Thời ‘cơm nhà’ ship tận cửa
Chị Lan tuy sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Xuân Trường, Nam Định, nhưng không hề biết kho cá. “Ở quê thì mẹ nấu, còn nay ở Hà Nội thì đặt người ta mang đến”, chị cho hay.
.jpg)
Nguyễn Ngọc Lan (35 tuổi), là dược sĩ của một bệnh viện y học cổ truyền ở Hà Nội. Công việc bận bịu, lại thường xuyên phải tập huấn, học hành nâng cao nghiệp vụ, chị ít có điều kiện nấu nướng cho chồng con nên thường xuyên sử dụng dịch vụ giao đồ ăn tại nhà.
“Trưa tôi đặt suất ăn ở chỗ làm, tối về nhà cũng đặt. Tính ra hết khoảng 150 ngàn một ngày, rẻ hơn cả đi chợ nấu một bữa mà không tốn công. Thời gian đó tôi dành để học thêm hoặc đi bộ”, chị Lan nói.
Chỉ vài năm trước, khái niệm “ăn cơm nhà” vẫn là chuẩn mực trong nhiều gia đình Việt Nam. Nhưng hiện nay, ở các đô thị lớn, việc nấu ăn mỗi ngày đang dần bị thay thế bằng thói quen đặt đồ ăn qua các nền tảng số như: GrabFood, ShopeeFood, Baemin, GoFood… Không chỉ giới trẻ độc thân mà cả các hộ gia đình, thậm chí người lớn tuổi cũng đang dịch chuyển theo xu hướng này. Lý do không chỉ nằm ở sự tiện lợi. Người Việt ngày càng bận rộn, đặc biệt là ở tầng lớp lao động trí óc, nhân viên văn phòng, người làm nghề tự do tại thành phố. Việc mua nguyên liệu, sơ chế, nấu nướng rồi rửa dọn mất nhiều thời gian - điều mà nhiều người sẵn sàng đánh đổi để nghỉ ngơi, làm thêm hoặc chăm sóc bản thân.
Cùng với làn sóng này, một nghề vốn âm thầm nay đang “lên hương”: nghề nấu cơm. Không chỉ các quán ăn truyền thống mà hàng loạt cá nhân, đặc biệt là phụ nữ nội trợ, người lớn tuổi, bắt đầu mở dịch vụ “cơm nhà” giao tận nơi. Trên mạng xã hội, các hội nhóm như “Cơm trưa văn phòng”, “Cơm nhà ship tận cửa”... mọc lên khắp nơi.
Dịch vụ giao đồ ăn, nấu cơm thuê không chỉ nở rộ ở thành phố, mà còn lan đến một số vùng nông thôn, tuy chưa thực sự được thực hiện dựa trên các nền tảng mạng xã hội.
Gia đình chị Lê Thị Hiền - một nghiên cứu viên của một viện nghiên cứu, vừa có chuyến về thăm quê ở Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định nhân dịp lễ 30/4 và 1/5. Chuyến về quê lần này, chị Hiền mời thêm gia đình ba người bạn thân, mỗi nhà bốn người gồm cả người lớn lẫn trẻ con. Buổi trưa chị ra quán đặt suất ăn gồm các món bê xào, thịt gà luộc, tôm nướng, giò tai, cá bống rim, cơm, canh cua, thêm quýt tráng miệng cho 12 người ăn. “Chừng ấy người ăn mà hết 600 ngàn. Tự nấu thì không thể rẻ được như thế”, chị Hiền nói.
Thấy rẻ và tiện, tối đến, chị Hiền đặt thêm hai nồi lẩu hải sản gồm tôm, mực, bạch tuộc, tim gà, măng, nấm, các loại rau, tổng chi phí hết 1,4 triệu đồng. “Ở Hà Nội, số đồ ăn này chắc chắn phải tốn vài triệu”, chị Hiền nhận định.
.jpg)
Nơi nhận làm đồ ăn cho chị Hiền là gia đình ông Nguyễn Công Thắng, cùng xã Hải Xuân. Nhà ông Thắng trước đây bán phở, hai năm trở lại đây quay ra nấu cơm đặt cho những người trong khu vực. Ông Thắng nói quán nhà ông nay có khoảng 40–50 khách quen chuyên đặt cơm trưa hay cơm tối. “Tôi nấu như cho nhà mình ăn, mỗi bữa 50-70 ngàn gồm món canh, món mặn, món xào. Lúc đầu chỉ bán cho người quen, sau này toàn khách giới thiệu nhau”, ông Thắng cho hay. Ông cho biết: “Có người đến bữa thèm canh cua, ra mua 20 ngàn, thế là có ngay một bát canh cua rau đay ngon lành, chẳng cần mất công chuẩn bị”.
