Gỡ rào cản để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn gặp phải những rào cản trong thủ tục hành chính, nhất là nhiều quy định làm giảm năng lực của doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm.

Vẫn còn nhiều rào cản
Tại buổi tham vấn chính sách do Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 TPHCM tổ chức mới đây nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị và các chương trình hành động của thành phố về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho rằng, sự chồng chéo, lạc hậu của các thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn đối với DN trong quá trình triển khai các sáng kiến công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Giám đốc Viettel Solutions (TPHCM) cho rằng: DN tư nhân là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nhưng các dự án mới vẫn thường bị “kẹt” vì thủ tục hành chính phức tạp, tốn kém thời gian và nguồn lực. “Cải cách thủ tục hành chính không chỉ là cần thiết mà còn là yếu tố sống còn để hỗ trợ DN triển khai các sáng kiến công nghệ” - ông Tuấn khẳng định.
Chia sẻ quan điểm, bà Trương Lý Hoàng Phi – Chủ tịch Investment Business Partners (IBP), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cho rằng, các quy định về vườn ươm công nghệ cao hiện đã lạc hậu, dẫn đến tình trạng nhiều mô hình ươm tạo không đạt chuẩn, làm hạn chế sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Bà Phi cũng cho rằng, hiện vẫn thiếu chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào công nghệ cao, trong khi các quy định nghiêm ngặt tại khu công nghệ cao cùng thủ tục hành chính phức tạp đang trở thành hàng rào ngăn cản DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn tài chính hỗ trợ. Đồng thời, vấn đề sở hữu trí tuệ trong chuyển giao nghiên cứu từ trường đại học ra thị trường vẫn chưa được giải quyết rõ ràng.
“Những rào cản này không chỉ làm chậm quá trình thương mại hóa mà còn khiến DN mất cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế" - bà Phi nói đồng thời kiến nghị cần nới lỏng quy định tại các khu công nghệ cao để khuyến khích đầu tư tư nhân, và tạo điều kiện để DN lớn xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa bàn phù hợp.
Tìm cách tháo gỡ
Đại diện cộng đồng DN khoa học công nghệ, bà Phan Thị Mỹ Yến – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) đề xuất cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời hoàn thiện cơ chế về sở hữu trí tuệ để thúc đẩy quá trình chuyển giao từ nghiên cứu sang sản phẩm thương mại.
Theo bà Yến, VST đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng tháo gỡ rào cản chính sách, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đấu thầu, thuế, tài chính… nhằm tạo thuận lợi cho DN khoa học công nghệ phát triển.
Bà Yến cho biết, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Chính phủ thiết lập cơ chế đặc thù, xem đầu tư cho nghiên cứu khoa học là hoạt động mạo hiểm cần được Nhà nước bảo trợ. Đồng thời cần có cơ chế ưu tiên rút ngắn thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện cho DN thương mại hóa sản phẩm.
Liên quan đến Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ – được coi là một bước đột phá trong chính sách hỗ trợ DN khoa học công nghệ, VST cho biết, trong thực tế triển khai, số lượng DN thực sự được hưởng ưu đãi rất thấp.
Kết quả khảo sát của VST cho thấy, trong số 167 DN thành viên, chỉ có 6 DN được hưởng ưu đãi theo Nghị định 13, với tổng số tiền ưu đãi là 91 tỷ đồng – một con số quá khiêm tốn so với kỳ vọng và tiềm năng.
VST và các DN thành viên kỳ vọng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội thảo luận sẽ tạo ra bước ngoặt thực sự – đặc biệt ở việc đơn giản hóa thủ tục, minh bạch tiêu chí hỗ trợ và tăng vai trò “đặt hàng” của Nhà nước. Qua đó giúp DN yên tâm đầu tư dài hạn vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, từng bước xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia trong nền kinh tế tri thức.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia, một trong những điểm quan trọng nhất là cần thúc đẩy khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng năng suất. Muốn vậy, giới chuyên gia cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần tiếp tục được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Theo đó, ngoài hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ, cần có các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực, đặc biệt là các thành quả trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách mở cho các mô hình kinh doanh mới; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm những nguồn lực đủ mạnh hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong nước.