Tinh hoa Việt

Nhà văn hoá Hữu Ngọc: Một học giả uyên bác

Ngọc Anh 18/05/2025 09:44

Giáo sư Hữu Ngọc, một học giả uyên bác của Việt Nam vừa qua đời ngày 2/5/2025 hưởng thượng thọ 107 tuổi. Ông là tác giả của những công trình văn hóa nổi tiếng như "Phác thảo chân dung văn hóa Pháp", "Mảnh trời Bắc Âu - Văn hóa Thụy Điển", "Hồ sơ văn hóa Mỹ", "Chân dung văn hóa Nhật Bản", "Chìa khóa để biết và hiểu Lào".

8.jpg
Giáo sư Hữu Ngọc - một học giả uyên bác của Việt Nam.

Người bắc cây cầu giao lưu văn hóa

Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc sinh năm 1918 tại Hàng Gai - Hà Nội, quê gốc ở Thuận Thành - Bắc Ninh.

Thời trẻ, ông Nguyễn Hữu Ngọc từng dạy tiếng Anh ở Nam Định, sau đó đi bộ đội, phụ trách tờ báo L'Étincelle (Tia sáng) bằng tiếng Pháp với vai trò Tổng biên tập kiêm phóng viên. Tia sáng là tờ báo đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng là tờ báo địch vận đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, ông còn làm Tổng biên tập một số tờ báo đối ngoại.

Trước Cách mạng tháng Tám ông đã thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Khả năng học ngoại ngữ của ông vô cùng xuất chúng. Có giai thoại kể rằng trong thời gian kháng chiến chống Pháp khi được giao dẫn các hàng binh người Đức từ chiến khu Việt Bắc sang Vân Nam (Trung Quốc), ông đã vừa đi vừa tự học tiếng Đức với những người hàng binh chỉ bằng một cuốn sách dạy tiếng Đức qua tiếng Pháp.

Trong mấy tháng dẫn tù binh, ông đã thông thạo tiếng Đức tới mức đọc hết một cuốn tiểu thuyết trinh thám tiếng Đức. Thậm chí đến năm 1964, khi Bác Hồ tiếp một đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Đức, ông là người đi phiên dịch tiếng Đức cho Bác Hồ.

Sau này, ông trở thành cầu nối văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế và ngược lại. Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hơn chục năm cho các tờ báo đối ngoại Le Courrier Vietnam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh). Ông muốn độc giả tham gia cùng mình, qua đó cùng hiểu và yêu sâu sắc hơn nữa con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Những bài viết đó đã được tập hợp thành cuốn sách "Lãng du trong văn hóa Việt Nam" với 3 ấn bản bằng tiếng Anh, Pháp và Việt Nam.

Là người thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, chữ Hán, ông đã miệt mài viết và biên soạn hơn 30 cuốn sách giá trị về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu hình ảnh và chiều sâu văn hóa dân tộc đến bạn bè quốc tế.

Ngoài sách, nhà văn hóa Hữu Ngọc còn giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới qua các bài viết trên tạp chí, báo, dịch phẩm… bằng sự uyên bác, nghiêm cẩn và lòng say mê đáng kính.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc được coi là biểu tượng trí tuệ và đối thoại nhân văn với sức lao động bền bỉ. Ở tuổi 102, ông ra mắt độc giả bộ sách "Cảo thơm lần giở" gồm 2 cuốn, dung lượng gần 1.000 trang.

Qua bộ sách này, độc giả được tìm hiểu và lĩnh hội tư duy của 180 danh nhân thế giới, ở nhiều lĩnh vực như: tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật, xã hội, lịch sử, tâm lý, chính trị. Tiêu biểu là các danh nhân Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus, Khổng Tử, Tôn Tử, Hegel, Sokrates, Darwin, Einstein, Shakespeare, Cesvantes, Dante, Goethe, Tagor, Moliere, Leonardo da Vinci, Picas-so… và 3 danh nhân Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với hàng trăm bài viết, đầu sách, hoạt động nghiên cứu, đối thoại và dịch thuật, ông đã góp phần đưa hình ảnh đất nước và chiều sâu bản sắc dân tộc đến gần hơn với thế giới.