Mô hình “nấu cơm thuê” như nhà ông Thắng đang bù đắp khoảng trống giữa quán ăn và bữa cơm nhà, thứ chất lượng, sự quen thuộc và cảm giác gắn kết các thành viên gia đình, được đặt lên hàng đầu.
Nhà ông Thắng chưa quen và trong khu vực cũng chưa phát triển các dịch vụ giao đồ ăn qua mạng, nhưng tại các thành phố lớn, “bấm điện thoại” hay kích chuột đặt đồ ăn giao tận nhà đang ngày càng phổ biến, nhờ sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ. Nhờ hệ sinh thái giao đồ ăn, một người nội trợ hay một quán nhỏ đều có thể tiếp cận hàng nghìn khách hàng tiềm năng quanh khu vực chỉ với vài thao tác.
Theo báo cáo của Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu IMARC Group, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2024 đạt giá trị 968,1 triệu USD và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 13,58% từ 2025 đến 2033, đạt trên 3,22 tỷ USD vào năm 2033.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works có trụ sở tại Singapore, thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam đạt tổng giá trị giao dịch 1,8 tỷ USD vào năm 2024, tăng 26% so với năm 2023, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á.
Sở dĩ hai con số khác nhau vì cách tính có sự khác biệt: IMARC Group đánh giá dựa trên doanh thu thực tế đã ghi nhận, trong khi Momentum Works tính cả tổng giá trị giao dịch (GMV), bao gồm các chương trình khuyến mãi và trợ giá từ nền tảng. Do đó, số liệu của Momentum Works thường cao hơn.
Không chỉ giới trẻ độc thân mà cả các hộ gia đình, thậm chí người lớn tuổi cũng đang dịch chuyển theo xu hướng này. PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học Việt Nam nhận định: Sự bận rộn và nhịp sống đô thị khiến nhiều người Việt, kể cả nhóm trung niên và cao tuổi, chuyển dần sang hình thức ăn nhanh, đặt món. Đây là xu thế khó đảo ngược.
Tuy nhiên, với sự tiện lợi ngày càng lớn của các nền tảng giao đồ ăn, nhiều người tiêu dùng đã từ bỏ thói quen nấu ăn tại nhà. Một số chuyên gia xã hội học cảnh báo rằng nếu xu hướng này kéo dài, bữa cơm gia đình, vốn được xem là một thiết chế văn hóa truyền thống, có thể dần mai một. GS.TS Võ Văn Sen chuyên gia văn hóa tại Đại học KHXH&NV TP.HCM nhận xét: Bữa cơm gia đình là nơi truyền thống, giá trị và kết nối được bảo lưu. Việc lệ thuộc vào dịch vụ giao đồ ăn có thể gây xói mòn mối liên kết này.
Ở chiều ngược lại, một số người lại tranh thủ sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng để nấu cơm thuê theo đơn đặt hàng. Mô hình “nấu cơm thuê” này đang bù đắp khoảng trống giữa quán ăn và bữa cơm nhà, khi vẫn mang lại cảm giác gần gũi, quen thuộc nhưng tiết kiệm thời gian và công sức hơn. TS. Phạm Thị Hồng Điệp chuyên gia xã hội học đô thị cho rằng các dịch vụ nấu ăn hộ đáp ứng nhu cầu “ăn như cơm nhà” trong xã hội hiện đại. Tuy dịch vụ này không thay thế được hoàn toàn bữa cơm gia đình tự chuẩn bị, nhưng giúp giữ lại phần nào nếp ăn truyền thống là cha mẹ, con cái quây quần quanh bàn ăn tối.
Dù chọn cách nào, thì việc ăn uống hiện nay không còn đơn thuần là hành vi cá nhân, mà trở thành phản chiếu của cả lối sống, nhịp sống và sự thay đổi trong quan niệm về gia đình, thời gian và giá trị truyền thống.
“Thực ra tự nấu thì vẫn vui hơn, chủ động hơn trong việc thiết kế bữa ăn phù hợp với khẩu vị của các thành viên trong gia đình, nhưng cuộc sống bận bịu, không phải nhà nào cũng tự nấu ăn được”, chị Nguyễn Ngọc Lan nói.
“Dù thường xuyên đặt ăn, tôi vẫn cố gắng cuối tuần tự nấu lấy, để các con học được việc nấu một bữa cơm thông thường. Duy chỉ có món cá kho là tôi vẫn chưa làm được, khi nào ăn vẫn phải đặt đem đến nhà”, chị cười có vẻ ngượng nghịu.