm kỳ công tác, rút lực lượng vũ trang; (iv) Mục 4 về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, gia hạn nhiệm kỳ công tác, rút lực lượng dân sự.
Chương III: Về công tác bảo đảm và chế độ, chính sách (từ Điều 24 đến Điều 25): Quy định về kinh phí bảo đảm cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc của lực lượng Việt Nam; sử dụng tiền bồi hoàn do Liên hợp quốc chi trả; chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng, an ninh, và đối ngoại của Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc với những lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Theo ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Quốc hội, việc ban hành Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc. Đồng thời là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.