Cảnh giác lừa đảo qua ví Momo và thẻ tín dụng
Nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ, đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo thời công nghệ: mở thẻ tín dụng để nhận ưu đãi hoặc hợp tác “làm ăn” nhưng lại bị kẻ gian rút tiền từ tài khoản. Đáng lo ngại, khi các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng, dùng kỹ thuật số để chiếm đoạt thông tin và tài sản người dùng.

Công an TP Đà Nẵng vừa bắt giữ Nguyễn Hoàng Khang (SN 2005, trú tại TP Cần Thơ) và Phan Anh Duy (SN 2003, trú tại TPHCM) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận tin báo của chị Trương Nguyễn H.L. (SN 2002) về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 122 triệu đồng thông qua việc mở ví trả sau, vay nhanh trên ứng dụng Momo, mua đơn hàng Iphone bằng cách trả góp online và vay nhiều tài khoản ngân hàng khác.
Các đối tượng hứa hẹn sau khi chị L. hoàn tất các thủ tục mở thẻ, ví và mua hàng thì sẽ hủy đơn hàng, hủy các khoản vay và hoàn tiền về số dư lại cho chị L. Đặc biệt, các đối tượng khẳng định chị L. không những không phải mất chi phí gì mà còn được một khoản hoa hồng tính theo phần trăm đơn hàng thành công. Do tin tưởng nên chị L. đã nhiều lần làm theo yêu cầu của đối tượng. Những lần giao dịch đầu, đối tượng có chuyển tiền hoa hồng cho chị L., tuy nhiên về sau thì liên tục hứa hẹn. Đặc biệt, đến thời điểm các khoản vay của chị L. bắt đầu đến hạn tất toán, chị L. nhắn tin thì đối tượng liên tục đưa ra các lý do để trì hoãn và cuối cùng là cắt liên lạc.
Bước đầu, các đối tượng Nguyễn Hoàng Khang và Phan Anh Duy thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 1/2025 đến nay, các đối tượng đã thực hiện hàng chục vụ lừa đảo với nhiều bị hại trên cả nước, tổng số tiền chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.
Công an tỉnh Thái Bình cũng vừa làm rõ và khởi tố nhiều đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng quảng cáo hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp. Thủ đoạn chính của các đối tượng là thuê người đăng quảng cáo trên mạng xã hội về việc Ngân hàng ACB cho vay tiền nhanh chóng, lãi suất ưu đãi. Khi người có nhu cầu liên hệ, chúng sử dụng tài khoản Zalo ảo, giả danh nhân viên ngân hàng để tư vấn và đưa ra nhiều lý do khác nhau nhằm lừa nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng không chính chủ được mua trên mạng. Sau khi nhận được tiền, chúng cắt liên lạc. Nhiều người dân sập bẫy, bị chiếm đoạt số tiền lớn, lên đến hàng chục triệu đồng mỗi trường hợp.
Cơ quan Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn mời chào mở thẻ tín dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, kịch bản lừa đảo của các đối tượng phổ biến là, lợi dụng chính sách của nhiều ngân hàng cho phép khách hàng mở thẻ tín dụng trực tuyến và miễn phí, các đối tượng lừa đảo thường tự xưng là nhân viên ngân hàng, liên hệ qua điện thoại để thuyết phục người dùng chủ động mở thẻ ghi nợ phi vật lý, nâng hạn mức thẻ tín dụng tại ngân hàng với các lý do như: giao dịch quốc tế, thanh toán toàn cầu, luôn sẵn tiền cho các trường hợp khẩn cấp, tiện lợi với đa dạng hình thức thanh toán, có nhiều chương trình ưu đãi khi dùng thẻ tín dụng thanh toán…
Sau khi nạn nhân hoàn thành các thủ tục mở thẻ, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin thẻ và mã OTP hoặc mật khẩu dịch vụ ngân hàng số. Các đối tượng sẽ sử dụng các thông tin này để liên kết vào ví điện tử của chúng rồi rút tiền từ tài khoản thẻ tín dụng của nạn nhân bằng nhiều cách khác nhau.
Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và thông tin thẻ cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn hay email. Ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật tài khoản dưới bất kỳ hình thức nào. Không nên nhấn vào các đường link lạ hoặc tải ứng dụng từ nguồn không rõ ràng. Không thực hiện các giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào tài khoản hay số điện thoại do người khác chỉ định để làm thủ tục mở tài khoản tại ngân hàng.
Các chuyên gia pháp lý cảnh báo, nếu nghi ngờ có dấu hiệu bị lừa đảo thì người dân cần liên hệ ngay với ngân hàng để bảo vệ tài khoản, đồng thời báo cho cơ quan Công an để được xử lý kịp thời. Về chế tài xử lý, chuyên gia pháp lý cho biết, những đối tượng vi phạm có thể bị xử lý về tội: “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt nhẹ nhất từ 6 tháng tù đến mức cao nhất là chung thân tùy vào mức độ phạm tội.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt từ 6 tháng tù đến 20 năm tù tùy theo mức độ phạm tội.