Sức khỏe

Nhiều trường hợp nguy kịch do chủ quan với viêm gan B

Đức Trân 15/05/2025 07:20

Dù đã được cảnh báo rất nhiều về sự nguy hiểm của viêm gan B, thế nhưng, các ca suy gan cấp vẫn có chiều hướng gia tăng. Phần lớn bệnh nhân đều đã mắc viêm gan B mạn tính nhưng không điều trị, không theo dõi và tự ý dùng thuốc kéo dài. Khi nhập viện, nhiều người đã ở tình trạng không còn khả năng hồi phục.

Anh bai tren
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chăm sóc và điều trị bệnh nhân nguy kịch vì mắc viêm gan B.

Suy gan vì chủ quan

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới đây đã tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân 54 tuổi (ở Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng phù toàn thân, vàng da đậm, suy kiệt, khó thở.

Theo người nhà, bệnh nhân từng được chẩn đoán viêm gan B cách đây hơn 30 năm nhưng không điều trị. Sau một thời gian dùng thuốc nam rồi bỏ hẳn, bà sống hoàn toàn bình thường cho đến khi cách đây 3 năm bắt đầu sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên do tai nạn gãy xương. Tất cả đều không qua thăm khám. Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân này bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, vàng da tăng dần, sốt cao liên tục. Đến khi không thể tự vận động, gia đình mới đưa đi cấp cứu.

Tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được bác sĩ xác định suy gan nặng trên nền viêm gan B mạn tính, kèm viêm phổi và nhiễm trùng huyết tiến triển. Các chỉ số sinh hóa cho thấy tình trạng gan bị tàn phá nặng nề: men gan tăng gấp 4 lần, GGT - phản ánh độc tính từ thuốc - tăng hơn 10 lần, bilirubin toàn phần tăng gần 17 lần.

Bên cạnh đó, chỉ số CRP - một dấu hiệu của viêm nhiễm toàn thân - lên tới 161mg/L, cao gấp hơn 30 lần giới hạn bình thường. Siêu âm cho thấy có dịch cổ trướng lượng nhiều và tràn dịch màng phổi hai bên.

Một trường hợp tương tự là người đàn ông 47 tuổi (quê Thái Bình), cũng từng biết mình mắc viêm gan B nhưng không điều trị. Khi nhập viện, ông đã ở tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và viêm phổi nặng. Do bệnh quá nặng, sau chưa đầy một ngày điều trị, gia đình xin đưa bệnh nhân về.

ThS.BS Phạm Thanh Bằng - người trực tiếp điều trị tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: Viêm gan B có thể âm thầm trong cơ thể hàng chục năm mà không gây triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi sức đề kháng suy giảm hoặc người bệnh tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc, virus có thể tái hoạt động mạnh mẽ, gây suy gan cấp tính rất nhanh và nguy hiểm.

Kiểm soát viêm gan B không thể bằng… cảm tính

Những trường hợp như hai bệnh nhân nói trên đều nằm trong nhóm người bệnh đã biết rõ mình mang virus viêm gan B nhưng không có bất kỳ động thái điều trị hoặc theo dõi y tế nào. Đây cũng là thực trạng phổ biến trong cộng đồng hiện nay: coi thường bệnh không triệu chứng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 8 - 10% dân số nhiễm viêm gan B mạn tính, nhưng đa số không phát hiện hoặc không điều trị. Phần lớn người bệnh chỉ đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn xơ gan, suy gan hoặc ung thư gan.

“Nhiều người nghĩ không có triệu chứng thì không cần điều trị. Nhưng viêm gan B là “kẻ giết người thầm lặng” - nó hủy hoại tế bào gan từng ngày” - BS Phạm Thanh Bằng nhấn mạnh.

Thêm vào đó, thói quen tự mua thuốc - đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc nam, thuốc bắc - đã đẩy nhanh quá trình hủy hoại gan mà người bệnh không hề hay biết. Với người có bệnh lý gan nền, những loại thuốc này dễ dẫn đến tổn thương gan không hồi phục.

PGS.TS Phạm Hữu Đức - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dược lý Quốc gia cảnh báo, gan là cơ quan thầm lặng, khi lên tiếng là lúc tổn thương đã rất nặng.

Trước thực trạng trên, giải pháp được các bác sĩ đề xuất là người mắc viêm gan B mạn tính cần tái khám định kỳ 6 tháng/lần để đánh giá chức năng gan, tải lượng virus và có hướng điều trị phù hợp. Với những trường hợp có chỉ định, việc điều trị bằng thuốc kháng virus theo phác đồ là rất cần thiết, giúp kiểm soát virus và hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, người bệnh cần tuyệt đối tránh dùng thuốc không rõ nguồn gốc, kể cả các sản phẩm thảo dược quảng cáo “mát gan”, “giải độc”…

“Phát hiện sớm, điều trị đúng và theo dõi sát là 3 yếu tố then chốt giúp người bệnh sống khỏe cùng virus viêm gan B. Đây là căn bệnh có thể kiểm soát - nhưng chỉ khi người bệnh không coi thường nó” - BS Bằng khuyến cáo.

Đức Trân