Một học giả xuất sắc

Ngoài viết báo, khi sức khỏe còn cho phép, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn tham gia các buổi nói chuyện, thuyết trình văn hóa Việt Nam cho quan khách nước ngoài, từ những người ngôi cao chức trọng đến khách du lịch bình thường. Ông nói ông thích công việc của mình và rất vui khi được giới thiệu văn hóa cho nhiều đối tượng khác nhau.

Một lần, nhà văn hóa Hữu Ngọc có cuộc nói chuyện với hơn 50 giáo sư từng là cựu sinh viên các trường đại học rất nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Yale, Standford... Kết thúc buổi nói chuyện ấy, họ đã mua của ông 27 cuốn "Wandering through Vietnamese culture" ("Lãng du trong văn hóa Việt Nam"). Một lần khác, cũng sau buổi nói chuyện với một số vị khách Mỹ, có người nắm tay ông bày tỏ: "Nếu được nghe ông sớm, biết đâu đã không có chiến tranh Việt Nam".

Nhà báo Nguyễn Như Mai đánh giá nhà văn hóa Hữu Ngọc là "nhà văn hóa lớn của đất nước, là tác gia và chứng nhân của lịch sử". Tầm vóc và đóng góp của ông không chỉ được ghi nhận trong nước, mà còn được trân trọng trên trường quốc tế.

Đại sứ Thụy Điển Börje Lunggren từng nhận xét tại lễ trao Huân chương Bắc Đẩu năm 1997 cho ông: "Từ trước đến nay, tôi chưa từng gặp người bắc cầu giữa các nền văn hóa như ông Hữu Ngọc - cắm rễ sâu vào văn hóa Việt Nam, một người chân chính, rất tế nhị khi thu nhận những nền văn hóa khác". Đại sứ Pháp Claude Blanchemaison thì khẳng định: "Nếu có một nhà trí thức nào, một nhà văn nào xứng đáng nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm, thì đó là ông Hữu Ngọc - nhà văn hóa, nhân văn lớn".

Trong một sự kiện khác, Bộ trưởng Khối Pháp ngữ của Quebec, Canada - ông Sylvain - đã dành những lời chân thành: "Ông Hữu Ngọc là một trong những học giả xuất sắc của Việt Nam”.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê, người làm việc với Giáo sư Hữu Ngọc nhiều năm ở Quỹ Văn hóa Việt Nam – Thụy Điển nói rằng: nhìn vào ông người ta thấy hình ảnh một trí thức nho nhã Việt Nam. Tài năng, nhân cách quá mẫu mực, là người có tầm suy nghĩ xuyên thế kỷ nhưng Hữu Ngọc rất khiêm tốn và hóm hỉnh.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học, văn hóa nước ngoài từ tiếng Anh, Pháp sang tiếng Việt, trong đó nổi bật nhất là cuốn sách kinh điển “Truyện cổ Grimm”.

Một số tác phẩm tiêu biểu về văn hóa của ông có thể kể đến là “Phác thảo chân dung văn hóa Pháp”, “Mảnh trời Bắc Âu”, “Văn hóa Thụy Điển”, “Hồ sơ văn hóa Mỹ”, “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam”, “Khám phá văn hóa Việt Nam”.

hữu ngọc

Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng đảm nhiệm vị trí Tổng Biên tập các tờ báo tiếng nước ngoài như: L'Étincelle (Tia sáng) bằng tiếng Pháp. Ngoài ra, ông còn làm Tổng Biên tập một số tờ báo đối ngoại như “Việt Nam tiến bước” (Anh - Pháp - Esperanto) và “Nghiên cứu Việt Nam” (Anh - Pháp).

Ông cũng từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn trong nhiều năm.

Với những đóng góp lớn lao, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập; Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương Bắc đẩu; Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, giải Vàng Sách Việt Nam 2006, giải Đồng Sách Việt Nam 2015, giải thưởng Quốc gia Sách Việt Nam 2017, giải GADIF 2008 của Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và các Tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam, giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại 2015, Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2017.

Giáo sư Hữu Ngọc từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển. Trong hơn 10 năm hoạt động của quỹ, hơn 2.000 dự án lớn nhỏ khác nhau đã được thực hiện, hỗ trợ rất lớn cho bảo vệ di sản cũng như hỗ trợ cho nhiều nghệ sĩ phát triển sự nghiệp, trong đó có việc phục hồi, bảo vệ các sắc phong...

Ngọc Anh